Trong số những cộng tác viên thân thiết của Sổ tay Võ thuật thập niên 1990 (do nhà báo Phương Tấn làm Chủ biên) có 2 cây bút sinh sống ở Pháp: bác sĩ Nguyễn Quí Jacques và họa sĩ Dufresne Thomas. Là những nhà nghiên cứu võ học phương Đông, bên cạnh những quyển sách phát hành tại Pháp, hai anh đã đóng góp nhiều bài viết có giá trị cho Sổ tay Võ thuật.
1 – Anh Nguyễn Quí Jacques sinh năm 1959 tại Sài Gòn, cùng gia đình sang định cư ở Lyon (Pháp) từ đầu tháng 11-1976. Tốt nghiệp khoa Y, Đại học Paris XII năm 1986, anh Quí Jacques đi quân dịch 10 tháng rồi cộng tác với một số phòng mạch tư… Năm 1992, Quí Jacques mở phòng mạch riêng ở Bonneuil, ngoại ô Paris cho đến nay.
Lúc còn ở quê nhà Sài Gòn, anh Quí Jacques từng học nhiều môn võ như: Vịnh Xuân, Hồng gia, Thất tinh Đường lang cùng 3 người chú họ (năm 1968), Trung Sơn võ đạo của thầy Mai Văn Phát (năm 1973) và năm 1975 thọ giáo Võ lâm của cụ Đoàn Tâm Ảnh với ông Hồng Phong (Văn Ngọc Thạch). Sang đất Pháp, anh học Trần gia Thái cực với thầy Tạ Phương. Năm 1991, anh cùng thầy Trần Chánh Lôi (người Trung Quốc) về tận Trần Gia Câu, huyện Ôn, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) để được luyện tập nơi chánh gốc môn Trần gia Thái cực. Tất nhiên, trong dịp này, anh cũng không bỏ lỡ cơ hội đến tham quan, tìm hiểu Thiếu Lâm tự…
2- Như duyên tiền định, năm 1984, anh Quí Jacques gặp anh Dufresne Thomas – một họa sĩ người Pháp lớn hơn anh 1 tuổi và cũng rất mê võ – khi 2 người cùng học với thầy Tạ Phương. Xuất thân từ một gia đình có truyền thống hội họa, ông cố và ông nội đều là họa sĩ, cha là điêu khắc gia, anh Dufresne cũng đi theo con đường nghệ thuật. Cha của Dufresne từng tập Judo với ông thầy người Nhật Bản là Kawaishi tại Paris nên đã truyền dạy Jujitsu cho anh. Sau đó, Dufresne theo tập võ Trung Quốc với John Liu; học Thái cực quyền, Tra quyền, Thiếu Lâm quyền, cầm nã, binh khí với thầy Trình Giám rồi Trần gia Thái cực với thầy Tạ Phương. Tuy nhiều năm tập võ Trung Quốc, nhưng anh Dufresne không tin những huyền thoại trong võ thuật như khí, thần… mà theo anh đây chỉ là cách nói của người xưa, chứ thật ra đều nằm trong khoa học vật lý. Thomas Dufresne bày tỏ: “Lúc đầu, anh Jacques cùng tôi nghiên cứu về lịch sử võ thuật, qua đó giúp chúng tôi hiểu nhiều hơn về lối phòng thủ lẫn tấn công, đồng thời chúng tôi nhận thấy rằng đòn thế biến đổi theo thời gian và cũng có những nét tương đồng, chẳng hạn như môn đấu kiếm ở châu Âu hồi thế kỷ XV cũng đánh giống như kiếm Trung Hoa”. Theo anh Dufresne, ở đâu cũng vậy, bao giờ cũng có những trường phái xưa như võ Bình Định ở Việt Nam hoặc vật ở Hà Nội. Ngày nay, một số môn võ truyền thống được hiện đại hóa và các môn võ truyền thống xen lẫn hiện đại đã tạo nên một bức tranh đa dạng, nhiều màu sắc trong làng võ thuật.
“Dufresne Thomas có cái nhìn rất thực tế của người châu Âu nên đã giúp tôi xem xét, đối chiếu lại những gì đã học với những tài liệu tìm tòi được, qua đó phát hiện nhiều sự kiện lịch sử võ thuật cần phải đính chính. Năm 1986, chúng tôi bắt tay vào nghiên cứu lịch sử võ thuật, sau đó nghiên cứu lý thuyết chiến đấu và phát lực sử kình của nhiều môn võ, đối chiếu những bài quyền kinh ngày xưa với những lý giải của khoa học hiện đại, v.v.”, anh Quí Jacques góp lời.
Và cũng từ năm 1986 đến nay, ngoài thời gian làm việc ở phòng mạch, anh Quí Jacques đã dành nhiều tâm huyết với các công trình nghiên cứu. Bên cạnh việc gặp gỡ Dufresne mỗi tuần 1 lần để trao đổi, thảo luận, anh còn lặn lội đi xem luyện võ, sưu tập các tài liệu xưa, quý hiếm ở Sơn Đông, Quảng Đông, Phúc Kiến, Bắc Kinh (Trung Quốc), Hong Kong, Đài Loan… Những lần về Việt Nam, anh cũng dành khá nhiều thời gian tiếp xúc với một số lão võ sư tại Hà Nội, TP.HCM, Bình Định… để tìm hiểu về nền võ học Việt Nam.
