Để trở thành một huấn luyện viên giỏi

Trong bài này, Đại sư Yamada bàn về những gì cần có để trở thành một HLV giỏi, lẽ tất nhiên đây là quan điểm của riêng ông, dựa trên những kinh nghiệm đã có và trên những gì mà học trò của ông đã đạt được sau khi trở thành HLV.

Điều quan trọng nhất là có nhiều khía cạnh cần thiết hơn là tài năng kỹ thuật. Người có năng khiếu kỹ thuật không nhất thiết sẽ là người thầy thành công nhất và điều này cũng dễ hiểu thôi.1

Một vị thầy cần được môn sinh kính nể và quý mến. Về mặt nể trọng Đại sư Yamada thường nghe nhiều vị thầy than phiền là các môn sinh của họ thiếu lễ độ đối với họ: “Theo ngu ý, sự tôn trọng không phải tự nhiên mà có được, cũng không phải bắt ép. Ta có sự tôn trọng của người khác do tôn trọng người khác, do tự tin, do kinh nghiệm”…2

 Khi ta là một HLV giỏi, môn sinh của ta cảm nhận được những năm tháng lăn lộn trong kinh nghiệm của thầy họ và họ tin vào những gì thầy họ đang thực hiện. Về phần Đại sư Yamada, ông luôn luôn lấy làm tiếc vì đã trở thành một HLV Aikido khi còn rất trẻ, thiếu chính chắn và kinh nghiệm trong cuộc sống. Vào dạo đó, Tổng đàn Aikido không còn chọn lựa nào khác vì Aikido là một môn võ mới và chưa có nhiều hành giả để đưa Aikido đến cho thế giới. Khi người ta còn trẻ, các chiêu thức có thể dũng mãnh để chứng tỏ tài nghệ mình. Nhưng ta thiếu những yếu tố khác để trở thành một “Tiên nhân chỉ lộ”. Chẳng hạn kinh nghiệm xã hội, đối nhân xử thế … những điều chỉ có được nhờ kinh nghiệm sống.3

Một điều khác là luôn luôn nhắc nhở mình rằng trong số các môn sinh có nhiều loại khác nhau đến từ nhiều môi trường. Những kẻ “Tam thập nhi lập” và đôi khi đã thành đạt trong nghề nghiệp của mình. Họ chẳng khác gì ta. Điều đáng công nhận nơi Đại sư Yamada là ông đã bắt đầu cảm thấy yên tâm trong vai trò võ sư khi bước vào tuổi “Tri thiên mệnh”. Và như  đã nói trên, ngoài thời gian và kinh nghiệm nhất thiết phải có lòng tự tin để trở thành  một giảng viên tốt.4

Đại sư Yamada thường hay gặp những HLV không cho phép môn sinh được tự do giao lưu với các vị thầy khác trong các cuộc tập huấn, đến mức có người cho rằng học với họ là đủ và khỏi cần bị ảnh hưởng từ nơi khác. Theo Đại sư thì đó là một dấu hiệu thiếu tự tín từ nơi các giảng viên. Vì để cho môn sinh của mình thấy được trời rộng đất dài là giúp cho họ mở rộng tầm mắt và óc phán đoán.5

 Đây là những yếu tố cần thiết để tự tín và nâng cao giá trị của con người.  Trong một cuộc tập huấn có đông đảo hành giả tham dự với nhiều Shihan khác nhau, người ta thấy có một nhóm môn sinh chỉ quanh quẩn bên nhau thay vì bung ra giao lưu với các tham dự viên khác (mà đây chính là điểm mấu chốt của một cuộc tập huấn có nhiều Đạo đường tham dự). Vị sư phụ của họ cũng tham dự tập huấn đã cấm tuyệt họ không được bung ra để tránh làm nhiễu loạn pháp môn Aikido của họ.6

Thay vì tập các chiêu thức do các Shihan hướng dẫn họ tiếp tục tập như ở trong Đạo đường của họ, an tâm với những động tác quen thuộc…

 Đây là một sự việc đáng tiếc vì đối với các môn sinh họ có thể hưởng lợi nhờ được trao đổi với các phong cách khác nhau và đối với cả vị sư phụ vì thiếu tự tín không để cho môn sinh mình chứng tỏ trình độ và phong cách, như vậy mở rộng tầm ảnh hưởng của Đạo đường của mình. Kết cuộc họ đã không tận dụng được các khả năng để lớn lên.7

 Lẽ tất nhiên sẽ không cần phải nói là các võ sư có trình độ thường không thấy cần phải khẳng định trước các môn sinh của mình, điều đó họ đã biết quá rõ. Cũng không cần tự so sánh mình với các môn sinh vì mỗi các nhân đều có những năng khiếu và thể trạng khác nhau. Một vị sư phụ đúng nghĩa luôn tỏ ra lo lắng , độ lượng và kiên nhẫn đối với từng môn sinh và điểm cuối cùng nên ghi nhớ là đừng biến môn sinh thành những “cụ gật”. Nếu một võ  sư chỉ muốn có quanh mình những kẻ đưa mình lên bệ thì ông ta đang dụ mình vào cái ảo tưởng mình là số một. Phải hiểu rằng, là khi rời sân tập mình cũng chỉ là một người như bao người. Tuy nhiên, một khi đã lên sân mình có thể cho môn sinh thấy “Ai là ông sếp”. Đại sư Yamada tâm sự: “Khi tôi hướng dẫn một lớp tôi có cảm tưởng như mình là người cầm đũa cho một dàn nhạc giao hưởng, trong đó mỗi môn sinh chơi một nhạc cụ khác nhau và trách nhiệm của tôi là tạo ra sự hòa hợp giữa các nhạc công. Đôi khi tôi lại có cảm tưởng như là một đầu bếp trong một đại tửu lầu đem lại “sơn hào hải vị” cho các thực khách là môn sinh khiến họ không cảm thấy buồn chán vì mình luôn tìm cách tạo hứng khởi cho họ.”

8

Với tư cách là một sư phụ tôi luôn luôn cố gắng trở thành người thầy mỗi ngày một khá hơn. Đó là một tiến trình liên tục nó giúp tôi biểu lộ tính nhân đạo trong tôi và giúp tôi học hỏi để trở thành một con người tốt hơn. Nói cho cùng, những thành công của môn sinh chứng tỏ tài đức của một vị thầy. Một vị thầy tốt tạo ra nhiều hành giả kiên tâm, trì trí.

 Dạy và học là một mối quan hệ bao gồm tương kính và đồng cảm.

Theo Sổ tay võ thuật