Khinh công lừng danh của Thiếu Lâm Tự từ đâu mà ra?

khinh công là môn công phu tối cao trong khí công – võ thuật Trung Hoa cổ đại, được gọi là “khinh thân” hay “khinh cử”. Đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất để tạo nên sự kỳ bí, hấp dẫn của những bộ phim hay tiểu thuyết kiếm hiệp. 

Khi các ngôi sao võ Việt nói lời xin lỗi cuối năm 2016
Màn biểu diễn giúp Việt Nam phá kỷ lục thế giới của Trung Quốc

NGUỒN GỐC KHINH CÔNG

Theo “Võ tăng truyện”, “Thiếu Lâm Tự chí”, “Thiếu Lâm võ tăng tạp lục”… thì Thiếu Lâm khinh công khởi nguồn sớm nhất từ Tăng Trù thiền sư, đệ tử của Bạt Đà, phương trượng đầu tiên của Thiếu Lâm Tự đời Bắc Ngụy (cuối thế kỷ 5). Tăng Trù vốn họ Tôn, từ nhỏ xuất gia theo Bạt Đà – tăng nhân Thiên Trúc, trụ trì đầu tiên của Thiếu Lâm Tự. Vốn thân thể yếu nhược, Tăng Trù lập chí khổ luyện nhiều năm, sau tinh thông Phật lý lại am tường các môn công phu, đặc biệt là khinh công siêu phàm, có thể phi thiềm tẩu bích, nhảy lên nóc chùa, ngày đi được mấy trăm dặm.

1

Về sau, các hòa thượng như Hồng Ôn, Phúc Hồ, Giác Viễn, Trí Thụy, Huệ Cự, Hành Khả, Đản Lương, Thanh Chân, Thanh Ngọc, Trinh Tuấn, Trinh Thu… đều luyện thành tuyệt kỹ khinh công Thiếu Lâm, phi thân qua suối rộng, chạy nhảy lên vách đá, phóng qua lầu cao, đạp bèo vượt sóng, đi trên nước như trên đất.

Đại sư Trinh Tuấn đời Thanh, 6 tuổi vào Thiếu Lâm Tự, chuyên luyện khinh công, mỗi ngày đều đeo túi sắt vào chân mà luyện nhảy ở Thiên Phật điện. Lượng sắt mang càng ngày càng tăng đến hàng trăm cân, dù đi đứng nằm ngồi đều không lìa túi sắt. Đến năm 20 tuổi, tháo túi sắt ra, Trinh Tuấn nhẹ nhàng phi thân lên nóc Thiên Phật điện, thân pháp mau lẹ như gió cuốn.

TUYỆT KỸ VANG DANH THIÊN HẠ

Thiếu Lâm Tự trải qua nhiều cơn binh lửa, nhất là năm Dân quốc thứ 17 (1928), tướng quân phiệt là Thạch Hữu Tam hỏa thiêu Thiếu Lâm Tự, lửa cháy đến 40 ngày, nhiều mật phổ, quyền kinh chứa trong Tàng kinh các, Thiên Vương điện, Chung cổ lâu bị cháy rất nhiều. Về sau võ công Thiếu Lâm được truyền thụ các nơi, tuy có những điểm khác biệt về chiêu thức nhưng lý luận võ công, nhất là phương pháp truyền thụ, tập luyện khinh công vẫn là thống nhất.

2

Trong quá trình phát triển của mình, Thiếu Lâm khinh công đã hấp thu, dung hợp tinh hoa khinh công của các môn phái khác. Trong thực chiến, khinh công có thể đơn độc đối địch, phát huy uy lực dũng mãnh, đồng thời có thể kết hợp với các môn võ công khác để phát huy tác dụng tối đa.

