“Hồi ký của một chưởng môn” là một tư liệu vô cùng quý báu. Qua đây chúng ta có thể nhìn thấy rõ hơn chân dung một Đệ nhất Công thần của Vovinam – Việt Võ Đạo. Ông đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp môn phái, một người kế nghiệp xuất sắc của Sáng Tổ Nguyễn Lộc. Ông đã vận dụng và phát huy hiệu quả về tư tưởng Cách mạng Tâm Thân của sáng Tổ. Các thế vật bằng chân, các thế đánh bằng tay được ông tô bồi trở thành một “quyền lực mềm” chinh phục nhiều thành phần trên phạm vi xã hội rộng lớn.” – Chauminhhay’s Blog
Hồi ký của một chưởng môn (Phần III)
Hồi ký của một chưởng môn (Phần II)
Điểm đặc biệt cần ghi nhận là môn phái Vovinam dưới sự lãnh đạo của Sáng Tổ Nguyễn Lộc đã cương quyết không tham gia chính trị, mặc dù đã góp công đào tạo rất nhiều cấp chỉ huy kháng chiến qua các lớp huấn luyện cấp đại đội trưởng, trung đội trưởng dân quân du kích tại Chế Lưu, Ấn Thượng, Thanh Hương, Đan Hà, Đan Phú; các lớp huấn luyện cho bộ đội Nhà Chung, Phát Diệm vào năm 1948 do ông Trần Thiện làm Tổng chỉ huy. Chúng tôi chỉ thuần dạy võ, nơi nào mời thì đến dạy.
Tình hình mặt trận lúc bấy giờ căng thẳng, quân Pháp tiến đánh khắp nơi, trên mạn ngược không còn ổn định nữa nên Sáng Tổ có ý định đưa gia đình về xuôi.
Tuy say mê nghề võ và quyết một lòng theo Sáng Tổ nhưng phải rời bỏ gia đình tôi cũng rất buồn nhớ. Sáng Tổ nặng gánh phải lo cho gia đình, còn tôi, may nhờ mẹ tôi tháo vát xoay sở mua bán lặt vặt để nuôi cả nhà nên tôi mới có thể yên lòng toàn tâm toàn ý theo Sáng Tổ.
Năm 1947 Sáng Tổ đưa cả gia đình về Me Đồi, hễ nơi nào mời thì chúng tôi dạy võ, bù lại được trợ cấp gạo và thực phẩm. Nhân dịp này tôi về Thường Tín thăm gia đình. Sau hơn một năm xa cách, gặp lại tôi ai cũng mừng rỡ, tôi yên lòng khi thấy mẹ tôi đảm đang lo được cho cả nhà tương đối ổn định. Sau đó tôi trở lại Vĩnh Phú với Sáng Tổ và được tin gia đình tôi bị quân Pháp lùa về Hà Nội.
Vào cuối năm 1948, thấy tình hình Hà Nội yên tĩnh nên Sáng Tổ quyết định trở về đây, tất nhiên tôi cũng đi theo. Lúc này đời sống vật chất vô cùng khó khăn, gia đình Sáng Tổ đông người mà lại không quen mua bán làm ăn, hơn nữa chúng tôi mới về cũng chưa ai biết để mời dạy võ.
Thời gian đầu gia đình các anh Bỉnh và anh Bảy giúp đỡ tôi chút ít, sau đó tôi quyết định trở lại nghề làm giày cũ. Lương bấy giờ cao hơn trước đây nhiều, chỉ một năm sau tôi đủ vốn để tách ra tự làm chủ.
Năm 1950 tôi cùng với anh Đặng Bảy hợp tác mở tiệm giày Phi Điệp ở số 14-18 phố Hàng Quạt, thu nhận học trò để phát triển cơ ngơi. Hồi ấy thợ học nghề vẫn còn bị đối xử như đầy tớ không công, nhưng riêng tôi coi họ như anh em, lại nuôi cơm chứ không bắt đóng tiền, đến khi tay nghề khá thì tôi trả lương. Trước đây những người thợ giỏi thường dấu nghề, còn tôi thấy ai làm sai luôn tận tình chỉ dẫn.
