Võ sư Châu Minh Hay – một môn đồ của môn võ Vovinam – Việt Võ Đạo, võ sư đã có rất nhiều bài viết hay, sâu sắc về võ thuật và võ đạo. Những câu chuyện, triết lý về Võ thuật được võ sư cảm nhận và viết ra đăng tải trên trang Blog cá nhân nhận được sự ủng hộ và quan tâm của nhiều tín đồ đam mê Võ thuật. Trong chuyên mục Cà phê Võ thuật kỳ này, VoThuat.vn giới thiệu đến các bạn một bài viết của Võ sư Châu Minh Hay, câu chuyện về một chiếc đai.
> Cà phê Võ thuật (Kì 16): Lá thư từ người thầy gửi đến người “thầy”
“Mấy hôm nay, một sự trùng hợp ngẫu nhiên về những câu chuyện cái đai của các môn võ thuật xuất hiện trên các trang xã hội, đều nêu lên sự bâng khuâng về giá trị chiếc đai.
Cũng trong thời điểm này tôi nhận được một trao đổi ngắn từ một đồng môn trẻ về chuyện “thỉnh nguyện thư” của một số võ sư đại diện cho các Liên đoàn, Hội Vovinam gởi lên Hội đồng Chưởng quản đề nghị xét phong cấp Bạch đai cho võ sư Chánh Chưởng quản.
Trong “thư thỉnh nguyện” có đoạn viết như thế này:
Kính gởi Hội đồng Chưởng quản Môn phái Vovinam – Việt Võ Đạo Việt Nam.
Về việc: Thư thỉnh nguyện Chọn Mầu Đai cho Chánh Chưởng Quản Môn Phái Vovinam.
“….Trong những buổi lễ của môn phái, chỉ những người trong môn phái mới biết danh tánh của võ sư Chánh Chưởng quản và công việc của từng võ sư trong Hội đồng Chưởng quản. Khi võ sư điều hành buổi lễ giới thiệu thì mọi quan khách đến tham dự mới biết chức danh của từng võ sư trong HĐCQ. Chính vì vậy nay em xin phép được trình bày đến quý thầy trong HĐCQ nên đi đến quyết định, phải có một màu đai cho võ sư Chánh Chưởng quản (Bạch đai)….”
Và. “…Trong những buổi lễ giỗ Tổ hoặc lễ giỗ thầy Chưởng Môn, thường là có các vị võ sư nước ngoài về tham dự buổi lễ, với võ phục môn phái, tất cả đều mang hồng đai nhìn chung, chúng ta không phân biệt được ai là người được thầy giao nhiệm vụ Chánh Chưởng quản môn phái.”
“Khi muốn thăng cấp cho quý thầy lớn lên cấp hồng đai đệ tứ, hồng đai đệ ngũ. Võ sư Chánh Chưởng quản cũng mang hồng đai đệ ngũ, nhìn chung là không hợp lý.”
Một hình ảnh gợi nhớ trong tôi về những buổi lễ kỷ niệm ngày quân đội. Nếu không có người điều hành buổi lễ giới thiệu thì mọi người chẳng biết ai là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng? Bởi họ đều mặc quân phục và đều mang hàm cấp Đại tướng như nhau, đôi lúc trong cùng một thời điểm có đến vài vị Đại tướng. Nhưng vị Bộ Trưởng quốc phòng hay Tổng tham mưu Trưởng ngoài quân hàm thì đâu có dấu hiệu nào khác để chỉ ra rằng vị ấy đang ở chức vụ đó?
Hay nói một cách khác, trong một hội nghị cấp nhà nước thì Tổng thống, Chủ tịch nước hoặc Thủ tướng Chính phủ trong trang phục dân sự như nhau cũng đâu có mang một dấu hiệu nào để phân biệt với các đại biểu khác?
Tôi không có ý phản đối việc nên có một cấp đai để phân biệt người lãnh đạo môn phái. Tuy nhiên điều này không thể xuất phát từ những “thư thỉnh nguyện”, do vài cá nhân “nhân danh tập thể” nơi này hay nơi khác đề xuất như vậy! Mà việc này cần một lộ trình thực hiện mang tính chính quy hơn.
Quy lệ môn phái Vovinam được thiết lập từ năm 1964, tương tự như một “hiến pháp” của một quốc gia. Trải qua nhiều thời kỳ, nhiều sự biến đổi của xã hội ảnh hưởng khá lớn đến sự hoạt động và phát triển đi lên của môn phái, sự điều chỉnh quy lệ môn phái (tu chính môn quy) là rất cần thiết, mà màu đai, đẳng cấp chỉ là một phần trong quy lệ ấy.
