Quảng Đông (Trung Quốc) từng có 10 nhân vật võ công-võ đức cực cao, hành hiệp trượng nghĩa, được mọi người tôn kính, giới võ lâm gọi là “Quảng Đông thập hổ” (10 con hổ ở đất Quảng Đông). Trong 10 người này, có một số về sau trở thành thủ lĩnh của những võ đoàn ở địa phương, tạo nên nhiều giai thoại truyền kỳ. Cuộc đời của họ là đề tài khai thác hấp dẫn của sân khấu cũng như điện ảnh.
Hoàng Phi Hồng có nằm trong thập hổ? Đây là vấn đề vẫn còn tranh cãi. Trong phim về họ Hoàng do diễn viên nổi tiếng Quan Đức Hưng đóng thì nhiều lần đề cập đến “Quảng Đông thập hổ Hoàng Phi Hồng”. Trong tiểu thuyết võ hiệp “Võ đàn nhị hổ” của Trần Kính tiên sinh cũng liệt Hoàng Phi Hồng vào hàng thập hổ. Nhưng trong “Hoàng Phi Hồng truyện” của Chu Ngu Trai-đệ tử của Lâm Thế Vinh (cao đồ của Hoàng Phi Hồng) thì Phi Hồng không có tên trong “Quảng Đông thập hổ” mà thay vào đó là Châu Thái.
Một nhân vật khác là Tô Xán cũng có nhiều nghi vấn về xuất thân. Trong phim “Võ trạng nguyên Tô Khất Nhi” của Châu Tinh Trì thì họ Tô có tên đầy đủ là Tô Sát Ha Nhi Xán, người Mãn Châu. Nhưng ngoài phim này ra thì chưa từng có tài liệu nào nói đến cái tên này.
“Quảng Đông thập hổ” gồm các nhân vật sau
Bạch hạc Hiệp gia quyền Vương Ẩn Lâm, Cửu long quyền Hoàng Trừng Khả, Hắc hổ Thập hình quyền Tô Hắc Hổ, Hồng quyền Hoàng Kỳ Anh (cha của Hoàng Phi Hồng), Đàm gia tam triển Đàm Tế Quân, Thất tinh quyền Lê Nhân Siêu, Túy quyền Tô Xán (tục xưng là Tô Khất Nhi), Thiết tuyến quyền Lương Khôn (tục xưng là Thiết Kiều Tam), Kim cang chỉ pháp Trần Trường Thái (tục xưng là Thiết Chỉ Trần), Nhuyễn miên chưởng Châu Thái (tục xưng là Châu Thiết Đầu).
Bạch hạc Hiệp gia quyền – Vương Ẩn Lâm
Hiệp gia quyền ở Quảng Đông là do đại hiệp Lý Hồ Tử từ Tứ Xuyên đến vùng Triệu Khánh truyền dạy tại chùa Khánh Vân, núi Đỉnh Hồ. Đại đệ tử là Vương Ẩn Lâm (còn có tên là Vương Phi Long) được chân truyền, sau về Quảng Châu hoàn tục dạy võ. Cao đồ của Vương Ẩn Lâm là Vương Luân truyền cho Đặng Cẩm Đào, Đặng truyền cho Ngô Triệu Chung, Ngô cải tiến quyền pháp, phát huy đặc điểm của Hạc hình, tạo thành Bạch hạc phái. Một phân chi của Bạch hạc phái phát triển ra nước ngoài, gọi tôn sư Vương Luân là “lạt ma” nên hình thành Lạt ma phái.
Đặc điểm của Hiệp gia quyền là xuất quyền như mãnh hổ, chú trọng tấn công, trường kiều đại mã, lối đánh rộng thoáng, quyền pháp cương mãnh, chủ phát trường kình, chủ động tấn công. Công phu trấn môn có Thập nhị chi kiều, Đại-tiểu La hán, Hổ hạc tương đấu; binh khí có đơn đao, Tả bả thương, Cửu điểm thập nhị thương, Hưởng côn.
Cửu long quyền – Hoàng Trừng Khả
Hoàng Trừng Khả là nhân vật võ lâm nổi tiếng ngay thẳng, thiện lương. Hoàng vốn không thích võ thuật. Khi đại sư Hồng quyền Lục A Thái đang bị triều đình truy sát, Hoàng Trừng Khả một lòng cứu giúp. Lục sư phụ cảm cái ơn ấy mới khéo léo đem tuyệt học của Hồng quyền truyền cho Hoàng, từ đó mới vang danh thiên hạ.
Hắc hổ Thập hình quyền – Tô Hắc Hổ
Tô Hắc Hổ là người ở Bắc Cương, Thuận Đức, từ nhỏ ham võ nghệ. Sau nhờ hòa thượng Triệu Đức là võ tăng Thiếu Lâm Tự thường hạ sơn hóa duyên ở Quảng Đông đưa về Tung Sơn Thiếu Lâm Tự truyền dạy suốt 9 năm, tinh thông Hắc hổ Thập hình quyền, Túy bát tiên quyền, Hắc hổ đao, Kim cang côn… 24 tuổi Tô Hắc Hổ hạ sơn lập võ quán Thiếu Lâm Hắc hổ môn ở Sơn Quan, Quảng Châu, người đến học rất đông. Trong vùng có vị võ sư nổi tiếng phái Võ Đang là Lữ Vinh đố kỵ, đến võ quán thách đấu, bị Tô Hắc Hổ đánh bại thảm hại. Từ đó thanh danh nổi vang.
