Để phục vụ cho việc tác chiến trong các cánh rừng nhiệt đới tại Việt Nam, lính Mỹ được trang bị một loại dao phát rừng đặc biệt.
Thời kỳ chiến tranh Việt Nam, lính Mỹ được trang bị những vũ khí và đồ dùng rất tiện lợi, thông minh và trên hết là chất lượng tuyệt hảo. Tại một chiến trường nhiều núi non hiểm trở với những cánh rừng nhiệt đới rậm rạp như nước ta, một vật dụng không thể thiếu được đối với lính Mỹ, đó chính là dao phát rừng.
Thời điểm đó, trong khi bộ đội và dân ta sử dụng chủ yếu là dao phay và liềm được rèn tại các lò thủ công thì lính Mỹ được trang bị loại dao phát rừng đặc biệt mà chúng ta khó có thể làm được.
Dao phát rừng của lính Mỹ có thể chia làm hai loại, một loại sống có răng cưa và một loại sống không có răng cưa. Hình dáng phổ biến là to bản, tuy nhiên trông vẫn rất thon gọn, đẹp mắt.
Chiều dài tổng thể của dao vào khoảng 60-70 cm và khá nặng so với những con dao phay thông thường. Mặc dù đó là một điểm hạn chế khi mang vác nhưng lại rất có lợi khi sử dụng, bởi lưỡi dao nặng khi dùng sẽ rất có lực, tiết kiệm thời gian và công sức.
Lưỡi dao dài khoảng 45 cm. Do được chế tạo bằng loại thép chuyên dụng 1095 đặc biệt nên lưỡi dao rất sắc và cứng. Chỉ cần một nhát dao là đã có thể chặt đứt phăng một thân cây to bằng cổ tay. Mác thép này khiến cho dao ngoài ưu điểm bén, bền, chắc thì khi bị cùn, lính Mỹ chỉ cần mài qua là đã có thể sắc lẹm lại như cũ.
Phần lưỡi dao được thiết kế vô cùng tỉ mỉ. Người ta mài 3 đường rất mịn và sát chạy suốt lưỡi dao, phải nhìn rất gần mới có thể thấy được, riêng mũi dao lại được mài thêm một đường nữa và chuyển hướng rất nhọn. Trên lưỡi dao phần sát với cán có ghi tên của hãng sản xuất – Ontario.
Cán dao bằng nhựa cực bền, rất khó có thể làm vỡ, được liên kết với đuôi dao nhờ 4 đinh tán bằng đồng vô cùng chắc chắn. Do sản xuất phục vụ cho lính Mỹ có tầm vóc cao to nên phần cán này hơi quá khổ so với người Việt.
Đối với loại dao có răng cưa trên sống, lưỡi cưa được chế tạo hướng về phía cán nhằm phát huy tối đa lực kéo tác dụng vào, đồng thời khi dùng để cưa thì lưỡi dao sẽ không bị cong, méo như khi dùng lực đẩy để cưa. Đây là loại cưa “kéo về” (còn một loại nữa có răng cưa hướng về mũi dao thì gọi là loại “đẩy tới”, nhưng loại này chủ yếu được sử dụng bởi lính Nhật bởi nơi đây đa số các cây gỗ đều thuộc loại mềm, lính Mỹ hầu như chỉ sử dụng loại “kéo về” này).
Sự tỉ mỉ và tinh tế của người Mỹ còn thể hiện qua chiếc bao đựng dao. Đó là một chiếc bao được làm bằng nhựa bền hoặc một số ít bằng vải bố. Loại vỏ nhựa được thiết kế đẹp mắt với nhiều lỗ thoát nước ở cả hai mặt, các lỗ thoát nước cách nhau khoảng 7cm. Trên thân vỏ, bên hông phía gần cán dao có gắn thêm bộ phận mài. Khi dao cùn lính Mỹ chỉ cần lật bộ phận này xuống rồi mài, rất tiện lợi và nhanh gọn.
Trên bao đựng dao có một cái móc dùng để móc vào thắt lưng hoặc ba lô. Móc liên kết với vỏ bao bằng một đinh tán được đóng khá sâu để khi tra dao vào vỏ hay rút ra thì nó đủ để chạm vào dao. Điều này khiến dao được giữ vừa khít với vỏ, không gây ra tiếng động do va chạm khi di chuyển.
Hòa bình lập lại, những con dao này được sử dụng trong nhiều gia đình trên khắp cả nước. Dao Mỹ có chất lượng tốt nên rất được ưa chuộng, có những nơi người dân dùng để đi rừng, phát rẫy đúng với chức năng của nó, đặc biệt là chặt tre, đốn củi, thậm chí còn dùng để băm chặt chuối làm thức ăn cho heo.
Điểm hấp dẫn nhất của con dao đối với nhân dân ta chính là độ sắc và dễ mài. Tuy hơi nặng và to nhưng so với những con dao do các lò thủ công sản xuất thì tốt hơn rất nhiều.
Ngày nay, mặc dù bị thất lạc nhiều nhưng ấn tượng về những con dao phát rừng của Mỹ vẫn còn rất mạnh mẽ. Người ta thảo luận về nó, tìm kiếm nó khá nhiều trên các diễn đàn. Mỗi con dao có thể được bán với giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng. Một con dao mới tinh cùng hãng có thể được rao bán đến hơn 400 USD. Tuy giá cao nhưng chúng vẫn rất đắt hàng đúng như câu “đắt xắt ra miếng”.
Nguồn: Tri Thức Trẻ