Cờ người là một trò chơi dân gian, môn thể thao trí tuệ hấp dẫn được tổ chức vào dịp Tết đến, xuân về. Bao gồm võ cổ truyền, cờ tướng và cả một chút nghệ thuật thứ 7, cờ người võ thuật mau chóng chinh phục thị hiếu người xem nhờ kết hợp được tính quyết liệt của những trận thượng đài đẳng cấp với nét văn hóa dân gian của dân tộc.
Võ đài của cờ người
32 quân cờ người thường được tuyển chọn từ các nam thanh nữ tú là con cháu trong làng, hoặc các võ sinh của võ đường trong làng. Các quân cờ người thường mặc áo rực rỡ có thêu biểu tượng quân cờ mình thủ vai ở trước ngực và sau áo để người xem dễ theo dõi diễn tiến ván đấu.
Bàn cờ được thiết kế vuông vức ở giữa khoảng sân rộng. Trước giờ thi đấu, bên ngoài sân, cổ động viên “tiếp sức” cho đội mình bằng những hồi trống, tiếng chiêng khua liên hồi làm cho không khí hội thi trở nên sôi động. Nghệ thuật thi đấu cờ người thể hiện rất rõ bản sắc văn hóa vùng miền.
Ở miền Bắc, tiến trình trong hội cờ người mang đậm dấu ấn diễn xướng dân gian qua các điệu múa kèm theo những bài vè đặc trưng.
Ở miền Nam, khi cờ trống lệnh đưa ra, quân cờ phải xuất tiến tới, tấn công quân cờ đối phương bằng các thế võ như đứng tấn, múa đao, giáo, mác, hay đi một bài quyền quật ngã đối phương.
Ở miền Trung, điển hình nhất là Bình Định, hội cờ người có nhiều nét tương đồng với miền Nam nhưng diễn ra sống động hơn. Đến với hội cờ người ở Bình Định, người xem được thưởng ngoạn những màn thi triển võ thuật độc đáo như một cuộc đối kháng thật sự chứ không chỉ đơn thuần là những màn biểu diễn.
Lôi cuốn vì tính diễn xuất
Ngay từ khi vừa xuất hiện, cờ người võ thuật đã lập tức nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt của người dân. Bên cạnh lối đánh dữ dội và rất thật, việc pha trộn với kỹ năng diễn xuất đã tạo nên những nét riêng biệt độc đáo cho các thế võ trong cờ người. Chẳng hạn, để triệt hạ đối thủ, quân “Pháo” luôn phải thực hiện đòn thế nhảy bật qua đầu đối thủ, một trong những động tác rất khó nhưng cũng đầy ngoạn mục.
Chính yếu tố đậm chất “điện ảnh” này khiến những buổi diễn cờ người đôi lúc thu hút cả các nhà làm phim lẫn các chuyên gia võ thuật từ nước ngoài. Ngoài ra, những yếu tố như phục trang, cờ lọng, người bình cờ… cũng góp phần khiến cờ người trở thành một loại hình văn hóa đặc biệt.
Niềm đam mê của các võ sinh
Không chỉ tạo nên sự lôi cuốn cho người xem, điểm giá trị của cờ người võ thuật nằm ở sự hứng khởi của chính những người trong cuộc. Bất kỳ ai học võ ắt cũng đều khao khát tìm thấy niềm vui trong những trận giao đấu. Trận đấu càng quyết liệt, càng thu hút nhiều khán giả tất nhiên càng tốt, nhưng làm sao vẫn giữ được cái tinh thần hòa hiếu giữa các bạn đồng môn mới thật sự là khó.
Cờ người chính là nơi để thỏa mãn điều này. Không ít các bạn trẻ tìm đến với những lò võ cổ truyền vì khao khát được mặc lên người những bộ trang phục mô phỏng theo nghĩa quân Tây Sơn, tham gia vào các trận quyết đấu dưới sự cổ vũ hò reo vang dội trong một ván cờ người.
Quốc Dũng (sưu tầm)