Một võ sĩ tán thủ, trên đường đi tập, va chạm giao thông và sau đó, bị người kia rút dao đâm thấu tim. Khuôn mặt nhợt nhạt sau ca phẫu thuật thuộc vào diện “thập tử nhất sinh”, cậu bảo không đánh lại vì đó là “va chạm giao thông”.
Luận về chữ Lễ trong Võ Đạo
Triết lý kỹ thuật và tinh thần của Vovinam – Việt Võ đạo
Chúng ta có những vấn đề thực sự từ vụ việc nhỏ, vẫn xảy ra như cơm bữa ngoài đường này. Đầu tiên là chuyện manh động. Hằng ngày, trên báo, có biết bao bạo lực và máu đổ chỉ từ những điều nhỏ nhặt nhất. Nhìn đểu – bị đánh chết. Đái bậy – bị đâm chết. Và chuyện thời sự ở Tương Dương: Vặt quả chanh, bị nói đểu – thế là rút dao chém chết cả nhà, gà chó cũng không tha. Bạo lực từ những va chạm nhỏ mà người ta hoàn toàn có thể mỉm cười, bắt tay nhau đang thực sự là một vấn đề xã hội bức bách. Và bạo lực không kể cả cái tên, cả môi trường sống. Chẳng hạn trong vụ này, đối tượng thủ dao đâm người là Nguyễn Trung Hậu – một Việt kiều Mỹ.
Vấn đề thứ hai là thái độ xã hội. Khi một võ sĩ bị đâm thấu tim, mất 3 lít máu, suýt mất mạng, thì câu hỏi dư luận liền chặc lưỡi: Thế học võ để làm gì. Hình như thái độ mang tính chất tự nhiên này đang là hệ quả của hiện thực xã hội manh động – nơi con người ngày càng thích nói chuyện với nhau bằng “nắm tay”, “lưỡi dao” hơn là nụ cười. Nhưng trong những cái tệ ấy, may mắn là còn có cậu võ sĩ nạn nhân. Không đánh lại “vì đó là va chạm giao thông” – câu trả lời tưởng như đơn giản của cậu đang lấp lánh trong đó cái đạo của người học võ. Người ta nói cái “thuật” trong “võ thuật” chỉ đủ để giúp người ta biết võ. Còn cái đạo mới là yếu tố đẳng cấp để giúp người ta biết hành xử. Cái đạo ấy là hành hiệp trượng nghĩa chứ không phải ỷ mạnh hiếp yếu. Và sự cao siêu nhất trong cái đạo của võ học chính là việc không đụng chân đụng tay dù võ công thượng thừa.
Chắc không một người học võ nào lại không biết đến Oyama Matsutasu. Khi mang tứ đẳng huyền đai karate, cú sốc thất bại của Nhật sau thế chiến 2 khiến Oyama đã sống những ngày giang hồ, thường xuyên gây gổ với lính Mỹ đồn trú trên đất Nhật, đánh gục những kẻ hiếp đáp phụ nữ Nhật Bản và nện những tên vô lại trên đường phố trung tâm Tokyo. Mãi về sau, khi trở thành huyền thoại của võ học Nhật Bản, bậc văn vũ lưỡng đạo ấy mới nhận ra rằng đỉnh cao của võ học chính là việc “bất chiến”. Một võ sư HLV trưởng đội tuyển taekwondo đứng im cho an ninh hàng không khóa tay lôi kéo. Một võ sĩ tán thủ “bất chiến” vì đó là “va chạm giao thông”. Họ, đang chiến thắng được kẻ thù lớn nhất của người học võ là chính bản thân mình. Họ chính là đang đề cao vẻ đẹp của người học võ. Và có lẽ, họ cũng chính là lời giải cho bài toán bạo lực xã hội hôm nay.
Theo Báo Lao Động