Tôi không có trình độ học vấn cao mà cũng không được học về quản lý mà chỉ tự mày mò cách làm. Đặc biệt ngay từ lúc đó tôi đã có phương pháp riêng trong việc tổ chức công việc. Về sau tôi mới biết rằng ngẫu nhiên tôi cũng áp dụng theo như phương pháp Taylor đã có từ lâu lắm rồi. Khi tôi làm một mình năng suất cũng chỉ ngang bằng với một người thợ khác chứ không hơn, nhưng nếu cả hai bên đều có thêm một người thợ phụ thì năng suất bên tôi lại tăng hơn hẳn. Đầu tiên tôi hướng dẫn cho học trò chỉ làm một việc cho đến khi thật thạo, mỗi người làm giỏi một việc, người làm khâu này, người làm khâu kia, chứ không chỉ dẫn lung tung. Đến khi có bốn năm người thợ giúp việc thì công việc của tôi làm rất trôi chảy ăn ý với nhau. Tôi tổ chức công việc hợp lý nên năng suất cao và trả lương cho thợ hậu hĩ. Không bao lâu, tiệm giày của tôi trở thành một trong những tiệm lớn và nổi tiếng nhất tại Hà Nội trong thời kỳ từ năm 1950 đến năm 1954.
Riêng Sáng tổ tiếp tục dạy võ vì ông đã có tiếng tăm, mặc dù dạy võ chẳng được nhiều tiền. Thời gian cùng với Sáng Tổ lên mạn ngược tôi là người dạy chính, nhưng giờ đây tôi tập trung làm ăn hầu có điều kiện lo cho gia đình và phụ giúp kinh tế cho Sáng Tổ để ông yên tâm tiếp tục hoạt động nghề võ. Tôi cùng hai anh Đặng Bỉnh và Đặng Bảy tự ý hỗ trợ Sáng Tổ mà không cho ai biết kể cả gia đình.
Năm 1951, cộng tác với một số nhân sĩ, Sáng Tổ thành lập Việt Nam Võ sĩ đoàn, tổ chức nhiều lớp võ đại chúng tại sân trường Hàng Than, Hà Nội.
Tôi tuy không dạy võ, nhưng mỗi khi có cuộc biểu diễn lớn Sáng Tổ đều cho gọi tôi tham dự vì thầy tin tưởng vào khả năng của tôi. Tôi quen việc điều khiển những buổi biểu diễn, không phải do tài giỏi mà nhờ làm mãi rồi quen. Thầy Lộc luôn luôn nhắc nhở về tôi với môn sinh nên tuy chưa gặp mặt mà học trò mới của thầy đều biết tên tôi.
Một lần có anh Voong Bang Fu, một đại lực sĩ người Trung Hoa sang Hà Nội biểu diễn. Những người tổ chức muốn thu hút quần chúng đến xem nên quảng cáo rầm rộ anh này là vô địch ở Trung Hoa sang đây thách đấu với toàn bộ võ sĩ Việt Nam, lại còn tung tin rằng anh này đã đánh chết nhiều võ sĩ Việt Nam nữa.
Thầy Lộc nghe như vậy cho là lố bịch nên gọi tôi lại bảo thách đấu với anh này, nếu anh ta không nhận lời đấu trên võ đài thì đấu ngay ngoài đường để bảo vệ danh dự người Việt Nam. Lúc đó tôi còn trẻ nên nghe vậy bèn đánh tiếng đòi thách đấu. Cùng lúc đó cũng có một lực sĩ người Việt gốc Hoa học Vovinam khoảng ba năm là anh Phan Dương Bình cũng đứng chung danh sách thách đấu.
Nghe thế Voong Bang Fu hoảng sợ và đến xin Sở Công an Hà Nội bảo vệ cho mình, do đó mà cả anh Bình và tôi cùng bị bắt.
Khi chúng tôi được dẫn lên gặp ông Phó tổng giám đốc Công an tên Phúc, ông này đập bàn quát tháo ầm ỉ. Tôi bèn nói:
– Xin ông nói năng ôn tồn, còn nếu ông đập bàn ghế tôi không trả lời.
