Đến bây giờ, làng võ thuật TP.HCM vẫn truyền tai nhau về câu chuyện vị võ sư bị Quan Công nhập chỉ với bốn cú đá đã làm bốn tên cướp nằm lăn lóc trên đường.
Những đệ tử hiện nay theo nghiệp võ của Long Hổ Hội còn lại khá ít. Nhiều người trong giới võ thuật Sài Gòn cho rằng, Long Hổ Hội đang dần mai một. Thời điểm này, võ sư Long Phi Thanh và những môn đệ khác may mắn được thọ giáo tổ sư Lâm Hữu Hội đang cố gắng giữ cho Thiếu Lâm Nững Xị không bị mất gốc. Được biết, trước khi đến với Long Hổ Hội, Long Phi Thanh đã từng học nhiều võ phái khác nhau. Tuy nhiên, các tuyệt chiêu Thiếu Lâm Nững Xị của Long Hổ Hội đã làm cho ông không thể dứt ra được.
Nói về duyên của mình với Long Hổ Hội, võ sư Long Phi Thanh (tên thật là Phạm Thanh) nhớ lại: Năm 11 tuổi tôi đã bắt đầu theo học võ. Mới đầu tôi theo phái võ cổ truyền của Bình Định rồi sang VoVinam… Ngày ấy, tôi mê mẩn đường roi nổi tiếng của võ sư Hồ Ngạnh (phái Bình Định) đến quên ăn, quên ngủ. Thời bây giờ, giới giang hồ Sài Gòn truyền tai nhau rất nhiều về võ sư Hồ Ngạnh. Rất nhiều đêm, tôi đã ao ước được gặp và học theo những đường roi này.
Sau luyện thành công chiêu thức của các phái võ nói trên, võ sư Long Phi Thanh đã ra mở lớp dạy võ tại quận Bình Thạnh (gần Bệnh viện Ung bướu trên đường Nơ Trang Long ngày nay). Cuộc đời võ nhạt nhòa của ông cứ thế trôi đi nếu không được gặp võ sư Lâm Hữu Hội.
Võ sư Long Phi Thanh kể lại: “Sau khi xem tôi và môn sinh luyện tập, thầy nói tôi học võ ở đâu mà “dạy hay thế”. Sau đó, thầy kêu tôi về một lò võ trên đường Nguyễn Văn Công. Tại đây, thầy đã chỉ cho tôi sự khác biệt của Long Hổ Hội với các phái võ khác. Sau khi tập luyện với bao cát và được chỉ giáo thêm, tôi đã bỏ qua tất cả các phái võ mình đã học để đi theo Long Hổ Hội. Năm đó, tôi đã bước sang tuổi 36″.
Dù không thượng đài và có những trận đấu lớn như các sư huynh Mousetaza, Long Mouse, Mã Sơn Ba, Long Vân, Ruby “lớn”, Ruby “nhỏ” và đặc biệt là “tứ đại thiên vương” gồm hai anh em võ sĩ gốc Ấn Độ là A Mách và Mousetaza, Tôn Ngọc Lực và Hải Huỳnh nhưng Long Phi Thanh được biết đến với những cú đòn nhanh như chớp. Nhiều người cho biết, có lần ông đã bị “Quan Công nhập”.
Số là một lần đi tập võ từ quận Gò Vấp về, trên đường đi ông gặp phải cảnh bất bình. Võ sư Long Phi Thanh kể lại: “Lúc đó, tôi đang đi thì có một phụ nữ bị hai thanh niên tông ngã xe và định giở trò cướp giật. Thấy vậy, tôi liền dừng lại khuyên can. Bọn chúng lớn tiếng quát: “Liên quan gì tới mày, biến mau””.
Võ sư Long Phi Thanh quyết không đi và tiếp tục lao vào ngăn cản. Từ đằng sau, một tên cướp lao vào đá ông nhưng võ sư này tránh được. Ngay lập tức tên thứ hai cũng nhảy vào. Võ sư Thanh né người tránh đòn và tung ra cú đá. Cú đá mạnh đến nỗi tên cướp này nằm lăn ra đường và bất tỉnh. Chỉ một chiêu nữa, tên thứ hai đã nằm rên la giữa đường. “Tưởng như thế là hết nhưng bất ngờ từ trong bụi rậm có hai tên khiêng chiếc xe đạp ném vào người tôi. Lấy tay đỡ chiếc xe đạp văng ra, tôi tung hai cú đá liên tiếp vào hai tên này. Chỉ trong chớp mắt, chúng nằm lăn lóc giữa đường. Chỉ cần bốn cú đá, bốn tên đã không thể gượng dậy”, võ sư Long Phi Thanh nhớ lại.
