Kỳ chiêu, dị khí của hiệp nữ chốn giang hồ

Trong chốn võ lâm đã từng xuất hiện một loại công phu tuyệt kỹ thường được các nữ hiệp sử dụng trên đường hành tẩu giang hồ với tên gọi nôm na là trâm tử và lược tử.

Tuy chỉ là những món đồ xinh xắn dùng để “vấn tóc soi gương” nhưng trong trường hợp cần thiết, người phụ nữ có thể dùng chúng như một thứ vũ khí lợi hại, dễ dàng gây thương tích hoặc đoạt mạng đối phương trong tích tắc.

Huyền thoại những chiến lược

Vốn là người thích nghiên cứu, sưu tầm những kỳ chiêu, dị khí cổ xưa trong thiên hạ, võ sư Lý Băng Sơn (Chưởng môn phái Võ lâm Phật Gia VN) cho biết: “Trâm tử, lược tử là những bài thảo được lưu truyền trong dân gian từ thời cổ xưa, do các thuật sỹ giang hồ dạy cho các ca kỹ, vũ công để tự vệ. Thời đó, phụ nữ thường để tóc dài cho nên họ luôn mang theo trâm cài tóc và lược chải đầu.

Do thường xuyên phải hát múa phục vụ khách giang hồ, những người phụ nữ này thường học thêm chút võ nghệ để phòng thân. Bằng việc sử dụng trâm tử, lược tử, họ có thể tự bảo vệ mình khi bị kẻ xấu tấn công. Nhưng nhiều người sử dụng không thuần thục, đòn ra thiếu lực và không chuẩn xác, không đủ gây nguy hiểm cho đối phương. Thực tế, trâm tử, lược tử trong võ thuật đỉnh cao hoàn toàn khác với cách tự vệ thông thường và chỉ các bậc cao thủ võ lâm mới mong đủ trình độ để chạm đến tinh hoa của chiêu thức”.

Những người thường xuyên sử dụng trâm tử, lược tử trong chiến đấu thường tự làm cho mình những chiếc lược bằng sắt hoặc sừng có cấu tạo khác với những chiếc lược bình thường. Nếu là lược sừng, chúng sẽ được tẩm thêm các loại độc tố khác nhau tùy theo mục đích sử dụng.

sd
Tái hiện chiêu thức “khăn điểm quấn tay khóa”.

Trong khi đó, ở đầu mỗi chiếc trâm luôn được thiết kế một lỗ nhỏ để chứa thuốc độc. Những chiếc trâm này khi đâm trúng mục tiêu, chất độc sẽ nhanh chóng thấm vào xương thịt khiến cho đối thủ bị tê liệt, không còn khả năng chiến đấu. Lượng chất độc chứa trong mỗi chiếc trâm nhỏ bé đó có thể giết chết hàng chục người. Ngoài khả năng chứa chất độc, trên đầu những chiếc trâm còn được thiết kế để chứa phi trâm. Tuy nhiên, chỉ những đại cao thủ giang hồ mới có khả năng sử dụng những chiếc trâm có cấu tạo độc đáo như vậy.

Dựa trên một số giai thoại được lưu truyền trong dân gian về An Tư công chúa (em gái út của vua Trần Thánh Tông), võ sư Băng Sơn cho rằng: “Đầu năm 1285, giặc Nguyên Mông tràn vào nước ta. Trước thế giặc như nước vỡ bờ, khó bề địch lại, vua Trần Thánh Tông bất đắc dĩ phải dùng kế mỹ nhân, dâng em gái út của mình là An Tư công chúa cho tướng Thoát Hoan để tạm cầu hòa, tranh thủ thời gian củng cố lực lượng, tổ chức chiến đấu.

Về phần An Tư công chúa, lúc đầu một mực không chịu vì trong lòng đã có ý trung nhân nhưng vì vận nước lâm nguy, nàng đành hy sinh cho việc lớn. Ngày ra đi, nàng chỉ mang theo mình một chiếc lược làm vũ khí phòng thân và sử dụng trong những trường hợp cần thiết phải tiêu diệt địch. Thắng lợi của nhà Trần trước một đối thủ bất khả chiến bại như giặc Nguyên Mông thời đó chắc chắn có công sức không nhỏ của nàng công chúa đầy nghĩa khí này nhưng dường như rất ít người biết đến sự hy sinh thầm lặng đó”.

