Không có nhiều thông tin việc Đặc nhiệm Ó đen của Cuba có học hỏi đặc công Việt Nam hay không nhưng kĩ chiến thuật của họ có nhiều điểm tương tự.
Những năm gian khổ của cuộc kháng chiến chống Mỹ, quân đội và nhân dân “hòn đảo Tự do” đã sát cánh với Việt Nam, đồng thời cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ cuộc chiến tranh ác liệt để xây dựng lên lực lượng vũ trang Cuba mạnh mẽ ngày nay.
Những bài học kinh nghiệm đó cũng góp phần xây dựng lực lượng đặc nhiệm Cuba danh tiếng – “Tropas Especiales Avispas Negras” hay còn gọi là “Ó đen”.
Lực lượng đặc nhiệm Cuba được tổ chức nhằm bảo vệ an ninh cho Fidel Castro và các lãnh đạo Cuba, biên chế chính thức thuộc Bộ Nội vụ. Tham gia lực lượng là các cán bộ chiến sĩ có nhiều kinh nghiệm chiến trang du kích và khởi nghĩa vũ trang từ các nước Mỹ La tinh, các chiến sĩ từng chiến đấu với Che Guevara, tham chiến ở Congo, chiến đấu với quân đội Batista ở Cuba. Khi phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc lan rộng ra châu Phi và Mỹ La tinh, lực lượng đặc nhiệm Ó đen theo chỉ lệnh của Fidel Castro, thực hiện nhiệm vụ giúp đỡ các phong trào cách mạng quốc tế.
Từ tháng 11/1975, Ó đen tham chiến ở Angola, sát cánh cùng với đặc nhiệm Liên Xô ở Ethiopia, Mozambique và các nước Trung Mỹ (trong đó có Nicaragua). Đến tận ngày này các chiến sĩ đặc nhiệm Ó đen hoạt động không chính thức ở nhiều nước khác như ở Ecuador năm 2010.
Lướt qua, dễ nhận thấy lực lượng Ó đen sử dụng kỹ thuật đặc công hoàn toàn khác với những lực lượng đặc nhiệm danh tiếng Phương Tây hoặc Nga nhưng rất giống với đặc công Việt Nam.
Các nội dung giảng dạy tập trung nhiều vào tinh thần đồng đội và kỹ năng chiến đấu cá nhân, kỹ chiến thuật luồn sâu, khả năng sống còn trong các tình huống nguy hiểm, bao gồm cả bị bắt và nhục hình. Chương trình huấn luyện gian khổ nhất được gọi là “Đường mòn Che Guevara”, tuyến đường mà Che Guevara và đội quân tình nguyện đã tập luyện trước khi đến Bolivia.
Đường Che Guevara đi qua bảy ngọn đồi với độ dài 7,5 km. Đồi có cao độ khoảng 250–300 mét với độ dốc đến 30–45 độ. Đỉnh đồi bằng phẳng rộng khoảng 15 – 20 m, sau đó lại dốc xuống. Trên toàn bộ 7,5 km đường là các bẫy mìn, chông treo, dây vướng nổ hoặc bẫy sập, hàng rào vật cản và những trang thiết bị từ thô sơ đến hiện đại nhằm đối phó với đặc công. Trang phục chỉ có 1 quần đùi bó, đi chân đất.
Mỗi chiến sĩ phải đeo 1 cây sắt tròn nặng 8 kg, dài như tiểu liên AK, treo trên cổ bằng dây buộc và cũng như đặc công Việt Nam, mang theo bên sườn túi đựng bộc phá có khối lượng tương đương.
Lần đầu tiên vượt đường mòn Che Guevara, tất cả các học viên đều “hy sinh”. Giáo viên hướng dẫn kỹ thuật vượt trận địa mìn, hàng rào dây thép gai bùng nhùng, tiêu diệt lính canh, bịt mắt khí tài trinh sát, thâm nhập kho tàng, doanh trại, sân bay và các mục tiêu khác. Kỹ thuật vận động trên chiến trường tập trung vào đi khom và bò các tư thế trong nhiều giờ.
Thực luyện chủ yếu vào ban đêm từ 10 – 12 giờ đồng hồ, học viên chia thành các tổ đội từ 3-5 người thâm nhập các loại mục tiêu, từ doanh trại nhỏ đến căn cứ rộng lớn như sân bay, hải cảng.
Im lặng tuyệt đối, họ phải vượt qua các vật cản gây tiếng động như lá khô, thảm lau sậy, rơm rạ, mảnh kính, mảnh sành, các loại hàng rào dây thép gai và mìn hiện đại nhất. Thời gian huấn luyện “đường Che Guevara” kéo dài 5 tháng, học viên có rất ít thời gian ngủ và khẩu phần ăn vô cùng tệ hại, rất ít và đôi khi đã bốc mùi.
Trong chiến thuật, các Ó đen tập trung huấn luyện theo tiểu tổ và cá nhân ẩn nấp nhiều ngày trong hậu cứ địch, thực hành các bài tập trinh sát, đột nhập lấy tài liệu, thông tin hoặc bắt cóc và tiêu diệt đối phương. Các học viên được huấn luyện sử dụng các chất gây mê tức thời, các thủ pháp gây choáng ngất.
Học viên bắt buộc phải sử dụng tốt tất cả các loại súng bộ binh trên thế giới, lái xe ô tô, xe tăng thành thạo. Vũ khí cho Ó đen là AKMS, AKMSN (sản xuất ở Cuba có giảm thanh và kính nhìn đêm), AMD-65 (Hungary), súng bắn tỉa SVD, AS “Val” và ARIA VSS “Vintorez”, súng chống tăng RPG-7V, súng ngắn MTA , APB PM (sản xuất tại Cuba) và CZ 75 Tiệp khắc.
Các bài bắn được thục luyện rất kỹ lưỡng: bắn ngày – đêm, bắn theo âm thanh, bắn mục tiêu chuyển động, bắn theo chớp đạn đầu nòng, bắn nhanh, bắn găm bắn gần…..Một điều thú vị là các học viên được học bắn cối 82 mm ứng dụng tương tự như ở Việt Nam không có đế cối.
Nòng súng cối nặng 56 kg được một học viên dựng trên mặt đất và hướng về mục tiêu, ngắm bắn bằng la bàn đặc chủng pháo binh. Độ chính xác của phát bắn khoảng từ 3-5 m. Một học viên giữ súng và học viên khác thả liên tiếp 12 quả đạn cối. Khi loạt bắn kết thúc các Ó đen lập tức rút khỏi trận địa. Đòn tập kích này có hiệu quả cao đối với khu vực tập trung quân hoặc hỏa điểm.
Kỹ thuật cận chiến tay không là “karate-cận chiến” do sĩ quan Raul Rizo (Domingo Rodriguez Oquendo), võ sư thuộc trường phái Jyoshinmon phát triển. Ông cũng là tác giả các kỹ thuật cận chiến cho lực lượng KGB và GRU của Bộ Quốc phòng Liên xô, được sử dụng trong lực lượng “Alpha” và “Vympel” Nga ngày nay.
Với kinh nghiệm chiến đấu và ý chí cách mạng, đặc nhiệm Ó đen thực sự là lực lượng đặc công đáng sợ vùng Tây Bán cầu và là vũ khí mạnh mẽ bảo vệ thành quả cách mạng của hòn đảo Tự Do.
https://youtu.be/dp9ts1z8Cq0
Theo Infonet