Chương trình huấn luyện, thời gian, chế độ thi cử, môi trường phát triển và cả hệ thống lý thuyết võ đạo và nhiều thứ nữa. Tất cả đều rất cần thiết phải nghiên cứu điều chỉnh cho hợp lý, sửa đổi cho phù hợp. Hay nói một cách khác, đó là cần sự tu chính môn quy.
Hiến pháp nước Nhật, trước đây không cho phép quân đội của họ tham chiến ngoài lãnh thổ. Nhưng trước tình hình mới, thì buộc Nhật Bản phải thay đổi hiến pháp để tự bảo vệ mình. Đó là một ví dụ điển hình.
Khi các điều khoản trong môn quy đã được tu chính rồi, thì các hoạt động của môn phái cứ chiếu theo đó mà thực hiện. Việc có một cấp đai dành cho người đứng đầu môn phái là điều cần thiết, thì căn cứ vào quy lệ mà mặc nhiên được thực hiện.
Còn nếu căn cứ vào “thư thỉnh nguyện” thì ai sẽ là người ký quyết định cho Chánh Chưởng quản mang cấp đai mới ? Chẳng lẽ cấp dưới lại ký quyết định phong cấp cho cấp trên? hay cuối cùng thì Chánh Chưởng quản ký quyết định mang đai mới cho chính mình?
Ấy là chưa kể nếu không tu chính, bổ sung vào quy lệ thì cũng sẽ lúng túng trong việc chọn hình thức chiếc “Bạch đai” theo như đề nghị của những “thư thỉnh nguyện”!
(Bạch đai) đai trắng thế nào? Có vạch hay không? Có vạch thì vạch màu gì? Bao nhiêu vạch? Ra sao?…
Cần phân biệt chiếc đai của Chánh Chưởng quản chứ không phải chiếc đai Chưởng môn. Vậy những người viết các “thư thỉnh nguyện” liệu đã lường trước hình thức chiếc Bạch đai dành riêng cho Chánh Chưởng quản ra sao chưa?
Thiết nghĩ, các vị nên đưa các vấn đề ra thành dự thảo tu chính, lấy ý kiến của cộng đồng và những người có trách nhiệm. khi đó thực hiện thì cũng chưa muộn và sẽ vẹn toàn hơn.
Ngoài việc này ra. Còn có ý kiến cho rằng một số võ sư cần được phong cấp để làm nhiệm vụ. Điều này theo tôi là không thuyết phục. Ngay trong môn phái Vovinam chúng ta vẫn đang hiện hữu nhiều vị không có một đẳng cấp nào vẫn làm nhiệm vụ rất tốt để phát triển Vovinam đấy thôi.
Trách nhiệm được giao không đồng nghĩa và cũng chẳng liên quan gì đến đai đẳng. Cùng một đẳng cấp hay (cùng một cấp hàm bên quân đội) nhưng nhiệm vụ được đảm trách lớn hơn thì quyền hạn cũng theo đó mà nắm quyền ưu tiên phê chuẩn quyết định.
Đai đẳng thể hiện cái mốc của trình độ chuyên môn, trình độ kỹ thuật! Vì vậy, cấp đai chỉ để thể hiện chương trình đã được tu luyện mà thôi. Chức vụ hay trách nhiệm được giao là 2 yếu tố không nhất thiết phải liên quan đến đẳng cấp.
Chưa kể ý nghĩa của từ “thư thỉnh nguyện” đem áp dụng vào vấn đề này hoàn toàn không phù hợp! “thư thình nguyện” là thư cầu xin một điều gì đó! Chúng ta không cầu xin ai vấn đề này mà hoàn toàn chỉ là một kiến nghị vì lợi ích chung mà thôi! Vẫn là chuyện đai đẳng.
Trong quy chế thi cấp Cao đẳng năm nay quy định bài thi kỹ thuật cho thí sinh thi lên cấp Hồng đai nhị cấp (6 đẳng), quy định “trên 55 tuổi là thực hiện một bài quyền tự chọn cấp Trung đẳng”!
Điều này khá là nghịch lý. Đã thi thì phải thi chương trình của mình. Còn nếu chiếu cố thì hội đồng nên căn cứ vào quá trình cống hiến của đương sự và đề xuất có xác nhận ở địa phương rồi phong cấp. Yếu tố ràng buộc có thể xét thêm bài khóa luận hay bài kinh nghiệm giảng dạy của thí sinh là được.
Sự giảm nhẹ mang tính khuyến khích như thế này vô tình hạ thấp giá trị của cấp đai mà họ thụ hưởng, đồng thời hướng phấn đấu không còn, như vậy không làm gương cho các thế hệ kế thừa.
Cử nhân thi lên Thạc sĩ chỉ thực hiện một bài làm của chương trình cấp 2 thì còn gì giá trị chứ? Trên đây chỉ là suy nghĩ rất khách quan, mong quý vị và các bạn chớ hiểu nhầm.
Võ sư Châu Minh Hay