Vì sao Lưu Bị không chọn Trương Phi làm thị vệ?
Có nhiều dấu hiệu cho thấy, nhân vật nổi tiếng Tây Môn Khánh trong tiểu thuyết “Kim Bình Mai” được lấy ý tưởng từ một trong những Hoàng đế nổi tiếng nhất triều Minh, Trung Quốc.
Tây Môn Khánh là nhân vật phụ trong danh tác “Thủy Hử” của tác giả triều Minh Thi Nại Am, đồng lời là nhân vật chính trong tác phẩm cùng thời đại “Kim Bình Mai” của Lan Lăng Tiếu Tiếu Sinh.
“Nguyên mẫu” Tây Môn Khánh là… Hoàng đế Minh triều?
Trong cả “Thủy Hử” và “Kim Bình Mai”, “Tây Môn đại quan nhân” được mô tả là một nhân vật hoang dâm vô độ, tư thông với Phan Kim Liên, vợ của Võ Đại Lang, anh trai của Võ Tòng. Y cùng Kim Liên đã đầu độc chết Võ Đại Lang khi Võ Tòng đi vắng.
Tây Môn Khánh là nhân vật văn học nổi tiếng ngay trong xã hội hiện đại Trung Quốc. Thậm chí, cái tên này đã trở thành đại từ phiếm chỉ những người háo sắc, dùng tiền bạc chiếm hữu và chà đạp phụ nữ.
Theo “Kim Bình Mai”, Tây Môn Khánh đã chiếm hữu trước sau 24 mỹ nhân, không thua kém so với tam cung lục viện của một Hoàng đế. Cuối cùng, sinh mạng của nhân vật này kết thúc cũng vì thói hoang dâm quá độ khi mới 33 tuổi.
Những năm gần đây, một số học giả Trung Quốc bắt đầu ủng hộ một giả thuyết có phần “chấn động”, cho rằng “nguyên mẫu” ngoài đời thực của Tây Môn Khánh chính là vua Chính Đức – vị Hoàng đế được đánh giá “thú vị và gây nhiều tranh cãi” nhất lịch sử triều Minh.
Minh Vũ Tông Chu Hậu Chiếu được nhiều học giả nhận định chính là “Tây Môn Khánh”.
Minh Vũ Tông Chu Hậu Chiếu – tức Chính Đức – được mô tả là một ông vua cả đời ham hố hưởng lạc, háo sắc, vô lại, làm nhiều chuyện hoang đường không kể xiết, bị người đời chỉ trích vô cùng.
Chính Đức có ngai vàng mà không muốn, lại tự phong là Uy vũ đại tướng quân Chu Thọ. Ông có Hoàng cung không ở mà xây Trấn quốc phủ rồi tự ở trong đó.
Người đời sau đánh giá Chu Hậu Chiếu hoang dâm vô độ, làm nhiều việc vô liêm sỉ, “là hôn quân hiếm thấy”, “một trong những Hoàng đế dâm ô nhất trong lịch sử Trung Quốc”…
Nói rằng Chính Đức Đế là ông vua gây nhiều tranh cãi, bởi cũng có những quan điểm rất mạnh mẽ cho rằng Chu Hậu Chiếu là đại diện của “sự giải phóng cá nhân”, là một trong những Hoàng đế “có nhiều sắc thái phong phú nhất”.
Ông ra lệnh cho các thái giám xây Báo Phòng, chủ yếu phục vụ thú vui… giao hoan tập thể. Bên trong Báo Phòng có rất nhiều trò chơi, dã thú, mỹ nam, mỹ nữ, thậm chí còn có cả… kỹ viện phục vụ Chính Đức ngày đêm hưởng lạc, ăn chơi không chút cấm kỵ…
Không những vậy, Chính Đức cũng thường xuyên đưa các sủng thần ra ngoài “trêu hoa ghẹo nguyệt”, nửa đêm xông vào nhà dân bắt mỹ nữ “hầu ngủ”, gặp người yêu thích liền bắt đưa vào cung… khiến người dân oán thán không dứt.
Cuộc đời trụy lạc của Chính Đức chấm dứt năm 1521, khi ông tròn 30 tuổi, trong chính Báo Phòng mà ông xây dựng để phục vụ các thú ăn chơi của mình.
