Hiếm có vị võ sư nào trong lịch sử vừa thông thạo Đông Tây kim cổ, lại thanh sắc toàn tài như Hồng Long.Đến nỗi, tuy thanh niên tráng kiện, oai phong dũng mãnh nhưng giới võ học Sài Gòn vẫn quen gọi Hồng Long là “người đẹp Gò Công”.
Thầy của những “võ sĩ bất bại”
Về xứ võ Gò Công, hỏi các bậc cao niên, hay các môn sinh nhà võ về Hồng Long thì không ai là không biết. Bởi Hồng Long chính là người có công rất lớn trong việc “phát dương quang đại” hệ phái võ Kinh xứ Gò Công.
Hồng Long, tên thật là Phạm Văn Thời, thường gọi là Bảy Thời, con trai của võ sư Phạm Văn Chí, người sáng lập ra võ đường Triệu Tử Long. Ông được đi học ở Sài Gòn và có quãng thời gian dài làm việc, sinh sống tại nơi đây.
Năm 1972, võ sư Phạm Văn Chí không may bị một tai nạn nghiêm trọng và mất bất đắc kỳ tử. Nghe tin cha, Bảy Thời lập tức khăn gói về Tiền Giang. Võ sư Phạm Văn Chí mất lúc 61 tuổi, tuy tuổi cao nhưng ông vẫn còn tinh tường, cường tráng như lúc trung niên, do vậy, sự ra đi của tổ sư võ đường Triệu Tử Long khiến giới võ học bấy giờ không khỏi bàng hoàng.
Thể theo tâm nguyện của người cha quá cố, ông từ bỏ công việc ở Sài Gòn về tiếp quản võ đường Triệu Tử Long. Cái tên hiệu Hồng Long thuở xưa do cha ban đặt, bấy giờ mới vang danh.
Sau giải phóng, võ đường Triệu Tử Long do Hồng Long tiếp quản vẫn liên tục phát triển, mang tầm ảnh hưởng không nhỏ đối với nền võ thuật miền Tây Nam bộ.
Ông đã từng dùng tài thương thảo, thuyết phục được Tổng cục võ thuật cho môn sinh của mình được thi đấu với võ sĩ nước ngoài, nhằm đưa tên tuổi võ thuật cổ truyền Việt Nam vươn ra tầm quốc tế. Và cũng nhờ Hồng Long mà Việt Nam rạng danh với cái tên Trần Bình Long, người đã đánh bại Lý Diệu Quang, môn đồ của Lý Tiểu Long.
Thanh sắc toàn tài
Thuở ấy, Hồng Long rất hiếm khi thượng đài, nhưng một khi ông đã lên sới võ thì thể nào cũng có các cô gái chen chúc lấy vé đi xem. Thời xưa thường vậy, nơi sới võ dường như chỉ có cánh đàn ông quan tâm, nhưng khi có Hồng Long lại khác, “nhan sắc” của ông đã khiến không ít cô gái cũng tập tành đến khán đài hay vào võ đường luyện tập.
Thầy giáo Nguyễn Văn Chính, giáo viên Trường THPT Bình Long, huyện Gò Công Tây, người từng là môn đồ của Hồng Long tâm đắc kể lại: “Thầy Hồng Long lạ lắm, tuy ngày đêm luyện võ nhưng sắc vóc, cốt cách của thầy lại không hề “gân guốc” như những võ sĩ khác. Đã vậy, thầy lại còn viết chữ rất đẹp, nhiều sư huynh đệ của tôi vẫn còn lưu giữ “bút tích” của thầy đã tặng”.
Theo lời Trần Bình Long kể lại, ngoài tướng mạo hơn người, Hồng Long còn có cách nói chuyện hết sức thông minh sắc sảo. Ông luôn có cái nhìn sang suốt và thấu đáo sự việc một cách vẹn toàn
Nhưng trớ trêu thay, người tài hoa lại thường bạc phận. Năm 2001, trong một lần chơi tenis, không may, võ sư Hồng Long bị đột quỵ. Cơn tai biến bất ngờ khiến ông không thể đi lại, đến nói năng cũng khó, nhưng trí tuệ của ông vẫn mẫn tiệp, sáng suốt.
Kể từ đó, ông quyết định “đóng cửa” với cuộc đời. Chúng tôi được Trần Bình Long thịnh tình, đưa đến nhà của võ sư Hồng Long nằm cạnh khu Ao Trường Đua, Gò Công, Tiền Giang. Tuy nhiên, người nhà của Hồng Long chỉ biết lắc đầu buồn bã, vì ông cương quyết không gặp ai, kể cả người học trò cưng của mình…
Vothuat.info (sưu tầm)