Sinh ra trong một gia đình có truyền thống võ học nhưng từ lúc ra đời tới 5 tuổi cậu không hề biết nói, biết đi và có những hành động khác người. Tuy nhiên, qua bao tháng năm luyện tập, giờ đây cậu bé “dị thường” năm nào đã trở thành một huấn luyện viên võ thuật tài năng.
5 tuổi nhất quyết không nói, không đi
Đó là câu chuyện thời thơ ấu của chàng trai Phạm An Bình (19 tuổi), hiện đang là huấn luyện viên môn phái Long Hổ Hội, con trai võ sư Long Phi Thanh và võ sư Dương Thị Huệ tại khu chung cư Hiệp Bình Chánh (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM). Lão võ sư Dương Thị Huệ (57 tuổi) cho biết, lúc mang thai Bình thực sự bà không hề biết gì. Bây giờ kể lại, bà vẫn cười thản nhiên: “Tôi bất ngờ về lời của bác sĩ lắm. Thời gian đó tôi sinh hoạt vẫn bình thường, không hề có biểu hiện gì về ốm nghén hay thèm ăn cái này cái kia, tôi chỉ nghĩ mình béo lên vì ăn nhiều thôi”.
Vào buổi trưa một ngày đầu năm 1994, bà bị một tai nạn giao thông. Lúc này, thai nhi trong bụng bà đã được 7 tháng tuổi. Vô nằm rên rỉ trong bệnh viện từ chập tối đến 10h đêm, qua 4 vị bác sĩ khám và đều chẩn đoán: “Thai nhi quá nhỏ nên chắc chắn chưa thể sinh được, có lẽ bà đau vì dư chấn của vụ va chạm xe hồi trưa…”. Trong lòng võ sư Dương Thị Huệ cũng thầm mong như vậy, bởi con bà chỉ được 7 tháng tuổi, nếu sinh lúc này thì nuôi rất khó. Bà cố nén đau chịu đựng không hề kêu la. Đêm xuống, vị bác sĩ trưởng khoa phụ sản đi qua, thấy mặt bà tím tái nên hỏi thăm và biết nguồn cơn cơ sự. Vài phút sau, bà bác sĩ trưởng khoa đích thân khám cho võ sư Dương Thị Huệ. Khám xong, vị bác sĩ trưởng “phán” một câu: “Mổ gấp…!”, bà Huệ nhớ lại.
Hôm ấy, một đêm chưa bao giờ dài như thế đối với võ sư Long Phi Thanh. Cuối cùng, êkip phụ sản sinh mổ cũng ló đầu ra nhưng chẳng thấy tiếng khóc của em bé cất lên. Trong tích tắc, ông tuyệt vọng vô độ. “Chúc mừng anh, con trai, 1,9kg… mẹ tròn con vuông, có điều, thằng bé chẳng khóc một tiếng nào khi được chúng tôi bế ra khỏi bụng mẹ”, một cô y tá tươi cười nói với võ sư Long Phi Thanh. “Đây là lần thứ hai tôi sinh mổ, lần trước con bé lớn nhà tôi cũng chào đời kiểu này. Thế nhưng hai chị em nó đối lập nhau. Tôi mang bầu bé lớn đến hết tháng thứ 11 mới sinh, còn thằng Bình lại thiếu 2 tháng. Sinh đứa thứ nhất bao nhiêu là sữa thì đứa này tôi chẳng có nổi một giọt. Sự đối lập này làm hàng xóm xôn xao”, võ sư Dương Thị Huệ chia sẻ thêm.
Theo lời kể của võ sư Dương Thị Huệ, Bình rất khác với đám bạn đồng trang lứa, cậu chỉ nằm một chỗ và chơi đồ chơi của mình. Hai tuổi Bình mới biết ngồi. Thấy con có nhiều biểu hiện lạ, vợ chồng võ sư Dương Thị Huệ nghĩ con mình bị thiểu năng nên đưa Bình đi khám ở nhiều nơi. Thế nhưng, tới đâu khám bác sĩ đều cho biết Bình phát triển bình thường, nên chỉ còn cách là chờ đợi. Song, đến 5 tuổi mà Bình cũng chẳng biết nói một từ, gọi mẹ hoặc ba một tiếng. Và cậu cũng chưa bao giờ bước đi lấy nửa bước khỏi chỗ đứng.