Các cao đồ Thiếu Lâm xưa kia đều luyện thành vài tuyệt kỹ, có người luyện thành đến mười mấy tuyệt kỹ như Đạp tuyết vô ngân công (đi trên tuyết không để dấu chân), Bích hổ du tường (trườn lên vách tường đứng như thằn lằn), Thủy thượng phiêu (chạy trên nước), Siêu cự công (chạy trên đất như bay, Lưu tinh bộ công (đi lẹ như sao băng), Bào bản công (chạy trên vách đá dựng đứng), Kim đao hoán chưởng công (tránh né trong rừng đao kiếm)….

CÁC LOẠI KHINH CÔNG.

Theo công pháp thì có Thiếu Lâm nội gia khinh công và ngoại gia khinh công. Nội gia khinh công lấy luyện ý (tĩnh tọa, trạm trang công) và luyện khí (phối hợp quyền pháp, binh khí) làm chủ; ngoại gia khinh công thì lấy luyện nội khí làm đầu rồi mới luyện gân cốt.

Trong bộ tiểu thuyết kiếm hiệp nổi tiếng “Thiên long bát bộ” của Kim Dung có kể về Đoàn Dự – thái tử nước Đại Lý, do lạc vào bí động mà học được bộ pháp Lăng ba vi bộ, có thể dễ dàng chạy thoát khỏi sự tấn công của đối phương. Thực ra, Lăng ba vi bộ là môn khinh công thượng thừa của phái Tiêu Dao, lấy ý từ câu “Lăng ba vi bộ, la miệt sinh trần” (bước uyển chuyển đùa trên sóng lượn, tha thướt xiêm y phủ gót hài) trong bài Lạc Thần phú của Tào Thực – con trai thứ Tào Tháo.

3

Trong “Ỷ Thiên Đồ Long ký”, giáo chủ Minh giáo Trương Vô Kỵ sau khi luyện thành “Cửu dương chân kinh” của Thiếu Lâm do Đạt Ma truyền lại thì thân pháp ảo diệu như lằn chớp. Khi giao đấu, chỉ thấy Trương “như một làn khói xanh cuộn đến”.

Trong Thiếu Lâm khinh công thì Mai hoa trang công (đi trên trụ) là công phu cơ bản của tuyệt kỹ Phi thiềm tẩu bích, luyện thân thể nhẹ nhàng, bộ pháp mau lẹ, xếp vào loại “nhuyễn công nội tráng”.

Công phu này cũng dựng trụ án theo ngũ tử mai hoa (5 trụ), thất tinh (7 trụ), bát quái (8 trụ), cửu cung (9 trụ), thiên can (10 trụ), địa chi (12 trụ) thiên cương (36 trụ), địa sát (72 trụ). Khó luyện thành nhất là Chuyển luân trang: đóng 1 trục gỗ thật chắc, trên trục đóng 1 mặt bàn có thể xoay tròn được, trên bàn lại đóng 5 trụ mai hoa thung nữa để đứng trên đó tập luyện. Chiều cao các trụ sẽ tăng lên dần đến hơn 2m, túi sắt mang trong người cũng tăng dần đến 30kg.

GIẢI MÃ KHINH CÔNG

Dưới ánh sáng khoa học, Thiếu Lâm khinh công dựa trên các nguyên lý sau:

Nguyên lý kích thích năng lượng: Khi gặp nguy hiểm như bị truy đuổi rất gấp, ta có thể nhảy qua hàng rào cao hoặc khe rãnh rộng mà lúc bình thường không thể nào thực hiện được.

Như vậy lúc ấy sức mạnh và khả năng đó từ đâu đến? Đó là nguồn năng lượng tiềm tàng trong cơ thể mà đúng vào hoàn cảnh ấy, điều kiện ấy thì mới khai thác được phần nào một cách không tự giác. Luyện công chính là để khai thác, vận dụng tiềm năng ấy một cách có ý thức.