Sau nhiều năm nghiên cứu, hai anh Nguyễn Quí Jacques và Dufresne Thomas đã xuất bản 2 quyển sách bằng tiếng Pháp: Trần gia Thái cực quyền (1994) và Từ điển võ thuật Trung Quốc (1996). Hai anh cũng hoàn thành bản thảo các quyển: Lý Tiểu Long, Lý thuyết chiến đấu, Phát lực sử kình, Giải thích khoa học về công phá (tiếng Pháp), Võ Việt Nam tại Pháp, Khái quát về lịch sử võ Việt Nam (tiếng Việt, tiếng Pháp) và chuẩn bị biên soạn sách về khí công, cầm nã. Trong Hội thảo khoa học Văn hóa võ đạo Việt Nam do Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) kết hợp với môn phái Nam Huỳnh Đạo (Liên đoàn Võ cổ truyền TP.HCM) tổ chức vào cuối năm 2017, hai anh đã đóng góp vào tập Kỷ yếu 2 bài viết có giá trị: Võ Việt Nam tại Pháp (Nguyễn Quí Jacques) và Vài nét về lực học và chiến lược trong võ thuật (Thomas Dufresne). Và cách nay hơn 1 năm (tháng 11-2020), hai anh lại gửi tặng tôi tập sách viết bằng tiếng Việt, một tào liệu quý do hai anh biên soạn – Nghệ thuật đánh thương và roi.
Qua những lần anh em chúng tôi gặp nhau, các anh có thể “luận võ” suốt cả ngày. Tất cả vì niềm say mê chứ tiền nhuận bút khiêm tốn từ các quyển sách đã xuất bản hoặc những bài viết trên tạp chí ở Pháp hoặc ở Việt Nam chẳng thấm gì so với công sức, tiền bạc và thời gian hai anh đã bỏ ra cho các công trình nghiên cứu.
3 – Trong lần gặp nhau hồi cuối năm 2017 tại TP.HCM, tôi còn có dịp trò chuyện cùng anh bạn trẻ người Pháp Sébastien Halot. Anh sinh năm 1982, kỹ sư tin học và đang làm việc tại Paris. Sébastien đã học Aikido, Aikibudo và 13 năm theo tập Hồng gia. Ba năm gần đây, anh theo tập Trần gia Thái cực cùng anh Nguyễn Quí Jacques. Về võ Việt Nam, Sébastien từng tập bài Bát quái côn khi còn học Hồng gia ở Montpellier. Tuy lần đầu đến Việt Nam, nhưng Sébastien rất ấn tượng trước sự đa dạng của làng võ Việt Nam với “trăm hoa đua nở”.
Sébastien cũng tỏ ra thích thú khi kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm cùng cộng đồng người Việt ở tỉnh Montpellier (miền Nam nước Pháp): “Hồi còn ở Montpellier, tôi có người bạn thân là học trò của thầy Trần Văn Ba Jacques. Thầy Ba là đệ tử ruột của thầy Quách Phước – con trai võ sư Quách Văn Kế (1897-1976), người sáng lập võ phái Lam Sơn võ đạo ở Việt Nam. Vào ngày đầu năm âm lịch (Tết Nguyên đán), dù xa quê hương, người Việt Nam ở vùng này đều nhớ về cội nguồn với lễ cúng tổ tiên và chúc xuân lẫn nhau. Tôi có tham gia chúc tết một lần với anh em ở võ đường thầy Ba Jacques, qua đó giúp tôi hiểu thêm về văn hóa và con người Việt Nam. Thân mật, ấm áp và vui lắm! Nhưng ấn tượng nhất vẫn là hình ảnh đàn anh tận tình hướng dẫn đàn em trong những võ đường Việt Nam”.
Trong mạch trò chuyện đó, Thomas Dufresne cũng cho biết thêm: “Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, quận XIII ở Paris – nơi có đông người Hoa và người Việt sinh sống – cũng rất vui với những gian hàng rực rỡ ánh đèn, thùng thùng tiếng trống múa lân… Trong 3 ngày tết, rất nhiều du khách đổ về đây. Là người am hiểu khu vực này, tôi thường làm hướng dẫn viên đưa họ đi xem những phong tục của người châu Á ở quận XIII…(cười)”.
Thời gian trôi nhanh quá! Mới đó mà đã 4 năm. Còn nhớ lúc tạm biệt nhau, mấy anh em chúng tôi hẹn sớm có ngày tái ngộ để cùng nhau trải nghiệm những ngày hội võ, hội vật đầu xuân ở Việt Nam… Ghi lại những dòng hồi ức này, chúng tôi ước mong sao lời hẹn này sẽ sớm thành hiện thực.
Thiện Tâm