Kì 1: Sự ra đời của những chiến binh huyền thoại
Từ Samurai khi nghe chúng ta đều sẽ nghĩ ngay đến những kiếm sĩ huyền thoại của xứ sở mặt trời mọc nhưng thực ra từ Samurai có đến hai nghĩa. Theo nghĩa thứ nhất, samurai là một bộ phận của tầng lớp võ sĩ Nhật Bản, là thuộc hạ của các shogun, daimyo, và đứng trên một số bộ phận võ sĩ khác. Theo nghĩa thứ hai và được sử dụng phổ biến trên thế giới ngoài Nhật Bản, samurai chính là tầng lớp võ sĩ của Nhật Bản, tức là bao gồm cả cả shogun và daimyo.
Các nhà sử học tin rằng hình ảnh chiến binh Samurai nguyên bản bắt nguồn từ các kỵ binh, bộ binh và cung binh ở Nhật vào thế kỷ thứ 6. Sau những thất bại quân sự trước liên minh Đại Đường và Tân La, Nhật Bản phải thực thi hàng loạt các cuộc cải cách có tính chất và quy mô rộng rãi. Một trong các cuộc cải cách quan trọng là cuộc cải cách Taika của Thiên hoàng Thiên Trí vào năm 646. Cuộc cải cách này đã đưa văn hóa tập tục của người Trung Quốc vào tầng lớp quý tộc Nhật và áp dụng chế độ chính quyền của Trung Quốc vào bộ máy quan liêu của Nhật. Một điều khoản trong bộ luật Yōrō và sau đó là bộ luật Taihō vào năm 702 yêu cầu dân chúng phải đều đặn đi tường trình nhằm phục vụ cho việc điều tra dân số. Đây là điềm báo trước sẽ diễn ra một cuộc cưỡng bách tòng quân trên khắp đất nước. Thiên hoàng Mommu đã ban hành một điều luật mà theo đó, cứ 3-4 đàn ông trưởng thành thì có 1 người bị sung vào quân đội quốc gia. Quân đội yêu cầu mỗi người lính tự chế tạo hay mua lấy vũ khí cho riêng họ, nhưng bù lại họ sẽ được miễn thuế và trách nhiệm công dân.
Đầu thời Heian cuối thế kỷ thứ 8 và đầu thế kỷ thứ 9, với tham vọng bành trướng lãnh thổ về phía Bắc Honshū để củng cố quyền lực, Thiên hoàng Kammu đã cho quân đến đàn áp phiến quân Emishi nhưng đội quân của ông thất thủ do thiếu kỷ luật và ý chí chiến đấu. Vì vậy, Thiên hoàng Kammu bắt đầu dựa dẫm vào các thế lực địa phương và chiêu dụ họ, phong cho chức Seiitaishogun Chinh di Đại tướng quân hay gọi tắt là shogun (tướng quân). Với đội quân tinh thông về cưỡi ngựa và bắn cung, các thế lực này trở thành công cụ đắc lực để đàn áp quân nổi loạn cho Thiên hoàng. Dù các võ sĩ này ít nhiều đều được học hành nhưng lúc bấy giờ (thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 9) trong mắt triều đình Thiên hoàng họ chỉ là những võ phu thô lỗ thất học không hơn không kém.
Cứ như vậy, cuối cùng, Thiên hoàng Kammu đã giải tán quân đội triều đình, từ đó thế lực của Thiên hoàng từng bước một suy sụp. Trong khi Thiên hoàng vẫn còn cai trị, các thị tộc ở Kyoto đã nắm trong tay một số chức vụ quan trọng như bộ trưởng, còn những người thân của họ dùng tiền mua lấy các chức quan trong tòa án. Để vơ vét của cải làm giàu và trả nợ cho mình, các quan tòa này thường xuyên đánh thuế nặng nề, khiến cho nhiều nhà nông mất hết ruộng đất. Trước sự đe dọa của nạn trộm cướp ngày càng tăng, các thị tộc bắt đầu tuyển mộ những người tha hương trên vùng đồng bằng Kanto, huấn luyện họ kỹ càng về võ thuật và đào tạo họ trở thành đội ngũ lính canh rất thiện chiến. Một số người có nhiệm vụ hộ tống các quan thu thuế, và chỉ sự hiện diện của họ thôi cũng đủ cho vị quan thu thuế này an toàn trước bọn trộm cướp. Họ được gọi là những “Samurai”, hay những thị vệ có vũ trang, nhưng lực lượng đầy tớ này nhanh chóng trở thành một thế lực vũ trang độc quyền. Thông qua những hợp đồng bảo vệ và các cuộc hôn nhân vì mục đích chính trị, họ dần dần giành được thế lực trong giới chính trị, và cuối cùng còn qua mặt cả giai cấp quý tộc truyền thống.
Một số thị tộc ban đầu chỉ là những nông dân. Họ đã cầm vũ khí vùng lên để bảo vệ chính mình và chống lại các quan do chính quyền phong kiến cử đến cai quản nơi họ sống và thực hiện chế độ thu thuế nặng nề. Những thị tộc này đã liên minh để có thể bảo vệ nhau trước các thị tộc khác có thế lực hơn. Giữa thời Heian, họ răm rắp tổ chức và vũ trang giống như quân đội Nhật Bản và ban hành luật lệ riêng cho họ, gọi là Bushido.
Sau thế kỷ 11, người ta kính trọng các samurai là người có học thức, giáo dục và “văn võ song toàn” , hay “bút và kiếm là một”. Tên gọi ban đầu của các chiến binh là “Uruwashii”, một chữ kanji bao gồm ý nghĩa “văn chương” và “nghệ thuật quân sự”, được nhắc đến trong Heike Monogatari (cuối thế kỷ 12). Heike Monogatari kể về cái chết của Taira no Tadanori, vị kiếm khách và nhà thơ kiệt xuất trong truyền thuyết như thế này: “Dù là bạn hay kẻ thù, ai cũng phải nhỏ lệ nơi tay áo tiếc thương cho ông mà thốt lên rằng, ‘Tiếc thay! Tadanori là một vị tướng vĩ đại, tinh thông cả kiếm thuật và văn thơ, có thể nói là văn võ song toàn’.”
Theo William Scott Wilson trong quyển Lý tưởng của Samurai: “Mỗi người lính trong tác phẩm Heike Monogatari đều là chân dung tiêu biểu của các chiến binh có học thức của thế hệ sau nay, và hình tượng lý tưởng của họ không phải là quá xa để vươn tới. Vì vậy, đây là cái đích mà các chiến binh cấp cao trong xã hội luôn đeo đuổi và được xem là hình ảnh đặc trưng của tầng lớp quân nhân Nhật Bản. Với Heike Monogatari, hình ảnh người chiến binh Nhật Bản trong văn học đã được phát triển đến mức hoàn thiện.
Sau này Wilson đã sưu tầm được các tài liệu của nhiều chiến binh, trong đó nhắc đến Heike Monogatari như là một tấm gương cho đời sau noi theo.
Còn tiếp…
Thiện Tâm (tổng hợp)