Khi bốn tên nằm rên rỉ trên đường vì đau đớn thì ông mới tỉnh trở lại. Ông cũng không biết vì sao mình có thể làm được chuyện đó. Bởi, lúc ấy Long Phi Thanh cũng mới chỉ theo sư phụ Lâm Hữu Hội được một thời gian. Trên đường về, ông cứ suy nghĩ không biết ai nhập mà mình đã đánh được bốn tên giang hồ đó. Theo nhìn nhận của võ sư Thanh thì bốn tên này đều có võ. Những ngày tiếp theo, ông cũng tự vấn mình và đi tìm thầy để giải đáp thắc mắc.
“Thầy Lâm Hữu Hội nói rằng, tôi được Quan Công nhập vào người nên mới đánh được như vậy. Tuy nhiên, mãi đến sau này tôi mới biết đó là những lời nói đùa của sư phụ. Lúc ấy, tôi ngộ ra, nhờ những thế võ của Long Hổ Hội mà mình đã luyện tập nên mới tung ra những cú đá nhanh, mạnh như thế. Đó là những phản xạ có điều kiện. Cũng từ đó, tôi mới hiểu rằng, vì sao trước những trận thắng vang đội của các sư huynh, nhiều người đã thêu dệt, đồn thổi rằng Long Hổ Hội dùng bùa ngải”, võ sư Thanh cho biết.
Tiết lộ bí kíp võ công môn phái
Nói về Thiếu Lâm Nững Xị của Long Hổ Hội, võ sư Long Phi Thanh cho biết, đây là chiêu thức có 36 đường quyền được sắp xếp từ thấp lên cao, theo quy luật nhất định. Nếu sử dụng thành thạo các đường quyền này sẽ cho ra những đòn hết sức “độc”. Các đường quyền của võ phái đi theo hình chữ viết (lối chiết tự). Theo đó, mỗi đường quyền khởi động từ đầu chữ và chấm dứt ở cuối chữ. Để cho dễ nhớ, các đường quyền được đặt những cái tên gắn với những điển tích bên Trung Hoa như “Tam chiến Lữ Bố”, “Phá ngũ quan”, “Bát tiên quá hải”, “La Thành hồi mã thương”, “Bạch hổ ly sơn”, “Cửu Long nhất hổ”…
Trong Thiếu Lâm Nững Xị, lực sử dụng theo quy luật “trục xoay”, cơ bắp xuôi về một phía và có uy lực rất mạnh. 36 đường quyền của Long Hổ Hội không giống kiểu đi quyền của các môn phái khác. Bởi mục đích của đường quyền là phát triển thể lực và xây dựng đòn thế. Thể lực của Long Hổ Hội được rèn luyện và hình thành từ 5 yếu tố: Nhanh, Mạnh, Bền, Biến (khả năng thay đổi đòn thế) và Nhu (năng lực thực hiện đòn thế với biên độ khớp mở rộng). Mỗi bài quyền là sự phát triển chủ yếu của một trong 5 yếu tố này. Đồng thời, kéo theo là sự nâng dần các yếu tố còn lại. Ví dụ, bài đường quyền về Mạnh thì bốn yếu tố còn lại: Nhanh, Bền, Biến và Nhu cũng được kết hợp nhuần nhuyễn và nâng dần cấp độ.
Nói về đường quyền, võ sư Long Phi Thanh cũng cho biết, các đệ tử trong môn phái phải thiết lập tình huống và xây dựng phản ứng trả lời cho tình huống đó. Ví dụ, khi gặp một đối thủ sẽ phải xây dựng tình huống trả lời làm sao để hạ đối thủ nhanh nhất. Còn gặp hai hay ba đối thủ thì phải xây dựng tình huống hạ ai trước, ai tiếp và ai là người cần hạ cuối cùng. Đó là một trong những bí mật trong Thiếu Lâm Nững Xị của Long Hổ Hội được võ sư Long Phi Thanh “bật mí” cho PV Người đưa tin.
Trong quá trình dạy Thiếu Lâm Nững Xị, võ sư Long Phi Thanh có nhiều học trò nữ. Đặc biệt, trong Thập Tam thái bảo (13 học trò xuất sắc của ông) thì có 4 người là nữ. Hiện một số đã đi nước ngoài sinh sống, một số theo nghiệp võ. Trong quá trình dạy võ, ông đã kết hôn cùng Dương Thị Huệ (đệ tử của Long Phi Thanh – PV). Được biết, bà Huệ cùng với Dương Quốc Tâm là những người dạy võ đầu tiên tại Bình Thạnh. Hiện bà Huệ đã đi tu.
Trong số những đệ tử còn lại của Long Hổ Hội hiện còn con trai của võ sư Lâm Hữu Bình (Long Hổ Bill), Long Phi Báu và Long Phi Thanh đang truyền dạy võ thuật tại TP.HCM. Với võ sư Long Phi Thanh, ngồi nói chuyện với ông cả buổi chiều tại võ đường ở quận Thủ Đức, chúng tôi nhận thấy, ông là một người mê võ và khao khát đưa võ đúng nghĩa vào trường học như một môn bắt buộc.