1. Lò Thúy Năm – nữ võ sĩ miền sơn cước
Sinh năm 1983 tại xóm Yên Thắng, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa trong một gia đình dân tộc Thái đông anh chị em. Năm 1999, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Năm cùng bố mẹ vào lập nghiệp tại thôn Thanh Sơn, xã Đăk Sôr, huyện Krông Nô, Đăk Nông.
Cuộc đời cô bước sang trang khi tình cờ gặp thầy Đỗ Ngọc Đại (cựu tuyển thủ quốc gia Wushu, Huấn luyện viên Wushu tỉnh Đăk Lăk). Dưới sự dẫn dắt của thầy cùng năng khiếu vốn có của bản thân nên chỉ sau 4 tháng, Thúy Năm đã mang về cho tỉnh nhà tấm Huy chương Đồng hạng cân 48kg tại Giải vô địch Quốc gia Wushu năm 2004.
Ngoài các “ngón võ ”Wushu, Thuý Năm còn kiêm nhiệm thêm môn Võ cổ truyền dân tộc. Cũng trong năm 2004, tham gia giải Võ cổ truyền toàn quốc được tổ chức tại Tây Ninh, Thúy Năm đã giành vị trí á quân sau nữ võ sĩ đội chủ nhà trong trận chung kết.
Cuối năm 2004, ngay khi quyền Anh nữ bắt đầu được chú ý, Thúy Năm được chuyển sang luyện tập môn võ thuật mới này. Sau hơn một tháng làm quen, Thúy Năm đã vinh dự “lọt” vào vị trí chính thức trong Đội tuyển Quốc gia hạng cân 46kg. Năm 2005, Thuý Năm đã nổi lên như một ngôi sao sáng chói trong “làng quyền Anh Việt Nam” sau khi giành được giải Vô địch quyền Anh toàn quốc lần thứ nhất, tổ chức tại Thái Bình.
Với trình độ và sự tiến bộ nhanh chóng của mình, cô võ sĩ núi rừng Tây Nguyên Lò Thuý Năm đang ra sức luyện tập để có thể giành được nhiều huy chương trong các giải đấu trong nước và có thể so tài cùng bạn bè trên sàn đấu quốc tế.
2. Thạch Thị Trang – cô gái miền Tây đầy bản lĩnh
Thạch Thị Trang sinh ngày 1/1/1991 trong một gia đình nghèo đông anh chị em ở Trà Vinh. Tuy cuộc sống gia đình khó khăn nhưng chính nó đã rèn cho cô ý chí mạnh mẽ, dũng cảm không ngại khó khăn trước bất kỳ hoàn cảnh nào. Điều này được thể hiện rõ trên sàn đấu SEA Games, nơi cô liên tiếp tạo ra những bất ngờ.
Năm 2011, tuy lần đầu tham dự SEA Games nhưng cô võ sĩ 20 tuổi này đã đưa người hâm mộ lẫn giới chuyên môn đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Ở vòng bán kết SEA Games 2011, Trang đã vượt qua võ sĩ Jamaliah Jamaluddin người Malaysia- người đã từng đoạt HCB ASIAD 16 cũng như vô địch 2 kỳ SEA Games 2007 và 2009 với tỷ số 2-0. Đó thật sự là một chiến công lớn. Bước vào trận chung kết gặp võ sĩ nước chủ nhà Indonesia, Mardiah Nasution, Trang đã có màn trình diễn vô cùng ấn tượng giành chiến thắng áp đảo với tỷ số 8-0, đem HCV đầu tiên về cho Karatedo Việt Nam.
Sau thành công ở SEA Games 26, Trang bất ngờ nói lời chia tay với karatedo để tập trung vào việc học. Trong thời gian học tại Trường Đại học Thể Dục Thể Thao Trung Ương 2.
Trang vẫn dành thời gian để luyện tập. sau Một thời gian, Thạch Thị Trang đã quay trở lại với karatedo trong màu áo Cần Thơ trong Giải Vô địch Karatedo Đông Nam Á diễn ra vào tháng 4/ 2014. Cũng giống như những gì đã thể hiện ở SEA Games 26, Nữ võ sĩ người Khmer này với bản lĩnh của mình cùng sự khôn khéo, chắc chắn trong phòng thủ, sự quyết đoán, chính xác trong ra đòn đã đánh bại đối thủ nặng ký Yuswinda Eka người Indonesia với tỷ số 2-1.
Với chuyên môn và thể lực tốt, Thạch Thị Trang được xem là tài năng lớn của karatedo Việt Nam. Và hiện tại cô “đang nỗ lực phấn đấu có tên trong đội tuyển karatedo Việt Nam dự ASIAD vào tháng 10 tới”.
3. Lừu Thị Duyên – tuổi trẻ tài cao
Lừu Thị Duyên sinh năm 1993, là con cả trong một gia đình dân tộc H’Mông thuần nông, hiện đang sống ở thôn Phú Cường 2, Thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.
Cuộc sống gia đình vẫn còn găp nhiều khó khăn. Năm 2007, tài năng của cô được phát hiện, chỉ mới 14 tuổi nhưng Duyên đã trở thành gương mặt sáng giá của đội tuyển boxing Lào Cai và đã giành được nhiều huy chương cao quý, trở thành nữ võ sĩ quyền Anh hàng đầu Việt Nam. Cùng năm, tại giải châu Á cô đã đoạt được Huy Chương Đồng. Trong SEA Games 26 cô cũng giành được Huy Chương Bạc vì bị sử ép với võ sĩ Thái Lan – người từng vô địch Asian Games. Trên tầm Quốc tế, năm 2011 đoạt Huy chương Vàng giải trẻ thế giới tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại SEA Games 27 này, Cô gái H’Mông 20 tuổi này đã giành được giải thưởng cao quý Huy chương Vàng quyền Anh nữ hạng cân 60 kg, góp phần mang lại vinh quang cho Tổ quốc Việt Nam và quê hương Lào Cai. Với những thành công đã đạt được, chúng ta hãy hy vọng trong tương lai, bản lĩnh và tài năng của Lừu Thị Duyên sẽ có một vị trí nhất định trong làng quyền Anh thế giới.
3 nữ võ sĩ đến từ 3 dân tộc khác nhau, từ những miền quê khác nhau nhưng ở họ có một điểm chung, đó chính là niềm đam mê mãnh liệt đối với thể thao nói chung và võ thuật nói riêng. Có thể nói họ đã vượt qua mọi rào cản để có thể thể hiện tài năng, bản lĩnh của mình trên những sàn đấu trong nước cũng như Quốc tế. Bằng sự nỗ lực hết mình, những cô gái vàng này mang nhiều vinh quang về cho đất nước, góp phần làm rạng danh Việt Nam trong làng võ thuật khu vực Đông Nam Á và cả thế giới. Và chúng ta cứ hy vọng rằng trong một tương lai gần nhất sẽ có càng nhiều cô gái đầy tài năng và bản lĩnh như thế nữa.
Ngọc Hiếu (tổng hợp)