Cô Nguyễn Thị Doãn, giáo viên trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (P.5, Q.Bình Thạnh), chủ nhiệm lúc Bình học lớp 5 đánh giá: “Bình tập đọc rất kém, mỗi lần gọi em đọc một đoạn văn cho cả lớp nghe đều không đọc được hết một câu, mà cứ lắp bắp từng từ một, không ngừng sai cú pháp trong cách đọc tiếng Việt. Hơn nữa, khi giao tiếp với các bạn, Bình cũng chỉ nói “bập bẹ” như đứa trẻ lên ba”.
Nửa đêm nằng nặc đòi mẹ dạy võ
Chuyện của Bình khiến võ sư Dương Thị Huệ đã phải bao đêm thức trắng buồn rầu: “Chẳng biết mai này thằng Bình lớn lên có bị câm không nữa, cứ nghĩ tới những lúc nó nhăn mặt để làm ký hiệu xin ăn, xin uống là nước mắt tôi lại trào ra”. Mỗi lần như thế, võ sư Long Phi Thanh lại vỗ về bà: Trời không phụ lòng người. Và đúng vậy, chỉ vài tháng sau “cổ họng” Bình đã “bật” ra những âm thanh đầu đời. “Hôm đó tôi đang chuẩn bị bữa trưa cho gia đình, thằng Bình ngồi cạnh bên chơi bóng, bỗng dưng nó nhìn tôi rồi kêu: “Pẹ…!”. Tôi giật mình, người run lên vì mừng rỡ, vội ôm nó vào lòng mà đôi dòng nước mắt trào ra lúc nào không hay”, võ sư Dương Thị Huệ sụt sùi cho biết thêm. Sau đó vài tháng, Bình chập chững bước những bước đầu đời trên nền nhà…
Những năm tháng cuối cấp tiểu học, Bình luôn bị bạn bè đùa cợt vì “học tới lớp 3 rồi mà nói chẳng thành lời”. Hơn nữa, người cậu lại còi cọc, ốm yếu như con gái nên thường bị bạn bè “đè cổ” bắt nạt. Một lần, Bình bị đám bạn tấn công chỉ vì không cho chúng chép bài trong giờ thi. Kết thúc cuộc ẩu đả, Bình bị đám bạn treo chiếc quần dài lên cây, vùng mặt in hằn nhiều vết sưng đỏ. Về nhà, cậu mếu máo trách mẹ: “Sao mẹ nói võ của mẹ là hay nhất, có thể đánh một lúc 7 – 8 người…!?”. Lúc ấy, võ sư Dương Thị Huệ vỗ về: “Tại con không chịu chuyên tâm học chứ bộ”. Bình giận dỗi về phòng.
Một đêm mất ngủ, Bình lén lút “đột nhập” vào phòng ba mẹ để xin học võ. Kỳ kèo với cha mãi không được cậu qua năn nỉ mẹ. Bà mừng vì cậu con trai bắt đầu ý thức nối nghiệp võ của gia đình. Nhưng bà không quên đặt câu hỏi cho con: “Con học võ để làm gì?”. Bình thông minh đáp lại: “Học để lấy “dũng” mẹ à. Con không muốn mình bị bắt nạt mãi”. Chỉ nhiêu đó thôi cũng đủ làm mát lòng người mẹ. Thậm chí, nghe câu nói đó bà hạnh phúc đến độ lệ rơi đong đầy hai gò má. “Từ hôm đó, đêm nào Bình cũng bắt mẹ chỉ dạy võ thuật cho mình, bữa nào sớm thì học lúc 22h đêm, muộn thì 1, 2h sáng cũng có. Hai mẹ con tập tới khi nền nhà ướt sũng mới nghỉ”, Bình nhớ lại.
Hai tuần sau, trường của Bình tổ chức lễ tổng kết năm học. Cậu tự tin đối mặt với đám bạn bắt nạt mình trước đó. Bình ngồi nghiêm túc dự lễ của trường không thèm để ý tới những lời trêu ghẹo của đám bạn. Khi buổi lễ kết thúc, Bình vẫn bước thản nhiên ra cổng để về nhà. Thế nhưng, đám bạn gây sự kia vẫn bám theo “chọc phá” cậu. Khi một trong 6 tên trong nhóm xông vào, chưa kịp “sờ gáy” Bình đã bị cậu đá tung, rồi lần lượt cả đám 6 người ngã lăn xuống nền đất. Không dừng lại ở đó, Bình nhảy vào đè tên đầu sỏ ra cho thêm mấy cái bạt tai nữa rồi đứng dậy, bình tĩnh bước đi… Về nhà, Bình khoe với mẹ là “đã trả thù” thành công. Sau đó, cậu ngây ngô hỏi: “Mẹ ơi, con không biết tại sao lại có “dũng” như thế nữa, chúng vừa xông vào con là tung ra rồi”.
Theo nguoiduatin