Ra đời dựa trên việc quan sát các động tác của các loài vật trong thế giới hoang dã, Bokator được xem là môn võ cổ xưa nhất của người dân Campuchia.
Bokator hay nói chính xác hơn là Labokatao là một môn võ của Campuchia vừa có thể đấu tay đôi vừa có thể dùng vũ khí. Cách đây 1000 năm, Bokator đã được quân đội Angkor sử dụng như một hình thức chiến đấu chủ yếu.
Cụm từ Bokator được dịch nôm na là “đạp một con sư tử” (từ “bok” có nghĩa là đạp, và “tor” có nghĩa là sư tử). Theo truyền thuyết người Campuchia thì cách nay khoảng 2000 năm có một con sư tử tấn công vào một ngôi làng. Khi đó có một chiến binh với vũ khí duy nhất là một con dao và chỉ bằng đầu gối của mình đã có thể giết chết được con sư tử ấy. Sau đó thì người chiến binh ấy tái hiện lại những chiêu thức mà ông đã dùng để đối phó với con sử tử kia. Dần dần kỹ thuật trên được nhiều người sử dụng để chiến đấu chống lại động vật hoang dã. Và ngày nay đã trở thành một môn võ thuật tiêu biểu của dân tộc Campuchia.
Trên các bức phù điêu ở đền Bayonm – đền thờ vua Jayavarman VII đều có mô tả các kỹ thuật khác nhau của Bokator. Võ thuật được xem là một trong những yếu tố quan trọng giúp các vị vua Angkor thống trị Đông Nam Á trong hơn 600 năm bắt đầu từ những năm 800 SCN.
Bokator và Kickboxing có một số nét tương. Tuy nhiên, Kickboxing là một môn thể thao chiến đấu, còn Bokator được sử dụng nhiều trên chiến trường. Nó sử dụng sức mạnh của khuỷu tay và đầu gối, đá cẳng chân và chiến đấu trên mặt đất là chủ yếu.
Mặc dù sử dụng đầu gối, bàn tay, khuỷu tay, bàn chân, cẳng chân và đầu là chính nhưng ngay cả vai, hông, xương hàm và các ngón tay cũng có thể sử dụng để thu phục đối thủ thậm chí là gây tử vong cho đối phương.
Là một môn võ vừa có thể đánh tay không vừa có thể dùng vũ khí. Nếu có dùng vũ khí thì thường sử dụng tre và gậy ngắn. Khi chiến đấu các chiến binh Bokator vẫn còn mặc đồng phục của quân đội Khmer cổ đại, gồm một chiếc krama (khăn) được quấn quanh eo, sợi dây lụa màu xanh và màu đỏ được buộc quanh đầu và bắp tay của các chiến binh. Trong quá khứ, người ta quan niệm rằng những sợi dây này đã được ếm bùa để làm tăng sức mạnh, mặc dù trong thời đại ngày nay nó chỉ còn được xem như là một nghi lễ.
Bokator gồm có 6 bậc đai. Đầu tiên là đai trắng, tiếp đến là đai xanh lá cây, xanh dương, đỏ, nâu và cuối cùng là đai đen. Sau khi hoàn thành những bước sơ cấp, các chiến binh mặc Krama đen ít nhất là 10 năm. Để đạt Krama vàng, người đó phải là một võ sư thực thụ và có cống hiến cho Bokator.
Nói đến sự phát triển của Bokator, chúng ta phải nhắc đến võ sư San Kim Sean . Vị võ sư này là người đã giữ gìn cũng như truyền dạy rộng rãi môn võ Bokator.
Năm 1975 Phnom Penh rơi vào tay Khmer Đỏ, dưới sự chỉ đạo của Pol Pot cả thành phố đã ra lệnh sơ tán. những võ sĩ theo võ thuật truyền thống đều bị chế độ Kmer Đỏ tiêu diệt hoặc bỏ trốn như những người tị nạn. Cùng năm đó San Kim Sean trở thành một giảng viên võ thuật nhưng cũng phải sang nước khác lẫn trốn.
Năm 1979, Chế độ tàn độc của bọn Khmer Đỏ đã giảm xuống, lúc này San Kim Sean trở lại Phnom Penh, và bắt đầu dạy võ nhưng vẫn còn phải dạy trong bí mật. Đến năm 2001, ông trở về Phmom Penh và bắt đầu dạy Bokator cho thanh niên địa phương và thuyết phục nhiều bậc thầy cũ quay trở lại dạy Bokator.
Vào năm 2006, Cuộc thi đấu Bokator quốc gia đầu tiên được tổ chức tại Phnom Pênh từ ngày 26- 29/09 đã thu hút hơn 20 đội Lakrus hàng đầu của 9 tỉnh đã đến tham dự.
Năm 2010, điện ảnh Campuchia đã cho ra đời bộ phim về môn võ này, nhằm ca ngợi, tôn vinh vẻ đẹp của nền võ thuật cổ truyền dân tộc và trên hết là giới thiệu cho toàn thể nhân loại biết về Bokator.
Ngọc Hiếu (tổng hợp)