Hắc hổ Thập hình quyền là quyền pháp mô phỏng thần thái của long (rồng), hổ (cọp), báo (beo), xà (rắn), hạc, sư (sư tử), tượng (voi), mã (ngựa, hầu (khỉ), điêu (chồn), động tác bài quyền phân làm 3 bộ phận là tiền thung, trung thung và hậu thung.
Hồng quyền – Hoàng Kỳ Anh
Hoàng Kỳ Anh là người Tây Tiều, Nam Hải. Công phu của ông là học từ Lục A Thái-truyền nhân của Hồng Hy Quan và Kim Câu Lý Hồ Tử, đều là danh thủ Thiếu Lâm. Kỳ Anh đem hết sở học của mình truyền cho con trai là Hoàng Phi Hồng. Hoàng Phi Hồng từng được thủ lĩnh quân Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc mời làm Tổng giáo luyện, huấn luyện kỹ thuật chiến đấu cho quân Cờ Đen, cùng đến Đài Loan chiến đấu chống quân Nhật. Hai cha con đều lừng danh ở chốn võ lâm.
Túy quyền – Tô Xán
Tô Xán vốn con nhà giàu có, lúc nhỏ mê võ nghệ, có gây oán thù với bang Phủ Đầu trong vùng. Sau bị bang này quấy phá, lại thêm bị mắc phải âm mưu của người Tây là Smith, lại thêm sai lầm của bản thân khiến người yêu là Hồng Ỷ Liên bỏ đi… do đó phải lưu lạc nơi đầu đường xó chợ, phải xin ăn qua ngày. Về sau, tại trấn Trường Sa, Hồ Nam, Tô Xán được cha là Tô Quý và Thiết Kiều Tam hết lòng giúp đỡ, mới quyết tâm làm lại từ đầu. Võ nghệ, võ đức đều vang danh ngang với Thiết Kiều Tam, trở thành 1 trong “Quảng Đông thập hổ”.
Thiết tuyến quyền – Lương Khôn
Thiết Kiều Tam Lương Khôn lúc nhỏ học đại sư Thiếu Lâm Lý Hồ Tử, luyện thành công phu “thiết kiều”, tức cánh tay trước rắn như sắt. Ông tính tình rộng rãi, từng tại Quảng Châu dùng võ công chế thắng quần hùng từ các nơi đến, danh tiếng vang lừng. Sau Thiết Kiều Tam nghiện thuốc phiện nặng, được Viên Quang hòa thượng giúp cai, truyền cho Tam thập lục điểm Đồng hoàn côn pháp tại Năng Nhân tự. Nhưng vì thể lực quá suy nên nhiễm bệnh mà chết, thọ 73 tuổi.
Nhuyễn miên chưởng – Châu Thái
Châu Thái là người Trạm Giang, mê võ đến cuồng si. Lúc nhỏ luyện Châu gia quyền, tự cao tự đại, cho quyền pháp gia truyền của mình là nhất. Sau nhiều phen bại trận, được cao nhân chỉ điểm mới thoát thai hoán cốt, cải biến Châu gia quyền thành môn quyền lấy nhu làm chính, trong nhu có cương, thế thế nối nhau liên miên bất tận, hình thành tuyệt kỹ “Nhuyễn miên chưởng”.
Thất tinh quyền – Lê Nhân Siêu
Lê Nhân Siêu là người thông minh, cơ trí, có thể gọi là ‘trí tướng” trong “thập hổ”. Lê Nhân Siêu võ công cao cường nhưng kín đáo không lộ tướng, rất hiếm khi xuất thủ. Môn Thất tinh quyền của ông còn gọi là Thất thương quyền, chiêu thức cực hiểm, có thể giết đối phương trong một chiêu.
Đàm gia tam triển – Đàm Tế Quân
Đàm Tế Quân là người hào sảng, lúc nhỏ tính tình nóng nảy, sau theo tông sư Vịnh Xuân quyền Lương Tán tập luyện, không chỉ võ công tiến bộ mà tính cách trở nên ổn trọng, trầm tĩnh. Sau kết thân với những nhân vật cách mạng, không tiếc xả thân vì nghĩa.
Kim cang chỉ pháp – Trần Trường Thái
Trần Trường Thái võ công chủ về cương, xuất thủ nhanh như chớp, chỉ lực cực mạnh, luyện thành Kim cang chỉ pháp-ngón tay như sắt, nên được xưng là “Thiết chỉ Trần”. Trần vốn xuất thân thấp kém, khởi đầu quyết chí làm giàu, cho rằng “không quyền thế thì không thể giàu” nên sẵn sàng ỷ mạnh hiếp yếu. Về sau mới ngộ ra, cùng các anh em khác trong “thập hổ” lập chí chống ngoại xâm.
Tô Thiện (sưu tầm)