Ông này bèn quay sang dọa dẫm Phan Dương Bình:
– Anh có biết việc này quan hệ đến ngoại giao quốc tế hay không? Sao anh dám làm chuyện côn đồ đòi đón đường đánh người ta?
Cậu Bình nói tiếng Việt rất giỏi nhưng e ngại đứng im chưa trả lời thì tôi nói thay:
– Chú này là người Trung Hoa nói tiếng VIệt không được rõ, xin ông cứ hỏi tôi. Việc tôi làm là để bảo vệ danh dự người Việt Nam.
– Danh dự gì?
– Việc tôi làm được rất nhiều người tán đồng, kể cả những người trong Sở Cảnh sát này. Khi tôi mới đến đây, ông Phó tổng giám đốc chưa đến làm việc, mọi người xúm lại hỏi và sau khi nghe tôi nói ai nấy đều tán đồng và thích thú.
– Ai thích thú?
– Tôi không muốn nói ra. Người ta yêu nước, thấy việc tôi làm nhằm bảo vệ danh dự cho dân tộc thì có ý bênh vực tôi, bây giờ tôi nói ra để ông lại bắt người ta thì vô lý quá.
– Anh có biết tôi được quyền giam anh không?
– Vâng, tôi biết, ông có quyền giam tôi, tôi không phản đối, nhưng nếu muốn hỏi chuyện thì tôi xin ông phải nói cho ôn tồn.
Thế là Phan Dương Bình và tôi bị giam, người cai ngục rất tử tế đem trà bánh ra mời chúng tôi, lại còn yêu cầu tôi biểu diễn cho xem, nhưng tôi từ chối. Đến hôm sau thầy Lộc can thiệp nên chúng tôi được thả ra.
Đến năm 1953, tôi giao tiệm giày lại cho anh Bảy – vừa là đồng nghiệp mà cũng là người mà tôi coi như anh em ruột thịt – rồi cùng với anh Bỉnh mở Nhà xuất bản. Trước đây mở tiệm giày không tốn tiền bao nhiêu, còn nay mở nhà in thì đòi hỏi vốn rất lớn, tôi chỉ có ít tiền vậy mà lại làm được, đây là cả một câu chuyện lý thú.
Số là gần nhà tôi ở có một ông tên Phương, ít tuổi hơn bố tôi nên tôi gọi là chú. Chú Phương bị thọt (chân cao chân thấp), sống nhờ vào mẹ vốn là “bà đồng” trông nom hương khói một cái đền. Bà cụ nhiều tuổi nên sắp phải rời khỏi đền, nhường công việc lại cho người khác. Khi mới về Hà Nội, tôi sang chơi nghe chú than thở về việc này và lo lắng không biết những ngày sắp tới mẹ con phải xoay sở ra sao. Chú hỏi tôi có thể giúp chú ít vốn để chú góp phần buôn bán với bạn, hàng tháng lấy lãi nuôi mẹ. Biết được tình cảnh mẹ con chú tôi xúc động nhưng lúc đó chưa có tiền, tôi về nhà gom góp cũng chỉ được 30 đồng bèn đi vay thêm 20 đồng rồi đem qua cho chú. Cầm 50 đồng trên tay chú bàng hoàng cảm động bảo rằng: “anh giúp chú số tiền này, chú rất mừng vì hai lẽ, một là số tiền quá lớn, hai là mừng cho anh, vừa mới về đã giàu quá. Chắc hẳn anh phải có nhiều gấp trăm nghìn lần số tiền này nên mới giúp chú như vậy chứ”.
Tôi đính chính thế nào chú cũng không tin. Tôi không hề nghĩ ngợi gì, chỉ vì xúc động trước hoàn cảnh của chú mà giúp đỡ, lại còn phải vay thêm tiền của bạn. Thế mà sau sự việc này tôi mang tiếng là giàu nhất vùng Yên Viên.
