Nói tới vùng đất Bình Định, ai cũng nghĩ ngay tới võ thuật cổ truyền tinh diệu của dân tộc. Không chỉ có thương hiệu võ cổ truyền Bình Định, vùng đất này còn được biết đến là quê hương của các di sản văn hóa độc đáo với quần thể di tích phong trào nông dân Tây Sơn, hệ thống tháp Chăm cổ kính; với các loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc như tuồng và bài chòi.
Đa dạng di sản
Hiện nay trên nhiều website, diễn đàn, phương tiện truyền thông đại chúng, chúng ta dễ dàng tìm thấy thông tin, bài viết về di sản văn hóa tỉnh Bình Định. Không những thế, Bình Định đã định hình trong lòng du khách gần xa những thương hiệu văn hóa đặc trưng của con người và vùng đất này.
Bình Định vẫn được biết đến là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, là cái nôi nuôi dưỡng anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ. Vì thế, quần thể di tích phong trào nông dân Tây Sơn chính là đặc trưng quan trọng trong hệ thống di sản văn hóa vật thể của vùng đất này. Trong quần thể di tích phong trào nông dân Tây Sơn, Khu di tích đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt – Bảo tàng Quang Trung với các di tích lịch sử nổi tiếng trong khuôn viên di tích như: Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt, cây me, giếng nước của gia tộc Nguyễn Huệ trở thành điểm dừng chân của du khách xa gần khi ghé thăm Bình Định. Hệ thống kiến trúc tháp Chăm cổ kính chính là biểu tượng văn hóa độc đáo trên vùng đất này. Hệ thống 8 cụm gồm 14 tháp Chăm như: Tháp Đôi, Tháp Bánh Ít, Tháp Cánh Tiên… vốn là những quần thể kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao, được quảng bá rộng rãi. Thêm vào đó, địa phương đang trùng tu, phát triển các cụm tháp để kịp thời đáp ứng nhu cầu tham quan, thưởng ngoạn di tích.
Đối với các di sản văn hóa phi vật thể, Bình Định được biết đến như là cái nôi lớn của võ thuật cổ truyền; nghệ thuật tuồng, bài chòi truyền thống. Ngoài các danh sĩ trên lĩnh vực sân khấu như Đào Duy Từ, Đào Tấn, Bình Định còn là nơi tụ hội các văn sĩ nổi tiếng như: Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Xuân Diệu…
Chị Thanh Hương, một người dân ở TP Quy Nhơn (Bình Định) chia sẻ: “Tôi rất tự hào về quê hương Bình Định giàu di sản văn hóa. Quê hương tôi là cái nôi của nghệ thuật tuồng và bài chòi. Tôi có dịp được xem một số vở như: Hộ sanh đàn, Cổ thành, Tam đồ nữ vương. Các đoàn ca kịch, câu lạc bộ sinh hoạt bài chòi đang rất phát triển ở Bình Định. Tôi vẫn thường xuyên xem các hội thi, hội diễn bài chòi trên ti vi”. Còn chị Kiều Oanh, một du khách đến từ Phú Yên, cho biết: “Tôi rất thích cách mà Bình Định khai thác giá trị di sản văn hóa. Chẳng hạn, khi đến danh thắng Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn), du khách không chỉ viếng mộ thi sĩ mà còn được xem các nghệ nhân dùng bút lửa viết thi pháp lưu lại thơ của Hàn Mặc Tử. Du khách không chỉ chiêm ngưỡng thi pháp mà còn mua được các tác phẩm để làm kỷ niệm với giá cả hợp lý. Và Ghềnh Ráng trở thành địa điểm mà nhiều người muốn ghé khi đến Bình Định”.
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Định, cho biết: Hằng năm, ngành Văn hóa của tỉnh tổ chức nhiều kỳ liên hoan, lễ hội lớn thu hút đông đảo khách xa gần như: Hội bài chòi dân gian Bình Định, Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam, ngày hội văn hóa các dân tộc; hội thảo khoa học về Quang Trung – Nguyễn Huệ, Đào Tấn, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử; các chương trình biểu diễn nghệ thuật tuồng, bài chòi…”.
Ngành Văn hóa tỉnh này cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xây dựng, biên soạn, phát hành sách, tập gấp, đĩa DVD giới thiệu, quảng bá về đặc trưng văn hóa, làng nghề cổ truyền, phát triển du lịch. Hơn hết, Bình Định còn chú trọng phối hợp với báo chí từ Trung ương đến địa phương xây dựng các chuyên trang, chuyên đề đưa tin bài, phóng sự, phim tài liệu rộng khắp trên phương tiện truyền thông đại chúng. Qua đó, hình ảnh đất nước, con người, tiềm năng, đặc trưng văn hóa của quê hương Bình Định được giới thiệu, quảng bá rộng rãi. Phát huy vai trò của báo chí trong quảng bá di sản văn hóa là phương án quan trọng mà lãnh đạo ngành Văn hóa tỉnh Bình Định hướng tới.
Nhà báo Phạm Thị Ngọc Anh, tạp chí Văn hiến Việt Nam (thuộc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam), cho biết: “Tạp chí Văn hiến Việt Nam thường xuyên tiếp nhận, đăng tải các tác phẩm quảng bá di sản văn hóa của vùng đất Bình Định. Độc giả khắp nơi không chỉ biết mà còn hiểu rõ về con người và vùng đất Bình Định thông qua các bài viết phản ánh, chuyên sâu về các di sản văn hóa trên vùng đất này trên tạp chí. Đây không chỉ là một hình thức bảo tồn mà còn phát huy tốt giá trị di sản, thu hút khách du lịch hiệu quả”.
Tại Hội thảo Báo chí với Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc vừa diễn ra ở Bình Định, giáo sư Hoàng Chương, Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, phát biểu: Bộ VH-TT-DL đã công nhận Võ thuật dân tộc và nghệ thuật Bài chòi dân gian tỉnh Bình Định là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Bình Định cũng là đơn vị phối hợp với Bộ VH-TT-DL lập hồ sơ trình UNESCO đề nghị công nhận bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nhiều di sản văn hóa của Bình Định được công chúng biết đến thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Báo chí chính là phương tiện quan trọng chuyển tải nội dung, quảng bá hiệu quả giá trị di sản. Ngành Văn hóa các địa phương cần phải phát huy kênh báo chí trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Phú Yên có nhiều di sản văn hóa tương đồng với Bình Định, cũng quần thể kiến trúc tháp Chăm; nghệ thuật truyền thống tuồng, bài chòi truyền thống. Thế nhưng, nếu Bình Định đã khẳng định thương hiệu đối với các hình thức nghệ thuật trên như là cái nôi văn hóa thì Phú Yên vẫn chưa phát huy được giá trị từ các di sản này. Nếu ngành Văn hóa Phú Yên tìm ra hướng quảng bá di sản thì các giá trị này sẽ phát huy tác dụng không chỉ trong công tác bảo tồn mà còn trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Theo Baophuyen