Nằm bên bờ sông Tiete, Sao Paulo to lớn, nhộn nhịp và ồn ào như tất cả các đô thị có hai triệu dân khác. Tôi chỉ lưu lại đó một thời gian ngắn để làm thủ tục và nhận những văn thư giới thiệu cần thiết để đến thăm bộ lạc Chavante.
Tuần lễ sau, cùng với một viên chức bộ nội vụ Ba Tây đi làm thông dịch viên, chúng tôi đã có mặt tại vùng rừng rậm ẩm ướt Amazone, làm khách của xứ thuộc địa lớn gồm những thổ dân Chavante ở trần.
Không mấy ai biết và nghiên cứu về bộ lạc Chavante. Họ mặc quần cộc bằng vải (chắc họ lý luận rằng khí hậu nóng bức, mặc như thế là quá lắm rồi!), ở trong những túp lều tranh, sử dụng cung, giáo để săn bắn. Bộ Bách khoa tự điển Encyclopedia Britannica định nghĩa họ là “Đám dân săn bắn hơi nhút nhát”. Định nghĩa phải là luôn luôn đúng. Người Chavante không hề nhút nhát chút nào. Sự thực thì họ không đánh nhau với các bộ lạc lân cận chỉ vì họ không cần phải hành động như vậy:
1. Các bộ lạc lân cận quá sợ hãi bộ lạc Chavante nên đã tách xa vùng lãnh thổ của họ.
2. Nhờ bận tập luyện môn đô vật chiến đấu Panmo độc đáo, họ quên bẵng đi chuyện “xâm lăng” (nói như một nhà phân tâm học uống sáu ly “cốc tay” mỗi ngày ở Chicago).
Panmo chính là cái đích cuộc thăm viếng của tôi và tôi phải hiểu cho thấu đáo. Đó là một môn đô vật chiến đấu trong thế đứng và không mặc áo. Không được phép vật ở dưới đất, đó là điều cấm kỵ duy nhất, ngoài hai luật cấm móc mắt và đánh hạ bộ. Môn đô vật này không quy định những vùng đánh đai địch thủ, từ đó bạn có thể đẩy hắn ra để thắng điểm như trong môn Sumo. Panmo chủ đích ném hay đánh địch thủ sao cho hắn phải đo đất. Đó là môn Pankratium cổ xưa đã được giới hạn tối đa những đòn hung hiểm. Bị thương thì rất thường nhưng chưa có ai chết. Nhưng có những tay hảo thủ chết vì sử dụng nó.
Mọi người trong bộ lạc đều học đô vật. Lúc nào họ cũng vật và có lẽ muốn vật hoài. Chưa có ai làm khán giả mà không đấu. Ngay những kẻ què cụt cũng tập môn này tùy theo khả năng thể chất của họ. Tuy nhiên, đàn bà không đấu vật và luật cũng cũng cấm ngặt họ không được dự kiến các trận đấu.
Như tôi đã nói, tôi đến đó để chứng kiến. Hấp dẫn kinh khủng. Môn võ tàn bạo thật, các tay hảo thủ quả thật là công phu tập luyện. Họ biết cách bám sát địch, những đòn ném thật bay bướm và quyền pháp rất hữu hiệu.
Tuy cú đá của họ không “đạt” như các tay lão luyện môn Capoeiragem, nhưng mấy ai theo kịp các tay lão luyện đó?
Chẳng bao lâu, tôi nhận ra được một điều độc đáo. Nhiều tay đô vật bị gẫy tay vì một đòn khóa tay giống như atémi, đối thù của họ đã tung đòn bằng cả hai tay. Đòn đó thật nhanh và mãnh liệt.
Viên tù trưởng, người đóng vai chỉ dẫn cho tôi, nhận thấy tôi chú ý thích thú, liền nói:
“Ông đã thấy hiệu quả của đòn khóa tay Chavante, ông xem nó có công hiệu như các đòn khóa của các môn phái khác không?”
Tôi nói “Chắc chắn là như vậy rồi”.
Xong, ông hỏi tôi có được xem Gargentine Arocca đấu vật bao giờ chưa. Tôi bảo chưa, nhưng đã thấy y chiến đấu. Ông cười, hỏi tiếp: “Khi đấu ông thấy Arocca hay dùng đòn gì nhất”.
Tôi nói y hay sử dụng chân.
“Ông có biết tại sao hắn phải sử dụng chân không?”
“Không”, tôi đáp “Chắc vì đòn chân gây được hiệu quả nhiều hơn, hay vì đó là ngón sở trường độc đáo của y chăng”.
Ông nói, điều đó có phần nào đúng, nhưng nguyên do chính là vì hai tay y đã bị tàn tật sau một cuộc giao đấu với người Chavante năm 1948, Arocca những tưởng sẽ “làm gỏi” được đối thủ người da đỏ mảnh mai, yếu ớt đó, nhưng chỉ 40 giây sau, y đã bị đánh té ngửa, cả hai tay bị gãy luôn.
Mắt sáng long lanh ông nói, “Nếu muốn thử, lần sau ông có gặp Arocca, cứ nắm lấy cùi chỏ hắn bất cứ ai khác làm cũng được, bóp nhè nhẹ cũng đủ làm hắn hét tướng lên như đàn bà”.
Rồi ông biểu diễn kỹ thuật này. Dùng đòn đó chống lại một cú đấm là hay nhất, bất cứ tay nào của địch thủ vươn ra cũng đều bị lãnh đủ. Nó không phải là một thế khóa “nhập nội” gồm ba động tác, nhưng hơi giống một đòn atemi, hai tay nắm thẳng vào cùi chỏ chỏ địch thủ cùng lúc. Nếu địch thủ đấm tay phải vào người bạn, bạn dùng bàn tay trái xòe rộng từ dưới bẻ ngược cùi chỏ hắn lên, đồng thời, tay phải bạn xòe ra đẩy mạnh cườm tay hắn xuống. Hai ngón tay cái xòe ra để tiếp xúc được rộng. Khi đúng đà rồi, chân trái bạn đưa ra, dù chân nào đưa ra trước, ngón đòn cũng hiệu quả cả. Điểm quan trọng là phải nhắm đích cho chính xác và di chuyển hai tay cho thật nhịp nhàng. Nếu địch thủ đấm tay trái, bạn chỉ việc đảo ngược diễn tiến trên. Sự biến ảo trong ngón đòn “lên – xuống” này rất cần thiết khi ta gặp một đối thủ đấm thượng đẳng vào đầu ta. Lúc đó (nếu hắn đấm tay phải) tay trái ta chụp ngang vào trong và tay phải đẩy ngược ra ngoài.
Đòn này phải tập cho đều đặn, lâm trận phải thật quả quyết, hành động phải nhanh và chính xác, lúc đó sức mạnh sẽ đến ngay. Trên thực tế, nếu mọi hoạt động đều tung ra nhịp nhàng một lúc, ta rất ít tốn sức. Sau hết, phải cẩn thận khi tập luyện với bạn ta. Rất nhẹ thôi, còn để sức để tung vào cây cột tròn kính 1 tấc thì hơn.
Cùi chỏ không thể nào chống lại nổi ngón atemi thần sầu này do những lực tập trung ra cùng một lúc trong nháy mắt. Tôi sẽ luyện cho ngón đòn này thành vô địch.
Theo Võ sư John F. Gilbey/ Trích “Những môn võ – BÍ TRUYỀN – trên thế giới