Trên thế giới này, vũ khí quân sự để phục vụ chiến tranh của các quốc gia, dân tộc đều có những bản sắc rất riêng. Bản sắc đặc trưng đó hình thành và phát triển từ lý thuyết (philosophy) và chiến lược (strategy) quân sự của từng quốc gia, dân tộc trong từng thời kỳ khác nhau.
> Xem cung thủ treo thân bắn 3 mũi tên trong 1 giây
Ngay từ hàng ngàn năm trước, công cuộc dựng nước của dân tộc Việt Nam luôn gắn liền với quá trình giữ nước. Trải qua bao thế kỷ chống ngoại xâm, người Việt Nam đã sớm biết chế tạo, sử dụng và phát triển vũ khí để chống các thế lực thù địch cướp nước và bán nước. Từ đó hình thành một bản sắc đặc thù của vũ khí Việt Nam, với đầy những nét riêng phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam. Những vũ khí có những đặc sắc riêng thì Việt Nam có nhiều, nhưng trong đó cũng có ít vũ khí thật sự “không giống ai”, không ai có hoặc rất hiếm ai có. Bài viết này xin giới thiệu 5 loại vũ khí “không giống ai” này. Góp phần vào công cuộc truyền tải cảm hứng và thông tin về lịch sử nước nhà.
Từ “huyền thoại” đến “thực tiễn”
Nỏ thần là gọi là theo huyền thoại dân gian. Các nhà khảo cổ, khoa học, sử học gọi vũ khí này là “nỏ liên châu”. Một số học giả, nhà nghiên cứu còn gọi là “nỏ liễu” hoặc “nỏ liễn”, họ cho rằng đó chính là cách gọi thời xưa của dân ta dựa trên một số tài liệu, tư liệu, thư tịch cổ.
Ví dụ như sách Việt Sử Lược thời Trần ghi rằng Cao Lỗ đã làm được “nỏ liễu”, mỗi lần giương nỏ bắn ra được mười phát tên, và mỗi lần giương nỏ ra thì quân giặc sợ khiếp vía. Hay thế phả họ Cao ở Nghệ An ghi rằng thủy tổ của họ chính là Cao Lỗ, gốc Ngòi Sảo, Bắc Ninh, đã chế tạo ra “nỏ liễn”.
Theo góc nhìn kỹ thuật quân sự thì nó chính là một loại nỏ cơ giới, nỏ máy sơ khai, có thể bắn được nhiều mũi tên cùng lúc. Để tạo ra được hiệu quả đó, Lạc hầu (không phải Lạc tướng) Cao Lỗ đã dùng kỹ thuật chế ra lẫy nỏ có chốt giữ liên hoàn. Để một lúc bật lẫy nỏ cho nhiều mũi tên cùng bay ra, các nhà nghiên cứu hiện đại đã suy ra Cao Lỗ đã làm rộng thân nỏ, xẻ chéo nhiều rãnh, đặt những mũi tên chụm lại để khi bật lẫy, mũi tên theo rãnh bay đi.
Nỏ máy này được Cao Lỗ chế tạo dưới thời Âu Lạc và triều đình Thục An Dương Vương, vua đặt tên là Linh Quang Kim Trảo Thần Nỏ. Trong thời kỳ khoa học công nghệ kỹ thuật còn chưa phát triển, Linh Quang Kim Trảo Thần Nỏ của người Việt cổ được nhiều chuyên gia đánh giá là “cỗ súng máy hiện đại”. Các Lạc tướng Âu Lạc đã huấn luyện hàng vạn binh sĩ ngày đêm tập bắn nỏ. Vua An Dương thường xem tập bắn trên “Ngự xa đài”, dấu vết này nay vẫn còn (góc đông bắc ngoài thành nội).
Lẫy nỏ
Bên cạnh phát hiện lẫy nỏ, hàng vạn mũi tên đồng cũng đã đào được ở Cầu Vực, sát chân thành ngoại Cổ Loa. Kho mũi tên đồng với hàng vạn chiếc, trọng lượng gần 110 kg. Đây là loại mũi tên ba cạnh, ba cánh đều nhau, có trụ thân, có chuôi, có họng tra cán và kích thước lớn, được chế tạo hoàn hảo, sắc nhọn. Mỗi mũi tên còn được cắm thêm chuôi bằng tre dài khoảng 1m, làm cân đối trọng lượng để tên bay xa và khả năng sát thương lớn. Tên ba cạnh là loại tên rất đặc thù Việt cổ, có tác dụng làm địch mau tóe ra máu, gây cho chúng bị hoảng loạn tinh thần dễ đi đến vỡ trận. Khác với các mũi tên Trung Hoa chỉ có hai cạnh.
Có chiếc lẫy nỏ được phát hiện gồm nhiều bộ phận như hộp cò, lẫy cò, hai chốt và thước ngắm. Gần đây, nhóm nghiên cứu của Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam và Trung tâm nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á cùng với các nghệ nhân ở Hòa Bình đã phục dựng thành công mô hình chiếc nỏ Cao Lỗ sáng chế, tuy có lẽ chưa được hoàn chỉnh như nỏ thần bản gốc.
