Vì sao Phong Thạch lại hối hận khi sản xuất Mộc Nhân cho các đồ đệ Vịnh Xuân của Diệp Vấn? Bởi một số học trò trẻ tuổi trong lớp học của Diệp Vấn giữa năm 1950 là những người thanh niên thường xuyên đánh nhau gây sự trên phố. Có một lần Phong Thạch chứng kiến vật do mình sáng tạo ra (Mộc Nhân) được dùng như là một công cụ giúp những kẻ bắt nạt đáng sợ kia làm tổn thương người khác.
Phong Thạch tuyên bố không bao giờ làm thêm bất cứ một Mộc Nhân nào nữa và phải chăng ông đã bị dính vào lời thề đó, để rồi con trai người thợ mộc xấu số này phải trả giá bởi cái chết thương tâm trong một tai nạn giao thông?
Khi đó Diệp Vấn đã có Mộc Nhân mà ông cần, người khác thì không được may mắn như vậy. Phái Vịnh Xuân đã phát triển mạnh mẽ vào đầu năm 1960 và sự “nghỉ việc” của Phong Thạch không thể đến vào thời điểm nào tồi tệ hơn.
Mộc Nhân dưới đôi tay của Hồ Luân
Từ năm 1958 đến 1962 Diệp Vấn dạy võ tạo trường Shek Kep Mai vì một số lý do (hoặc là không đủ học trò giỏi để dùng hoặc là không đủ không gian) nên ông không bao giờ đặt Mộc Nhân của mình ở đó. Năm 1962 ông chuyển lớp dạy võ của mình đến đường Thanh Sơn, Mộc Nhân được mang ra khỏi kho và được Diệp Thành (người con trai của ông) lắp ráp lại.
Không may là địa điểm này không thể ở lâu, năm 1963 ông tìm được chỗ dạy mới là tại nhà hàng của một người bạn cũ đến từ Phật Sơn, tên là Hồ Luân. Hồ Luân luôn muốn học Vịnh Xuân quyền của Diệp Vấn từ lâu nhưng chưa có cơ hội. Năm 1963 ông sở hữu nhà hàng Tương Thái, ở đó có một cái kho trống và đã cho Diệp Vấn dùng nơi đó mở lớp dạy võ mới.
Hồ Luân là một người có đầu óc tính toán và là một người đàn ông khéo tay. Ông đã nghiên cứu tạo ra một Mộc Nhân cho riêng mình và khi Diệp Vấn đến chỗ ông ấy thì đã nhìn thấy một Mộc Nhân được đặt ở đó.
Hồ Luân muốn tăng thêm tính chuyển động cho Mộc Nhân, vì vậy ông đã đưa một yếu tố chuyển động cơ học vào Mộc Nhân của mình. Thiết kế này giúp cánh tay Mộc Nhân có thể di chuyển từ trong ra ngoài. Sau một thời gian thử nghiệm thì đã nhận ra là rất khó khăn cho các võ sinh luyện tập, họ “mất nhiều sức” với thiết kế này. Sau này Hồ Luân quay lại với Mộc Nhân thông thường nhưng vẫn tiếp tục nghiên cứu dựa trên các cơ sở phương thức của riêng mình.
Nếu Phong Thạch dùng thanh gỗ như là một cái lò xo thì Hồ Luân lại thích dùng kim loại từ vỏ xe hơi để làm lò xo. Nó có thể dùng để gắn lên tường và điều chỉnh để cung cấp chính xác một phản lực cần thiết. Sau đó ông đưa Mộc Nhân của mình vào sản xuất. Ông đã làm Mộc Nhân cho cộng đồng những người học Vịnh Xuân quyền từ năm 1969-1973 trước khi di cư sang Canada.
Mộc Nhân “thời Koo Sang”
Diệp Vấn dường như không bao giờ định cư lâu dài ở một nơi và năm 1964 ( một năm rưỡi sau) ông chuyển đến đường Thông Thái. Một lần nữa Mộc Nhân lại được đưa ra khỏi kho và đặt ở trước cửa, nơi mà cả ông cùng con trai là Diệp Thành cùng luyện tập. Đây cũng là nơi mà Koo Sang có thể nghiên cứu một số chi tiết của Mộc Nhân.
Koo Sang là một người rất quan trọng trong lịch sử của phái Vịnh Xuân quyền hiện đại. Cho dù một số người đã tạo ra Mộc Nhân thì cũng không để đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng cao. Hơn nữa, đơn giản là sẽ không thể dạy được Vịnh Xuân quyền nếu không có Mộc Nhân.
Koo Sang cẩn thận đo đạc Mộc Nhân của Phong Thạch và tái tạo lại nó vào trong Mộc Nhân của mình. Mặc dù Phong Thạch và Hồ Luân có quãng thời gian sản xuất Mộc Nhân rất ngắn nhưng Koo Sang vẫn chứng tỏ được Mộc Nhân cả hai ông rất thành công và vững chắc. So với hai vị tiền bối của mình, Koo Sang đã tạo ra rất nhiều Mộc Nhân trong nhiều thập kỉ qua. Thực tế ông đã không ngừng sản xuất Mộc Nhân vào năm 1990.
Ông không những sản xuất nhiều Mộc Nhân mà còn làm chúng với chất lượng rất tốt. Đến bây giờ giới võ sĩ Vịnh Xuân quyền luôn xem Mộc Nhân của Koo Sang là tiêu chuẩn cao nhất đề đánh giá một Mộc Nhân chất lượng.
(còn tiếp)
Như Nguyệt (dịch từ chinesemartialartstudies)