Trong nghệ thuật quân sự, lý luận về ít thấy nhiều, yếu thắng mạnh… đã được chứng minh nhiều hơn một lần, ngay ở Việt Nam, và trong binh pháp cổ đã bàn nhiều.
Một đội quân lớn về trang bị và quân số vẫn có thể bị đánh bại trước đối phương “không đáng kể” trong nhiều tình huống: bị khiêu khích điệu hổ ly sơn di chuyển ra khỏi khu vực thuận lợi, bị nội gián phá hoại ngầm và hoạt động tình báo, tập kích bất ngờ với những mốc thời gian chết thuộc về bí mật tuyệt đối…
Truyện cổ cũng nói đến vấn đề này khá thú vị: kiến chui vào tai voi, rùa thắng thỏ trong cuộc đua bất cân xứng kiểu “mạnh dùng sức, yếu dùng thế”. Những ai mê môn thể thao vua chắc nhó rất lâu những trận đấu có kết cục bất ngờ khi đội “dưới cơ” thắng ngoạn mục “đàn anh” do vô số lý do sau đấy được người ta phân tích: thời tiết khí hậu thuận, phong độ, yếu tố khán giả… Cho nên sự tương đối trong tương quan mạnh – yếu là rõ ràng, không thể bỏ qua.
Con người, dù là ai đi nữa, vẫn có những điểm tương đồng cơ bản về tâm sinh lý. Một nhân vật lão luyện trong võ thuật vẫn là thân phận con người mà thôi, anh ấy vẫn túi bụi trong cuộc sông cơm áo gạo tiền, bị chi phối bởi tham sân si và thất tình lục dục (đấy là không đề cập đến những minh sư đắc đạo). Trong những cảnh huống nhất định, con người ấy có thể rất yếu ớt, nếu xây dựng biểu đồ mô tả sức mạnh của con người ấy một cách khoa học sẽ rất thú vị và cần thiết, đấy sẽ là đường “động” dịch chuyển với những mốc điểm có khi rất chênh nhau. Mọi cuộc đối đầu đều khác nhau cho là cùng với một đối thủ và điều đấy nói lên ý gì? Rằng ta phải có niềm tin về chiến thắng, không phải hôm nay thì ngày mai, đối phương không và không bao giờ là bất khả chiến bại.
Lợi thế tương đối, được hiểu là: tình huống khiến bên vốn được coi là yếu hơn lại mạnh hơn, một sức mạnh tại chỗ và duy trì trong thời gian ngắn giúp bên “yếu” xuất hiện khả năng áp đảo đối phương vốn được coi là mạnh hơn nhiều. Có nhiều ví dụ lắm: đối phương (mạnh) vừa bại trận, tâm lý xuống thấp và thể trạng kém; khung cảnh, môi trường của cuộc đối đầu không thuận với đối phương; “ta” đang ở phong độ tốt nhất… Tất cả tạo nên một lợi thế, sức mạnh tương đối thay đối tương quan khiến “ta” hoàn toàn đủ khả năng “giải quyết” đối thủ tại chỗ ấy nơi ấy và trong thời gian ấy (và chỉ trong khoảng ấy thôi) giành một chiến thắng khiến người ngoài cuộc khó tin.
Sự hiểu về sức mạnh- lợi thế tương đối cần cho cả hai: bên mạnh (để cảnh giác) và bên yếu (khai thác). Song khía cạnh đạo dức nhắc nhở chúng ta khu biệt lợi thế tương đối trong giới hạn nhất định, lợi thế ấy không được hiểu đúng khi lợi dụng dối phương gặp hoạn nạn, ốm đau hay những cảnh huống nhân đạo khác để ra đòn kiểu “giết người dưới ngựa” trái đạo lý. “Giải quyết” đối phương theo cách ấy là hành xử giang hồ của những người có võ mà không có đạo, đáng bị lên án và tránh xa.
Lại mạo muội lạm bàn..
Nguyễn Thành Công