Bí quyết của nhà vô địch – Vốn dĩ cuốn tạp chí L’Esprit du Judo của ông Emmanuel Charlot thì chẳng ai bắt bẻ được điều gì. Chất lượng cực kỳ tốt, từ những bài phân tích thời sự đến việc mổ xẻ mọi góc cạnh của Judo trong phần chuyên đề. Trong các cuốn đã đọc, tôi chỉ xin đề cập đến số mới nhất gần đây có bài viết của một nữ nhà báo người Anh Jane Bridge khiến tôi tâm đắc và ngồi đọc lại đến vài lần. Tôi nghĩ sẽ rất tiếc nếu không dịch ra tiếng Việt. Mục đích là gì thì có lẽ để sau khi đọc hết bài này, chính các bạn sẽ là người rút ra điều đó. Xin mời theo dõi:
Cà Phê Võ Thuật (Kì 21) – Võ và câu chuyện thợ mộc
Hồi ký của một chưởng môn (Phần VII)
– Bạn thử nghĩ xem nhé. Bạn tập Judo được 40 năm. Bạn là nhà vô địch thế giới đầu tiên của đất nước, lại còn có huy chương Olympic. Khi còn là vận động viên, bạn thường xuyên được tập luyện ở Nhật với những võ sĩ hàng đầu của nước này. Bạn là thầy và bạn huấn luyện nhiều học trò đạt huy chương thế giới, Olympic. Bạn là giảng viên đại học, là chuyên gia được giới Judo khắp thế giới biết đến. Bạn còn kinh doanh thành công và giàu có.
Bạn bước lên thảm để tập một khóa chuyên về Kata (quyền thuật). Ngay khi bạn vừa chào để bắt đầu bài Nage No Kata thì: “Ồ không, dừng lại. Chào như thế là không đúng!”. Một anh chàng trẻ măng của tổ đường Kodokan (Nhật) bước lại để chỉ bạn cúi chào thế nào cho đúng. Một phút sau đó, khi bạn vừa bước được bước đầu tiên của bài quyền thì: “Ồ không, dừng lại. Bước như thế là không đúng! Cần phải đẩy về phía mũi chân, điều đó rất quan trọng về thăng bằng.” Cũng lại anh chàng trẻ măng khi nãy.
Nếu bạn là nhân vật có lý lịch “đình đám” kia, bạn sẽ phản ứng thế nào? Những điều tôi vừa kể đã xảy ra với Mike Swain (người Mỹ). Ông được mời tới trong vai trò chuyên gia để giảng dạy trong 5 ngày tập huấn của Festival Judo 2014 do Liên đoàn Judo châu Âu tổ chức ở Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ). Những khi không giảng dạy, ông và những chuyên gia khác cũng tham gia tập luyện.
Trở lại chuyện khi nãy, mỗi lần bị “anh thầy trẻ măng” nhắc nhở, Swain lắng nghe rất chăm chú và sửa đi sửa lại từng động tác cúi chào, từng bước chân di chuyển. Ông vui thấy rõ khi làm đúng. Kế bên Mike Swain, Ezio Gamba, nhân vật số 1 của Judo Nga cũng “mướt mồ hôi” để sửa từng chi tiết của bài quyền. Swain và Gamba đều đạt được đai đẳng trong Judo nhờ thành tích chiến đấu, họ ít có dịp “lăn lộn” với Kata.
– Ở giải vô địch châu Âu mới đây tại Montpellier (Pháp), đương kim vô địch thế giới Loic Piétri (Pháp) thua trong trận chung kết. Trong buổi họp báo sau đó, anh nhận định: “Đối thủ mạnh hơn tôi. Tôi còn phải tập luyện nhiều để tiến bộ hơn”. Vậy thôi, không một lời chống chế cho thất bại của mình. Tôi vẫn còn nhớ lúc Piétri vừa rời khỏi bục nhận HCV thế giới, anh bảo điều làm anh lo lắng nhất là làm sao để chiếc huy chương này không làm anh ngừng nỗ lực tập luyện để tiến bộ hơn.
– Người ta thường nói thế này: nhà vô địch là người từng giành được vài thắng lợi, nhưng người luôn nghĩ rằng mình là người chiến thắng sẽ không còn là nhà vô địch. Ở những nhà vô địch thực thụ mà tôi từng tiếp xúc, họ đều muốn tiến bộ không ngừng và rất có “khiếu” nhận định được những điều hay để học hỏi, bất kể những điều đó là do ai truyền đạt.
Đây thực sự là một bài viết hay, các bạn có thấy thế không? Nói thêm chút, bản thân tác giả Jane Bridge cũng từng 1 lần vô địch thế giới (1980) và 3 lần vô địch châu Âu (1976, 1978, 1980). Còn huấn luyện viên Ezio Gamba thì được Putin giao cho toàn quyền quản lý Judo của Nga. Tất nhiên tại Nga, Gamba cực kỳ có uy quyền. Trước Olympic London 2012, Bộ Thể thao Nga yêu cầu Gamba làm báo cáo về quá trình chuẩn bị cho Thế Vận Hội, Gamba trả lời tỉnh bơ: “Công việc của tôi là huấn luyện chứ không phải viết báo cáo. Muốn biết cứ đợi đến lúc đấu sẽ rõ”. Kết quả Nga giật 3 HCV, nhất toàn đoàn về Judo tại Olympic London 2012.
…
Thế vậy, nhưng khi cần làm học trò, Ezio Gamba hay Mike Swain vẫn tập luyện rất nghiêm túc, đó là cách họ “thu nhỏ mình lại để lớn hơn”!
Nguyễn Ngọc Lan Chi