Ninja có thể sử dụng những thứ bình thường như bút, vỏ trứng, dế, gạo ngũ, móng tay kim loại sắc để hỗ trợ các hoạt động tấn công, ẩn nấp, truyền tin và tẩu thoát.
Yatate, vũ khí đặc biệt từ bút
Người ta thường hiểu câu “Ngòi bút mạnh hơn lưỡi kiếm” theo nghĩa bóng. Tuy nhiên, với ninja, bạn có thể hiểu câu đó theo nghĩa đen vì họ có thể biến bút thành vũ khí giết người. Các ninja luôn mang theo yatate, một ống trụ nhỏ bằng kim loại hoặc tre, khi làm nhiệm vụ. Cấu tạo của nó bao gồm một hộp nhỏ để đựng mực và ống trụ rỗng để đựng lông bút. Trong nhiệm vụ gián điệp, yatate là vũ khí tùy thân quan trọng của ninja. Họ dùng nó để ghi những thông tin về mục tiêu.
Tuy nhiên, trong những trường hợp cần phải tấn công, ninja thường giấu gai, kim, chất độc vào trong yatate chứ không để lông bút, theo cuốn “The Secret Traditions of the Shinobi”. Giống như trường hợp các Kunoichi thích sử dụng kanzashi (trâm cài tóc), ninja lựa chọn yatate vì người ta không đánh giá cao tính sát thương của nó.
Neko-te, vũ khí trên đầu ngón tay
Có lẽ bạn không hề cảm thấy ngạc nhiên khi ninja sử dụng cả móng tay làm vũ khí. Móng tay kim loại, Neko-te là vũ khí dành cho ninja nữ. Họ gắn chúng vào móng tay theo nhiều cách. Người ta đúc móng tay kim loại theo hình bao tay hoặc làm thêm vòng sắt nhỏ cho mỗi móng để ninja đeo vào từng ngón tay như đeo nhẫn. Thông thường, Neko-te được làm bằng sắt. Tuy nhiên, một số ninja dùng miếng tre mỏng. Ngoài ra, họ cũng có thể chế tác kẹp tóc và đồ trang sức cũ thành những móng tay sắc như dao cạo, Wizards cho hay.
Trong tiếng Nhật, neko nghĩa là “con mèo”, còn “te” là “bàn tay”. Trong quá trình đào tạo, Kunoichi thường tập trung học các sử dụng các loại vũ khí nhẹ và dễ giấu.
Dùng dế để ngụy trang và ẩn nấp
Ninja là bậc thầy về ẩn nấp và thường tiếp cận kẻ thù một cách âm thầm. Tuy nhiên, không phải lúc nào điều kiện tự nhiên cũng thuận lợi. Ví dụ, họ không thể bước đi trên lá cây khô hay tuyết cứng mà không tạo ra tiếng động. Thậm chí, ninja dễ dàng bại lộ vị trí ẩn nấp và phá hủy toàn bộ nhiệm vụ chỉ vì lỡ giẫm lên lên cành cây khô. Để đối phó với những tình huống như vậy, họ thường mang theo hộp dế nhỏ. Tiếng kêu của chúng sẽ che giấu những âm thanh ninja tạo ra.
Trong cuốn “Ninjutsu: The Art of Invisibility”, tác giả Donn F. Draeger cho biết ninja có sẵn hỗn hợp gồm các loại hóa chất đặc biệt để đảm bảo dế kêu hay im lặng theo ý muốn của họ. Âm thanh dế kêu ríu rít khiến kẻ thù mất cảnh giác trước các tiếng động lạ. Mặt khác, trên thực tế, côn trùng và chim thường dừng hót khi con người hoặc động vật ăn thịt đến gần. Vì thế, ngay cả khi di chuyển lặng lẽ, ninja vẫn cần đến dế.
Bột gây kích ứng mắt, mũi và hệ hô hấp trong vỏ trứng
Ngoài kỹ năng ẩn nấp tài tình, ninja còn sử dụng các loại bột để che giấu bản thân. Là những người cực kỳ thông minh, họ sẽ không đầu tư thời gian để chế tạo những thứ đã có sẵn. Vì thế, ninja đựng bột trong vỏ trứng. Trước hết, họ dùng kim chọc một lỗ nhỏ trên quả trứng để các chất bên trong chảy ra. Khi vỏ trứng hoàn toàn rỗng, họ bỏ mạt sắt, muối, bột ớt và các loại bột gây kích ứng mắt vào đó, theo cuốn “The Invisible Fist: Secret Ninja Methods of Vanishing Without a Trace”. Trong các cuộc tấn công, ninja sẽ ném trứng vào mắt đối phương để vô hiệu hóa khả năng nhìn.
Ngoài ra, ninja cũng sử dụng các chất gây kích ứng đối với mũi và hệ hô hấp. Một khoảnh khắc suy yếu của đối thủ, dù rất ngắn, cũng là cơ hội tốt để ninja phản kích hoặc tẩu thoát.
Truyền tin bằng gạo
Để thực hiện tốt nhiệm vụ gián điệp và sát thủ, ninja cần biết cách thu thập thông tin một cách bí mật. Phương pháp phổ biến nhất của họ là sử dụng goshiki-mai, nghĩa là gạo ngũ sắc. Ninja sơn màu đỏ, xanh, vàng, đen, hoặc màu tím lên hạt gạo và dùng chúng để gửi các mật mã. Họ rải gạo dọc đường hoặc ở những nơi kín đáo. Kẻ thù và người bình thường sẽ không chú ý đến điều đó nhưng các ninja trong một gia tộc đều biết cách giải mã thông tin từ chúng. Dựa trên sự kết hợp màu sắc hoặc số lượng hạt gạo, ninja có thể tạo hơn 100 loại mã, theo tác giả cuốn “Ninja Attack!: True Tales of Assassins, Samurai, and Outlaws”.
Ngoài ra, việc dùng sơn tạo màu cho gạo cũng đảm bảo chim sẽ không ăn những hạt gạo.
Nguồn: Nguyễn Sương – Zing News