Iaido – kỹ thuật rút kiếm và xuất chiêu cùng trong một chuỗi động tác (kì 2)

Môn Iaido (thường được gọi tắt là Iai) là một tập hợp những kỹ thuật chiến đấu về kiếm dài Nhật Bản nhằm huấn luyện rút kiếm và xuất chiêu cùng trong một chuỗi động tác.

Iaido – kỹ thuật rút kiếm và xuất chiêu cùng trong một chuỗi động tác (kì 1)

Koryu

Dù là lịch sử chính thức của Iaido thường đề cập đến hệ phái Musoshinden-ryu, ngày nay vẫn còn rất nhiều cựu phái. Phần đông chỉ quy tụ vài trăm kiếm đạo sinh trong khi những hệ phái được nhiều người biết đến như Musoshinden-ryu, Eishin-ryu, Tamiya-ryu quy tụ hầu hết số lượng kiếm đạo sinh và tương đối có một hệ thống tổ chức khá đầy đủ (huấn luyện, tu nghiệp võ sư, tài liệu, cả đến băng video nữa). Đa số các Cựu Phái có khoảng vài chục bài quyền chia thành 3 nhóm mà sự khó khăn luyện tập tiến dần từ thấp lên cao :

– Shoden cho cấp nhập môn,

– Chuden cho cấp trung đẳng,

– Okuden cho cấp cao đẳng.

Tuy nhiên cũng nên hiểu rõ thế nào là sự khó khăn. Vì thật ra kỹ thuật của mỗi bài quyền tự nó thường không có gì là rắc rối cho lắm, nhưng cái khó là ở cách diễn quyền (sự chính xác, sự trung thực của chuỗi động tác, tập trung tinh thần, vv…)

Tập luyện Iaido

Võ phục của Iaido gồm 1 cái áo trắng hoặc xanh dương đậm và một cái quần ống rộng gọi là hakama, màu đen, xanh dương đậm hoặc trắng. Một sợi đai bản rộng và mềm (obi) được thắt ở eo lưng dưới cái hakama, và kiếm đạo sinh sẽ nhét thanh kiếm vào cái đai này.

Iaido_Francine-Schaepper-WEB

Trong những buổi biểu diễn (Enbu), tranh giải (Shiai), hay các buổi họp quan trọng, các võ sư cao đẳng (thông thường từ lục đẳng trở lên) vận y phục cổ truyền (Montsuki-Hakama) gợi lại hình ảnh các võ sĩ thời quá khứ. Trên ngực áo thường có thêu huy hiệu của gia tộc (mon). Về phương diện thể lực, môn Iaido không cần một khả năng đặc biệt nào và bất cứ tuổi nào cũng có thể tập luyện được. Phụ nữ và trẻ em vẫn thường tập luyện môn này. Sự tập luyện sẽ gìn giữ cơ bắp và phát triển sự phối hợp thể chất. Môn Iaido, cũng như nhiều môn võ thuật khác của Nhật Bản, cũng có phương diện tinh thần và triết lý mà các kiếm đạo sinh có thể tìm hiểu thêm.

Nghi lễ

Hơn hẵn những môn võ thuật khác, nghi lễ của Iaido rất là chọn lọc, tỉ mỉ, mang rất nhiều điểm tôn kính (đối với thanh kiếm, đạo đường, vv…)

Đối với người võ sĩ, thanh kiếm có một uy lực đáng sợ. Đó là một vũ khí rất nguy hiểm có thể giết người và người võ sĩ phó thác sinh mạng mình cho nó. Cho nên ta không lấy làm ngạc nhiên khi thấy các cung cách trang nghiêm khi sử dụng thanh kiếm.

3528137898_10ef1d9b1b_b

Những dấu hiệu tôn kính kia là một phần cố hữu của nền văn hóa cổ truyền Nhật Bản. Một phần cũng tự từ thanh kiếm. Trong chiến trận, việc sử dụng kiếm có thể đưa đến một sự bạo tàn tột bực. Nghi lễ là một phương tiện để trở về với nhân tính.

Chắc hẵn là vì lý do đó cho nên những buổi huấn luyện võ thuật Nhật Bản, nhất là Kendo và Iaido luôn bắt đầu và kết thúc bằng những cái chào. Cuối cùng lưỡi kiếm sắc bén của thanh katana rất dễ gây thương tích khi sử dụng không đúng cách. Cho nên nghi lễ cũng là một cách để áp dụng tự động một số quy tắc an ninh.

Cấp bậc, chức vị

Khi xưa các Cựu Phái cấp cho môn sinh một chứng chỉ khả năng (Menkyo). Ngày nay hai hệ thống đồng nhất với Kiếm Đạo được áp dụng song hành :

– Một là hệ thống cấp bậc chia thành Kyu (cấp) (từ 10 đến 1) và sau đó thành Dan (đẳng) (từ 1 đến 8) để chứng nhận trình độ kỹ thuật của thí sinh. Một thời gian tối thiểu được quy định giữa 2 kỳ thi, cho nên phải cần hơn 20 năm luyện tập để đạt đến thất đẳng. Trong một buổi thi tiêu biểu, các thí sinh (thường là nhóm 4 người) trình bày 5 bài quyền (3 bài thuộc hệ phái Seitai-Iai, 2 bài thuộc Cựu Phái).

– Hai là hệ thống chức vị để phân định khả năng giáo huấn, hiểu biết lý thuyết và khả năng trọng tài. Có 3 chức vị từ thấp lên cao Renshi, Kyoshi và Hanshi. Mỗi năm có 2 kỳ thi được tổ chức tại Nhật Bản.

Kiếm để tập Iaido

Iaidovyuka2

Một trong những lợi ích lớn khi tập Iaido là việc sử dụng kiếm (katana) thật. Tuy nhiên, món vũ khí này rất đắc tiền (những thanh kiếm xưa được xem như là một công trình nghệ thuật hơn là vũ khí) nên những kiếm đạo sinh từ lúc nhập môn cho đến ngũ đẳng có thể dùng một thanh kiếm “giả” (Iaito hay Mogi-to). (đúng ra đó là một thanh kiếm được chế tạo y như thanh kiếm thật, nhưng lưỡi kiếm không có và không thể mài bén mà thôi)

Như vậy kiếm đạo sinh có thể tập luyện mà không bị nguy hiểm cho bản thân cũng như tạo nguy hiểm cho đồng bạn.

Trí Minh  (tổng hợp)