Với 9 chiêu thức điêu luyện, Độc Cô Cửu Kiếm có thể hóa giải hầu hết mọi loại võ công trong thiên hạ. Phải chăng đây là môn võ công mạnh nhất trong các tiểu thuyết của Kim Dung?
Giải mã 4 môn võ tàn bạo của lực lượng tiêu diệt Bin Laden
5 đại cao thủ có “tửu lượng vô biên” trong truyện Kim Dung
Độc Cô Cửu Kiếm bao gồm 9 chiêu thức chính: Tổng quát thức, phá kiếm thức, phá đao thức, phá chưởng thức, phá thương thức, phá tiên thức, phá sách thức, phá tiễn thức, phá khí thức. Đây được xem là môn kiếm pháp khắc tinh của mọi loại binh khí, chưởng pháp hoặc ám khí. Thậm chí, một người bình thường không có nội lực vẫn có thể xuất chiêu Độc Cô Cửu Kiếm để đả thương những cao thủ khác.
Nhân vật lừng danh gắn liền với Độc Cô Cửu Kiếm là Độc Cô Cầu Bại. Năm xưa, ông tung hoành trong thiên hạ chỉ mong bại một lần mà không được. Một nhân vật khác của phái Hoa Sơn là Phong Thanh Dương cũng luyện kiếm pháp này đạt đến mức thượng thừa, chỉ vài chiêu dạy cho Lệnh Hồ Xung là có thể đánh bại được Điền Bá Quang. Nhờ Độc Cô Cửu Kiếm mà Lệnh Hồ Xung đánh bại hàng loạt cao thủ võ lâm khác, trong đó có Quỳ Hoa Bảo Điển của Đông Phương Bất Bại và Tịch Tà Kiếm Phổ của Nhạc Bất Quần. Tuy nhiên, cả Lệnh Hồ Xung hay Phong Thanh Dương đều dừng lại ở phần nhập môn chứ chưa thể đạt đến trình độ cao siêu như Độc Cô Cầu Bại.
Chiêu thức của Độc Cô Cửu Kiếm không bị gò bó trong bất kỳ quy luật nào. Như lời của Phong Thanh Dương nói: “Luyện võ và sử chiêu linh động mới chỉ là bước đầu, luyện đến trình độ ra tay không còn chiêu thức mới tiến vào trình độ tuyệt luân. Không có chiêu thức thì địch nhân sẽ không biết đâu để phá”.
Thực tế, Độc Cô Cửu Kiếm thực chất không phải là đỉnh cao nhất của bộ kiếm pháp lừng danh này. Để đạt đến cảnh giới cao nhất thì người luyện phải lĩnh ngộ được ý niệm của nó. Trong các cao thủ từng luyện bộ kiếm pháp, chỉ duy nhất Độc Cô Cầu bại mới lĩnh hội được hết giá trị của Độc Cô Cửu Kiếm. Thời trẻ, ông dùng Cương kiếm cứng rắn vô song để tranh đấu với quần hùng. Tới khi 30 tuổi, ông lại chuyển sang dùng Tử vi nhuyễn kiếm, chú trọng tới sự sắc bén và linh hoạt trong kiếm pháp. Trước 40 tuổi, Độc Cô Cầu Bại dùng tới Huyền thiết trọng kiếm – thanh kiếm không hề gia công, không mũi nhọn, nhưng vẫn tung hoành thiên hạ không đối thủ.
Cuối cùng, cảnh giới cao nhất của Độc Cô Cầu Bại chính là không cần dùng tới kiếm bởi lúc đó ông đã hình thành được ý niệm trong tâm. Khi đạt đến cảnh giới này thì vạn vật trong trời đất đều có thể làm kiếm. Khi luyện Độc Cô Cửu Kiếm tới mức không còn phân biệt chiêu thức, không dựa vào chiêu thức để xuất chiêu, đó mới là chân chính cao thủ về kiếm thuật. Chân lý võ học này cũng tương tự như Thái Cực Kiếm của Trương Tam Phong, khi ông đề cao chữ “ngộ”, chứ không phải là lãnh hội. Cảnh giới cao nhất của võ học chính là tự mình sáng tạo ra chiêu thức, thoát khỏi vòng gò bó của những thứ khuôn khổ võ công, đạt tới cảnh giới tùy người sử dụng.
Xin nhắc lại rằng, trên đời không có loại võ công nào vô địch thiên hạ, chỉ có người sử dụng biết phát huy hết giá trị tinh túy nhất của loại võ công đó thì mới vô địch. Điều đó đã thành chân lý, không chỉ trong Độc Cô Cửu Kiếm mà còn hiện diện trong tất cả các loại môn võ khác. Xét cho cùng, võ công, chiêu thức vẫn mang tính trừu tượng và phụ thuộc rất nhiều vào người sử dụng.
https://youtu.be/ZOmtQc-zDEg
Võ Đạt – VoThuat.vn