Võ sư Đặng Đình Hai trở thành người Việt Nam đầu tiên mang võ thuật cổ truyền lên dãy Himalaya truyền thụ cho các ni cô ở tự viện Amitabha, Nepal.
Khi đất nước Nepal vừa trải qua trận động đất kinh hoàng mạnh 7,8 độ khiến hơn 7.500 người thiệt mạng, dư luận quốc tế đã rất cảm phục và ngưỡng mộ khi được tin các ni cô thuộc tự viện Amitabha ở thủ đô Kathmandu đã từ chối di tản và sử dụng kỹ năng võ thuật của mình để giúp người dân xung quanh khắc phục hậu quả thiên tai.
Võ Việt cứu các ni cô Nepal thoát động đất
Khi trận động đất xảy ra, chính những kỹ năng võ nghệ đã giúp những ni cô này tung mình ra khỏi cửa sổ, đạp cửa chính, thoăn thoắt chạy trên những cầu thang đang có nguy cơ sụp đổ để thoát ra ngoài an toàn. Ít ai biết rằng, người đã truyền thụ những kiến thức và kỹ năng võ công đó cho các ni cô Nepal lại là một võ sư người Việt.
Đó là võ sư Đặng Đình Hai ở phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng, người đã tiếp bước cha và ông nội mở một võ đường truyền thụ võ thuật cổ truyền Việt Nam cho mọi người để rèn luyện sức khỏe, tu dưỡng tinh thần và tu tập chính pháp.
Võ đường Đặng Đình Hòa mang tên cụ thân sinh của võ sư Đặng Đình Hai được mở ra ở Hải Phòng đã hàng chục năm nay, thu hút hàng trăm võ sinh tới luyện tập nhằm rèn luyện gân cốt, khí công và các bài đánh cận chiến đặc sắc theo môn phái Đặng Gia Quyền.
Sinh ra trong gia đình ba đời nhà võ, tiếp nối truyền thống cha ông, võ sư sinh năm 1976 Đặng Đình Hai không ngừng giảng dạy và truyền bá võ thuật, đưa võ thuật cổ truyền lên tầm cao mới. Võ sư tiếp tục duy trì võ đường mà cha mình đã mở ở Hải Phòng, thu hút đông đảo các võ sinh đến luyện tập.
Biết đến danh tiếng của môn phái Đặng Gia Quyền, các nhà sư ở chùa Tây Thiên (Vĩnh Phúc) đã tới gặp, đàm đạo và mời võ sư Hai lên núi để truyền thụ võ thuật cổ truyền cho các nhà sư tại đây, trong đó có các ni cô đang tu tập tại chùa.
Đích thân võ sư Hai đã lặn lội lên Tây Thiên để truyền thụ võ thuật cổ truyền dân tộc cho ni chúng trong chùa, và những bài võ tay không, binh khí cận chiến đặc sắc của ông đã giúp cho các tăng ni chùa Tây Thiên rèn luyện sức khỏe, gân cốt, tăng cường khả năng tập trung và thiền định.
Nhân duyên kỳ lạ
Đến đầu năm 2010, một nhân duyên kỳ lạ đã đưa võ sư Hai đến với đất nước Nepal. Năm đó, Đức Pháp Vương Dòng Truyền thừa Gyalwang Drukpa đời thứ 12 của Nepal tới thăm Việt Nam và lên chùa Tây Thiên tham quan.
Tại đây, Pháp Vương đã chứng kiến cảnh các ni cô tại chùa Tây Thiên luyện tập võ thuật với động tác nhanh nhẹn, linh hoạt và tác phong rất mạnh mẽ, uyển chuyển nên vô cùng ấn tượng. Sau khi hỏi chuyện, Pháp Vương được biết rằng các ni cô này đang luyện tập các bài võ cổ truyền của Việt Nam để có khả năng tập trung tốt hơn và tự tin hơn vào bản thân.
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa là người đứng đầu tự viện Amitabha ở thủ đô Kathmandu của Nepal. Là một quần thể kiến trúc tôn giáo hoành tráng ngự trên dãy núi Himalaya, tự viện Amitabha là nơi có hàng ngàn tăng ni đang tu luyện, trong đó có rất nhiều ni cô đến từ nhiều vùng khác nhau của Nepal, Tây Tạng và cả Ấn Độ.
Thời kỳ đó, các ni cô tại tự viện Amitabha là những người yếu đuối, thường xuyên bị chòng ghẹo, trêu chọc mỗi khi họ đi một mình từ trên tự viện xuống núi. Pháp Vương muốn làm một điều gì đó để thay đổi quan niệm của mọi người rằng các ni cô chỉ là những người tu hành hạng hai, trong khi mọi đặc quyền, quyền lực đều dành hết cho các nhà sư nam giới.
Bởi vậy, sau khi trò chuyện, Pháp Vương đã đích thân mời võ sư Đặng Đình Hai sang đất nước Nepal giảng dạy và truyền bá võ thuật cổ truyền Việt Nam cho tăng chúng, đặc biệt là các ni cô trong tự viện Amitabha.
Võ sư Hai tâm sự: “Lúc được Pháp Vương mời sang Nepal giảng dạy võ thuật, tôi cũng băn khoăn lắm, vì mình chưa biết tiếng Anh để có thể giao tiếp, truyền thụ kiến thức cho mọi người. Nhưng với tâm niệm phải quảng bá được võ thuật cổ truyền Việt Nam ra thế giới, cũng như để giúp mọi người tu tập chính pháp, tôi quyết tâm lên đường”.
Hành trình nhân duyên đưa võ thuật lên dãy Himalaya của võ sư Đặng Đình Hai đã bắt đầu đầy kỳ lạ như thế. Võ sư Hai đã huấn luyện võ thuật cho các ni cô Nepal ở tự viện Amitabha ra sao, xin mời độc giả đón đọc kỳ 2 vào 10h ngày 9.5.
Theo Danviet