Quan niệm của tôi từ trước đến nay là nếu có thể giúp ai được gì thì làm và không bao giờ nghĩ việc đó sẽ mang lợi lộc gì cho mình hay không: đó cũng là điều mà sau này tôi luôn nhắc nhở các môn sinh. Tôi có nhiều bạn bè và luôn đối xử với họ hết lòng, có thể giúp đỡ được việc gì thì làm ngay không chờ đợi một sự đáp trả nào, nếu đó là người tốt và có ý chí. Tính cách này do tôi thừa hưởng từ sự giáo dục của gia đình. Bố tôi tuy nghèo nhưng luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người. (Tôi còn nhớ, có lần người bà con nghèo phía bên họ ngoại bị lao phổi, từ Hưng yên ra Hà Nội chữa bệnh, đến tá túc nhà nào người ta cũng sợ, ngay cả chị em ruột cũng không muốn chứa chấp. Thế là bố tôi đón về nhà, ông cụ bảo rằng nhà vốn ít người, ai cũng khỏe mạnh cả, chỉ cần giữ gìn, ăn bát đĩa riêng, mà người bệnh cũng đã tự giữ mình không phải lo).
Tôi ít dạy võ nhưng vì được thầy thương, lại thêm một vài việc làm vô tình khiến tôi nổi tiếng, do đó cũng có nhiều người ganh tị. Tôi có một vài người bạn trong giới làm báo, có lần anh Nguyễn Cống, Tổng thư ký tờ báo Thời Luận phát hiện ra một bài viết ác ý phê bình tôi trên trang thể thao là trang mà bài vở đưa muộn nhất, anh ra lệnh bỏ bài đó nên phải in lại toàn bộ. Từ việc đó mà chúng tôi thân nhau. Tôi cũng viết bài, làm thơ, đăng trên các báo Giang Sơn và Tia Sáng. Một người làm báo khác thân thiết với tôi là anh Nguyễn Thạch Kiên vốn là anh em họ của tôi. Từ mối quan hệ này mà anh Bỉnh và tôi nảy ra ý định mở một nhà xuất bản.
Thời gian này tôi đang kiêm nhiệm chức vụ thủ quỹ trong làng, vì làng tôi có nhiều nhà cho thuê nên trong làng bầu ra Ban quản trị gồm những người trẻ để lo việc quản lý. Chức vụ chủ tịch, phó chủ tịch hay thư ký không quan trọng, riêng thủ quỹ phải là người tin cậy và nhất là phải khá giả. Do mọi người đinh ninh rằng tôi rất giàu nên nhất trí bầu tôi làm thủ quỹ giữ một số tiền rất lớn. Người kiểm soát có một chìa khóa riêng và được quyền kiểm soát bất cứ lúc nào, nhưng ông tuyệt đối tin cậy tôi nên không kiểm soát, hoặc nếu cần luôn báo cho tôi biết trước. Do đó tôi có thể sử dụng tiền quỹ để góp vốn mở nhà in.
Anh Bỉnh góp vốn hai phần, tôi góp một phần vốn luân chuyển lập ra Nhà xuất bản Nguồn Sống do tôi đứng tên. Chúng tôi làm cả hai phần việc in và xuất bản sách báo trong nước. Tôi mua ba máy in của Đức, lãnh in sách báo, danh thiếp, xuất bản loạt sách truyện thiếu nhi lấy tên “Vui sống”. Công việc làm ăn phát triển tốt đẹp, nhưng chỉ mới hoạt động được sáu tháng thì ngưng vì năm 1954 tôi theo Sáng Tổ vào miền Nam. Tôi giao Nhà xuất bản lại cho anh Bỉnh nhưng anh không biết nghề nên đề nghị gởi toàn bộ máy móc vào Nam cho tôi. Tôi từ chối vì việc này quá phức tạp. Nhà xuất bản do tôi đứng tên, khi đi tôi không để lại giấy tờ gì, thế nhưng anh Bỉnh vẫn xoay sở bán được và chia tiền cho em kế tôi ở lại miền Bắc là cô Xuất. Em tôi rất cảm động trước nghĩa cử này của anh Bỉnh.
_Hết phần IV_
Còn tiếp…
Theo Chauminhhayblog