4

Qua quá trình luyện công, nhiều dạng vật chất trong cơ thể được kích thích, chuyển hóa thành năng lượng. Năng lượng ấy phối hợp với quá trình chuyên luyện chính xác các tuyệt kỹ khinh công sẽ tạo nên những kỳ tích mà người thường không thể lý giải nổi như đứng giao đấu trên que nhang, đạp bèo qua sông…

Nguyên lý từ hóa, từ trường: Muốn đi trên mặt nước thì phải làm cho trương lực bề mặt và độ kết dính của nước tăng lên. Vật lý học cho thấy rằng nước một khi đạt đến cường độ từ trường nhất định thì sẽ phát sinh biến đổi các đặc tính vật lý như thay đổi tính dẫn điện, độ kết dính, trương lực bề mặt. Sự thay đổi ấy là do từ trường gây nên, tạo thành từ hóa. Từ trường hiện diện ở sinh vật, cơ thể người. Mỗi cơ thể đều có sinh vật điện và sinh vật từ, hình thành sinh vật từ trường. Người trong trạng thái khí công thì từ trường rất mạnh, đặc biệt là trong trạng thái nhập tĩnh.

Nguyên lý nhập tĩnh:  Người nhập tĩnh trong luyện công sẽ thể nghiệm được 8 loại cảm giác, trong đó có cảm giác “khinh” cảm thấy cơ thể nhẹ như tơ bay. Người luyện công đến trạng thái nhập tĩnh cao độ có thể nhập vào cảnh giới “vô vi không tĩnh” siêu thoát khỏi vạn vật.

“Quyền – Thiền nhất thể”: Một đặc điểm quan trọng của võ công Thiếu Lâm là “Quyền  – thiền nhất thể”, học võ kết hợp với tu thiền, lấy đó làm phương pháp tu trì, luyện công hàng ngày. Võ sinh ở chùa lấy “Tọa thiền công” làm phép luyện nội công chủ yếu, thông qua tập trung tư tưởng, bài trừ tạp niệm, điều tâm, điều tức, điều thân dần dần tiến đến nhận thức tự ngã, tu dưỡng võ đức, bồi bổ nguyên khí, phát huy cao độ linh cảm, dễ dàng nâng cao cảnh giới võ công và tư tưởng. Cả 3 nguyên lý khinh công đều thể hiện đầy đủ trong võ công Thiếu Lâm Tự.

Thiếu Lâm khinh công là kết quả của sự kết hợp mật thiết giữa nội công và ngoại công. “Nội” là luyện nội khí, khí huyết, tinh thần, kinh mạch; “ngoại” là luyện gân cốt, cơ bắp, kình lực.

Các công pháp luyện nội công như Tọa thiền công, Tứ đoạn công, Thập đoạn công, Kim cang công, Ngũ tâm hợp nhất công là nền tảng cơ bản để luyện khinh công. Các công pháp như Thiết sa đại, Khiêu sa khanh, Tẩu khuông biên… chủ luyện ngoại công trong khinh công. Luyện khinh công phải dùng lực, ý, khí, thần, tiêu hao năng lượng rất lớn, nếu không biết phương pháp “dự trữ năng lượng”, “lấy nội dưỡng ngoại” thì tổn hại rất lớn.

“Thiếu Lâm ca quyết” dạy rằng “Khinh công luyện thành tam diệu chỉ, Nhất tĩnh nhị tùng tam quân tế”, nghĩa là muốn luyện thành chân công phải tuân thủ 3 yếu quyết: “tĩnh” (tĩnh lặng), “tùng” (buông lỏng) và “quân tế” (hơi thở phải giữ thật đều và nhẹ).

Trong quá trình luyện phải tránh những điều gây tổn thương sau: Nhìn lâu hại tinh, nằm lâu hại khí, nghe lâu hại thần, ngồi lâu hại mạch, đứng lâu hại cốt, đi lâu hại gân, giận dữ hại gan, tư lự hại tỳ, uống nhiều hại dương, quan hệ nam nữ nhiều hại tủy.

V.Đ – Tổng hợp