Dòng hắc hổ và bí mật công phu cẩm y vệ triều Nguyễn

Dưới triều đại nhà Nguyễn, Huế được mệnh danh là kinh đô của võ thuật với nhiều môn phái võ cổ truyền được kế thừa, hình thành và phát triển một cách rực rỡ. Trong số đó võ thuật cung đình ngày càng phát triển và chiếm vị trí độc tôn trong chặng đường lịch sử.

Báo chí Trung Quốc sửng sốt trước tuyệt kỹ công phu Việt Nam
“Lác mắt” ngắm vợ Lý Liên Kiệt mặc bikini thả rông

Võ kinh – Danh bất hư truyền

Chúng tôi tìm về võ đường võ kinh Vạn An phái – một phái võ được xem là chân truyền từ hàng trăm năm nay của võ thuật cung đình Huế. Tọa lạc trên đường Minh Mạng đắc địa về di tích và văn hóa cố đô nằm về phía Tây xứ Huế, võ đường Vạn An từ bao đời nay quy tụ nhiều môn sinh, đề cao võ học kinh sử. Tiếp chúng tôi là võ sư Trương Quang Kim chưởng môn đời thứ năm, hiện là người kế tục, giữ lửa và phát huy những tinh hoa võ học Vạn An.

Thầy Kim chia sẻ: “Nếu tính chính xác từ khởi thủy của võ kinh và những nền móng quan trọng liên quan đến võ kinh Vạn An phái thì bắt đầu từ vị tổ sư Võ Thần Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, người được xem là khai quốc công thần của triều đại Phú Xuân. Võ Thần Hầu sinh ra trong gia đình nhà võ, đam mê nghiệp võ rồi đi theo con đường binh nghiệp từ thuở chiến tranh Trịnh – Nguyễn. Ông dẹp yên loạn đảng mở rộng giang sơn phía Nam. Mặt khác, ông chú trọng xây dựng môn phái võ cung đình hay còn gọi là võ kinh. Liên quan đến vấn đề ông là người khai lập nên dòng võ kinh, nhiều tài liệu trong gia tộc cũng đều đề cập đến. Cũng chính từ đây mà Võ Thần Hầu được xem là ông tổ của phái võ kinh”.

Với khí khái mạnh mẽ uy nghiêm của con nhà võ đạo, chưởng môn Kim cho chúng tôi biết thêm nguồn gốc của võ phái mình. Theo vị chưởng môn, võ kinh gắn chặt với triều đại phong kiến nhà Nguyễn. Lúc bấy giờ, giới võ học chia làm hai loại: Một là võ lâm (thảo dã) và hai là võ kinh (kinh sách). Võ lâm mang tính chất dân dã, ai cũng có thể học và đánh võ được. Thời phong kiến, các võ sư sau khi lĩnh hội được võ lâm thường làm nghề tiêu đầu, áp tải hàng hóa cho người khác hoặc là hành hiệp trượng nghĩa trong dân gian. Khác với võ lâm, võ kinh mang phong cách cung đình.

Khi đánh võ, người võ sỹ ra bộ, mà bộ lại đi cùng với tứ thơ, hay còn gọi là kinh thơ; trong võ có thơ và trong thơ có võ, chính vì vậy nên được gọi là võ kinh. Hơn nữa, trong võ kinh học còn phải để thi tuyển vào cấm vệ quân hay làm các võ tướng. Ở điểm này, chưởng môn Kim cho biết thêm, nhiều người võ lâm thảo dã vẫn có thể làm võ tướng hay quan võ nhưng cũng phải qua thi cử và được đào tạo bài bản.

Ngược dòng thời gian, qua những câu chuyện kể của cha và ông nội (đều là võ sư, cẩm y vệ triều Nguyễn), chưởng môn Kim tâm sự, vào thời xưa cũng như các bí kíp võ công khác, bí quyết võ kinh được cẩn mật gìn giữ, tuyệt đối không truyền thụ ra ngoài. Cũng chính vì thế mà những tuyệt chiêu trong võ kinh mà các vị đại tôn sư như Võ Thần Hầu Nguyễn Hữu Cảnh từng sở đắc đã dần mai một. Thầy Kim nhớ lại: “Thuở còn nhỏ nghe ông và cha luận bàn võ học thường nhắc đến những vị võ thần, những cẩm y vệ thời xưa thân thủ siêu phàm làm nên những chiến tích “nội bất xuất, ngoại bất nhập” của Tử Cấm Thành. Theo thời gian cũng như quy tắc mà những tuyệt kỹ chỉ được chân truyền cho người nhà nên một số chiêu đến nay chỉ còn lại trong sách vở”. Cho dù vậy với những tuyệt chiêu hiện tại như Lôi phong phiếm, Bạch hạc lượn xí… võ kinh vẫn làm mê đắm lòng người”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, võ kinh Vạn An thuộc hệ hắc hổ tức là cọp đen. Các võ sư vận dụng chiêu thế của cọp để sáng tạo nên những tuyệt học công phu. Chưởng môn Trương Quang Kim giãi bày: “Các đời trước có thờ hắc hổ như là vật trấn hưng võ đạo về sau, bởi thiết nghĩ võ học là ở con người linh hoạt biến hóa thiên nhiên vạn vật dung hòa vào từng chiêu thức, hơn nữa bây giờ mà thờ cọp đen thì dữ dằn quá”.