Chuyện tình của Hoàng đế phong lưu Chính Đức và dân nữ Lý Phụng Tỷ là một trong những giai thoại nổi tiếng nhất triều Minh.
Dù sống phóng túng nhưng Chu Hậu Chiếu không có một người con nào thừa kế, khiến ngai vàng Minh triều phải chuyển sang tay em họ ông là Chu Hậu Thông – tức Hoàng đế Gia Tĩnh .
Chính Đức Đế là một nhân vật rất được ngành giải trí đương đại yêu thích, xuất phát từ những giai thoại về cuộc sống phong lưu của ông.
Trong số đó, “Long Phụng điếm” là câu chuyện nổi tiếng nhất về mối tình giữa Hoàng đế phong lưu Chính Đức và cô dân nữ Lý Phụng Tỷ. Giai thoại này đã được dựng thành nhiều phiên bản phim điện ảnh cũng như truyền hình.
Vì sao nói Chính Đức Đế là “nguyên mẫu” của Tây Môn Khánh?
Giáo sư ĐH sư phạm Hà Bắc (Trung Quốc) Hoắc Hiện Tuấn chỉ ra, dù tiểu thuyết “Kim Bình Mai” lấy bối cảnh thời mạt Tống, nhưng nhân vật Tây Môn Khánh chính là hình ảnh đại diện cho tầng lớp thương nhân ác bá và giai cấp đặc quyền ở Trung Quốc thế kỷ XVI – tức triều Minh.
Giáo sư Hoắc nhận định, nguyên mẫu của Tây Môn Khánh là Chính Đức Đế. Tác giả “Kim Bình Mai” đã xây dựng độ tuổi nhân vật này “tương đương” với Chính Đức, không ngoài mục đích ám chỉ nhà vua.
Theo ông Hoắc, “Tàng Xuân Ổ” là địa điểm Tây Môn Khánh ăn chơi trụy lạc, được lấy ý tưởng từ chính Báo Phòng nổi tiếng của Chính Đức.
Báo Phòng của Chính Đức Đế là một trong những tụ điểm ăn chơi khét tiếng và để lại nhiều câu chuyện truyền kỳ nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Cựu Cục trưởng thủy lợi thành phố Thiệu Hưng, Chiết Giang Thịnh Hồng Lang từng nghiên cứu vấn đề này và xuất bản cuốn sách “Tiêu Minh Phụng và Kim Bình Mai” rất nổi tiếng, cũng nhận định “Kim Bình Mai” là tiểu thuyết chính trị “bóc mẽ” vương triều Chính Đức, Gia Tĩnh.
Thịnh Hồng Lang cho rằng, tác giả Lan Lăng Tiếu Tiếu Sinh chính là Tiêu Minh Phụng – có ông tổ là Tiêu Minh Dụng bị sát hại trong vụ đại án Lam Ngọc thời Hồng Vũ Đế Chu Nguyên Chương.
Ông Thịnh phân tích, cái tên “Tây Môn Khánh” nhằm ám chỉ Tây Hoa Môn bên trong Báo Phòng của Chính Đức. Bên cạnh đó, bản thân ông vua này còn tự phong mình là “Đại Khánh Pháp Vương”.
Trong khi đó, nhân vật Đại An kế thừa gia sản của Tây Môn Khánh được cho là hình ảnh ẩn dụ của Hoàng đế Gia Tĩnh.
Đặc biệt, ông Thịnh chỉ ra, Tây Môn Khánh “tình cờ” sinh vào năm Bính Dần – cùng năm mà Chu Hậu Chiếu lấy niên hiệu Chính Đức (1506). Toàn bộ câu chuyện trong “Kim Bình Mai” diễn ra trong 16 năm, cũng vừa đúng với số năm mà Chính Đức Đế tại vị (1505 – 1521).
“Kim Bình Mai” – tuyệt tác chính trị?
Thịnh Hồng Lang nhận xét, tác giả Lan Lăng Tiếu Tiếu Sinh buộc phải sử dụng hình thức ẩn dụ nhân vật để chuyển tải thái độ phẫn nộ đối với thực trạng xã hội Minh triều giai đoạn Chính Đức – Gia Tĩnh.
Điều này cũng được cho là nguyên nhân trực tiếp khiến bộ tiểu thuyết này mất tới 60 năm “không thấy ánh mặt trời” kể từ khi thành sách.