PGS Lê Đình Sỹ, nguyên Viện phó Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam đã cho biết: “Điều quan trọng nhất để tạo nên sức thần của nỏ liên châu là Cao Lỗ đã biết kỹ thuật chế ra những chiếc lẫy nỏ có chốt giữ liên hoàn để một lần bóp cò bắn ra nhiều mũi tên có sức xuyên tốt, vừa giết giặc vừa làm chúng khiếp sợ, đội ngũ rối loạn, tan rã. Đó là điều kỳ diệu bí mật của thứ binh khí thần diệu này.”
Trong hội thảo khoa học “Danh tướng Cao Lỗ thời dựng nước”, với tham luận “Danh tướng Cao Lỗ với việc chế tạo, sử dụng vũ khí cung nỏ thời An Dương Vương”, do Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, UBND tỉnh Bắc Ninh và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức, chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tóm lược: Cao Lỗ Vương là danh tướng đã giúp vua Thục Phán An Dương Vương dựng nên nhà nước Âu Lạc, hiến kế dời đô xuống đồng bằng và giúp vua xây dựng thành Cổ Loa, chế nỏ liên châu một lần bắn ra nhiều mũi tên. Đây được xem là nỏ thần, thứ vũ khí thần dũng, vô địch để giữ nước với lời nói được truyền tụng “giữ được nỏ thần sẽ giữ được thiên hạ, mất nỏ thần sẽ mất cả thiên hạ”. Cao Lỗ có tầm nhìn xa, tỉnh táo và đầy cảnh giác, đầy bản lĩnh để can ngăn nhà vua không sa vào quỷ kế của kẻ thù, dù rằng vì điều đó mà bị vua xa lánh. Nhưng khi đất nước bị xâm lược, Tổ quốc lâm nguy, Người lại ra phò vua, cứu nước, tử tiết để lại danh thơm muôn thuở cho hậu thế.
Chủ tịch nước nói và khẳng định, danh tướng Cao Lỗ là một vị tướng, biểu tượng của bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam trong thời đầu giữ nước, được nhân dân sùng kính, thờ phụng ở nhiều nơi trong suốt hàng nghìn năm lịch sử.
Số phận của “Nỏ thần”
Tác dụng của nỏ liên châu thực chất là để bù đắp cho quân đội sự thiếu hụt về số lượng chiến binh (xạ thủ) và vũ khí (cung nỏ). Nó còn có tác dụng gây hoang mang tinh thần cho những tên lính địch yếu bóng vía khi lần đầu tiên thấy loại vũ khí mới lạ này. Thời cổ đại ta dùng nó được. Nhưng đến thời trung đại trở đi thì loại nỏ này không cần thiết nữa và cũng không phát huy tác dụng nhiều nữa. Bởi vì đến thời trung đại dân số và quân số Đại Việt ngày càng đông hơn. Một nhóm xạ thủ vài chục người mỗi người dùng 1 chiếc nỏ thường vẫn bắn tốt, nếu không nói là tốt hơn, bắn chính xác hơn, và có tính linh hoạt cao hơn, tận dụng được năng lực quân sĩ tốt hơn là sử dụng nỏ liên châu. Lại đỡ tốn kém hơn, giá thành chế tạo một chiếc nỏ liên châu đắt hơn nhiều so với nỏ thường. Nó liên châu còn nặng hơn, khó sử dụng hơn, phải chuẩn bị tốn thời gian hơn và nạp tên lâu hơn nỏ thường. Người dùng nỏ thường dễ huấn luyện hơn người dùng nỏ liên châu.
Hỏa tiễn
Tương truyền thời nhà Lý người ta có thử phục dựng và dùng lại nỏ liên châu trong một số thời điểm khi đánh dẹp trong nước, có kết hợp với mũi tên có kèm theo thuốc nổ làm từ lưu quỳnh và các hóa chất khác, gọi là “hỏa tiễn” (tên lửa) hoặc “lôi tiễn” (mũi tên sấm sét). Đó là một loại mũi tên đặc biệt, được sử dụng khá sớm ở Đại Việt, được cho là có từ thời Lý. Đây là một mũi tên bằng sắt có kích thước lớn hơn mũi tên thông thường, có gắn ống đựng thuốc súng. Hỏa tiễn được đặt trong ống phóng, khi khai hỏa đốt đầu ngòi thì thuốc lửa cùng tên sắt sẽ phóng đi với tốc độ cao và tầm bắn lớn. Mức độ sát thương là rất mạnh.
Nhưng nỏ liên châu đến thời đó chỉ còn mang tính biểu diễn, dọa địch chứ không còn hiệu quả thực chiến cao. Không còn nhiều chỗ dùng cho nó và nó thất truyền dần. Nhất là khi dân trí cao hơn theo thời gian và rút kinh nghiệm, thì binh sĩ các phe không còn bị hù dọa bởi các loại vũ khí trông hoành tráng này nữa, mà vẫn bình tĩnh ứng chiến.
Còn tiếp…
Nguồn: Blog Thiếu Long