Tuyệt kỹ của cấm vệ quân

Trầm ngâm suy nghĩ về sự oai phong lẫm liệt của các vị tổ sư đi trước, chưởng môn Kim chia sẻ sâu hơn về những bài kinh, những bí kíp của võ phái Vạn An. Để thành tài và tham gia thi cử làm quan võ, những người học võ thời Nguyễn phải trải qua những khổ luyện từ nhỏ. Quy trình tập luyện võ kinh qua sự giới thiệu của vị chưởng môn khiến chúng tôi toát cả mồ hôi, để đạt được những thân pháp, tuyệt kỹ cao đòi hỏi sự khổ luyện lâu dài. Người học võ phải trải qua tám bước. Thời gian của mỗi bước dài hay ngắn, tùy thuộc vào khiếu võ của từng người học. Bước một khởi đầu luyện nhãn pháp. Nhất chỉ nhãn pháp công của võ kinh Vạn An phái dùng tay để luyện đôi mắt tinh anh, sự nhanh nhẹn quan sát đối thủ.

a8-1397957421_660x0

Kế đến luyện tấn pháp nghĩa là thế thủ, chân vững như bàn thạch, luyện thủ pháp gồm 44 bộ gồm gạt, đỡ, chỉ, chỏ, chưởng…, luyện cước pháp gắn với thập bát liên hoàn cước mạnh mẽ, luyện thân pháp nhanh nhẹn, uy dũng mà đỉnh cao là loạn đả tàng vân, luyện quyền pháp, binh khí pháp là giai đoạn vất vả nguy hiểm nhất. Và bước cuối cùng để ra lò một võ sỹ là luyện đấu pháp với song đấu luyện, song đấu đối kháng và đấu tự do. Quá trình tập luyện bài bản như thế, nên những võ sư thời xưa hay thầy trò võ kinh Vạn An phái có được nội công thâm hậu, dùng yết hầu bẻ cong ba ngọn giáo, gí sát phần đầu nhọn hoắt vào cổ rồi kê đá lấy búa tạ đập trên lưng mà chẳng hề hấn. Nghe đến đây, chúng tôi bắt đầu tin những tuyệt kỹ võ công thời xưa là có cơ sở chứ không chỉ là những lời đồn hay giai thoại.

a5-1397957363_660x0

Quả thật, không có cái gì đạt đến đỉnh cao mà không cần khổ luyện. Trong từng ban chia ra từng bộ nhỏ, mỗi bộ lại có nhiều chi, nhiều cước đòi hỏi sự tỉ mỉ và cái duyên với nghiệp võ. Thế mới hiểu, việc đào tạo những cấm vệ quân thời phong kiến là vô cùng gian nan. Hơn nữa các võ sư xưa phải biết thi triển công phu gắn chặt với các bài thơ, võ đi với tự (chữ) khiến những bài quyền cước càng trở nên uyển chuyển nhưng không kém phần mạnh mẽ, uy phong. Đó cũng là phong cách cung đình Huế bao lâu nay.

Thầy Kim cho biết, thời vua Minh Mạng các cuộc tỉ võ được diễn ra rầm rộ. Những người đỗ đạt được đưa vào cung thành lập nên các đội cẩm y vệ bảo vệ Tử Cấm Thành và các bậc vua chúa hoàng tôn. Ông sơ Trương Ngọc Giai trong gia tộc họ Trương, từng là Chánh đội trưởng cẩm thị vệ dưới thời vua Tự Đức và là người trực tiếp bảo vệ vua. Tương tuyền Trương Ngọc Giai là một cao thủ võ công xuất chúng, thân pháp như chim hạc có thể địch trăm người.

Có thể nói, bắt đầu từ những vị đại tôn sư, dòng phái võ kinh đã trường tồn theo thăng trầm kinh đô xứ Huế. Những thần tướng, cẩm y vệ bảo vệ kinh đô với thân pháp siêu quần đã làm nên những giai thoại bất tận về một dòng võ hơn 200 năm trường tồn mà cho đến nay võ kinh Vạn An phái là một trong những võ phái luôn chiếm giữ ngôi đầu ở Huế và vươn lên tầm quốc tế.

https://youtu.be/OkyU9IcqcjQ

Theo Đời sống pháp luật