Thủ pháp mô tả lượng lớn hành vi tình dục trong “Kim Bình Mai” được đánh giá là nhằm lột tả chân thực nhất sự xấu xí của xã hội đương thời, nhưng cũng không loại trừ khả năng nhằm che giấu mục đích chính trị của nó, hoặc để… câu khách.
Tiểu thuyết “Kim Bình Mai” ngày càng được đánh giá là một tác phẩm chính trị xuất sắc “nói Tống chỉ Minh”.
Tác giả ăn khách Trung Quốc Nghê Phương Lục cũng từng đăng trên Blog của mình bài phân tích “Tây Môn Khánh phong lưu có thật trong lịch sử”.
Ông Nghê cho biết – “‘Kim Bình Mai’ thành sách vào khoảng trước sau thời Vạn Lịch Đế (1573 – 1620).
Do sách viết về thực tế đương triều nên buộc phải “treo đầu dê bán thịt chó”, “nói Tống chỉ Minh”, sử dụng thủ pháp ẩn dụ cao siêu để che mắt chính quyền và chuyển tải thông tin.
Các quan chức “tai to mặt lớn” như Trạng Nguyên, tuần phủ ngự sử… khi đi qua Thanh Hà đều phải vào bái kiến, thậm chí tặng lễ vật cho Tây Môn Khánh. Nhân vật quyền lực như vậy có lẽ chỉ có thể là bậc Đế vương.
Hậu trạch của Tây Môn phủ được mô tả như Hoàng cung, những sinh hoạt trong phủ cũng không khác gì trong cung cấm, bị ốm mời “thái y”, ăn uống toàn “cống phẩm”, có khác gì Hoàng đế?”
Nghê Phương Lục cho hay, trên thực tế, hồi tháng 5/1983, tại hội thảo nghiên cứu bộ tiểu thuyết “Kim Bình Mai” tổ chức ở ĐH Indiana (Mỹ), đã có người nêu ra quan điểm Tây Môn Khánh “giống như một Hoàng đế”.
Hội viên Học hội “Kim Bình Mai” Hoàng Cường cũng thông qua điển tịch và Minh sử để khẳng định, “Tây Môn Khánh” chính là Minh Vũ Tông Chính Đức Đế Chu Hậu Chiếu – Hoàng đế thứ 10 của triều Minh, đăng cơ ngày 19/9/1505.
Tây Môn Khánh trong “Thủy Hử” và “Kim Bình Mai” có số phận khác nhau.
Những điều khó lý giải
Mặc dù thời gian Lan Lăng Tiếu Tiếu Sinh sáng tác “Kim Bình Mai” cũng như các dấu hiệu kể trên đều chỉ ra rằng Tây Môn Khánh rất có thể chính là Chu Hậu Chiếu.
Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến phản bác, cho rằng Tây Môn Khánh của “Kim Bình Mai” được xây dựng từ nhân vật Tây Môn Khánh trong “Thủy Hử”, mà tác giả Thi Nại Am lại là văn nhân cuối đời Nguyên, đầu đời Minh.
Thi Nại Am hoàn toàn không có khả năng “bay tới tương lai” chứng kiến thời kỳ trị vì của Chính Đức rồi đặt tên cho nhân vật của mình, để sau đó được Lan Lăng Tiếu Tiếu Sinh đưa vào “Kim Bình Mai” một cách hoàn hảo như vậy.
Dù vậy, luồng quan điểm ủng hộ giả thuyết “Chính Đức là Tây Môn Khánh” vẫn ngày càng chiếm được lòng tin của nhiều người.
Những người tin vào giả thuyết này lý giải rằng, trong “Thủy Hử”, khi Võ Tòng trở về lo tang cho anh mình xong, liền giết chết cả Tây Môn Khánh và Kim Liên lấy đầu tế anh.
Còn trong “Kim Bình Mai”, Tây Môn Khánh vẫn sống “thọ” đến 33 tuổi và chỉ chết bởi thói hoang dâm của mình.
Qua đó, họ cho rằng nhân vật Tây Môn Khánh của “Kim Bình Mai” thực sự là một hình mẫu khác “Thủy Hử”, chỉ có điều, tác giả của bộ tiểu thuyết này đã xây dựng nên cốt truyện cũng như tuyến nhân vật một cách quá tài tình dựa trên “cái khung Thủy Hử” mà thôi.
Theo Tri Thức Trẻ