Tương truyền, thời xưa, ở Trung Quốc, có một người hiệp nữ không rõ tên tuổi nhưng thường hành tẩu giang hồ, trừ gian diệt bạo chỉ với một chiếc lược nên dân gian quen gọi là Lược Tử Hiệp Nữ. Chiếc lược của bà có cấu tạo vô cùng quái lạ với một đầu là lược, một đầu là hình con phượng hoàng có giấu lưỡi dao sắc bén bên trong, có thể bật ra bất cứ lúc nào nhưng lại mang hình dạng một cái trâm cài đầu vừa dùng làm vật trang sức vừa có thể giấu trong tóc.

Mặc dù rất giỏi võ nghệ nhưng bà lại có sắc đẹp mê đắm lòng người. Cho nên, một lần, trên đường ngao du sơn thủy, bà bị bọn thảo khấu chặn đường cưỡng hiếp. Nhưng chưa chạm vào thân thể bà, chúng đã phải nếm mùi “lược tử”. Băng cướp gần hai chục tên, bị chiếc lược nhỏ xíu trong tay bà đánh cho thất điên bát đảo, kêu khóc ầm ĩ. Từ đó, trên giang hồ, xuất hiện rất nhiều loại lược tương tự. Người ta còn sáng tạo thêm các bài hổ lược tử, long lược tử để sử dụng trong chiến đấu.

Uy lực của những vật… “nữ nhi tầm thường”

Ngoài lược, trâm, các nữ hiệp ngày xưa còn rất giỏi sử dụng các dải lụa, khăn, thắt lưng, ruột tượng, giỏ hoa, tóc, quạt và thậm chí cả những đôi hàitrong giao đấu. Ngày xưa, phụ nữ khi mặc quần áo, thường hay sử dụng một loại thắt lưng bằng lụa gọi là sơn hà đới (ôm vào eo như ôm cả đất nước). Khi lâm nguy, họ có thể biến những chiếc sơn hà đới mềm mại này thành một thứ vũ khí đầy sức mạnh.

Ở Nam Bộ, người dân thường dùng khăn quấn đầu gọi là đẩu cân. “Đẩu cân”, “sơn hà đới”, khăn rằn, hay khăn lông (khăn mặt) đều có những bài quyền nổi tiếng. Những bài quyền này rất khó thực hiện, nhìn thì mềm mại, bay bướm nhưng cương – nhu ảo diệu, uy lực dũng mãnh không thua kém bất cứ một loại binh khí nào. Đối với khăn lông, người ta thường tẩm ướt trước khi giao đấu để tăng thêm uy lực.

Lối đánh đẩu cân đã từng được phái Thiếu Lâm Bắc Phái Phật Gia Quyền (Trung Quốc) ghi lại trong cuốn “Đẩu cân quyền pháp” gồm hai bài, 18 thế. Ngoài ra, các chiêu thức sơn hà đới cũng được các thuật sỹ sử dụng và ghi lại trong quyển “ám khí hộ thân bí mật chân truyền của Thiếu Lâm” để lưu truyền trong thiên hạ.

Theo lời kể của võ sư Băng Sơn thì ở miền Bắc Việt Nam, cuối thế kỷ 20, có võ sư Hoàng Thanh Vân (Chưởng môn phái Hoa Quyền), một trong những võ sư hàng đầu ở Việt Nam thời bấy giờ, rất giỏi sử dụng quạt, lụa, khăn… trong võ thuật.

Những chiếc quạt của ông luôn có cấu tạo rất đặc biệt là các thanh nẹp của chúng được làm bằng sắt, có cạnh mài sắc như những lưỡi dao. ông đã từng biểu diễn bài phiến (quạt) nổi tiếng của mình trong Liên hoan Võ thuật cổ truyền Việt Nam năm 2010 nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Tuy lúc đó, tuổi tác đã cao, thân pháp không còn tinh nhanh như lúc trẻ, nhưng bài phiến của ông vẫn giữ được những đường nét vừa hào hoa, tinh tế, vừa dũng mãnh, oai phong.

Võ sư Băng Sơn nhớ lại: “Khi võ sư Hoàng Thanh Vân còn sống, chúng tôi có về nhà ông để làm bộ phim “Võ sư Hoàng Thanh Vân, một con người bình dị, tài hoa”. Hôm đó, lần đầu tiên trong đời, chúng tôi được mục sở thị những bài quyền cổ đã tuyệt tích giang hồ hay những bài do chính ông sáng chế. Điều đặc biệt là tất cả những bài quyền này đều sử dụng những vật dụng thông thường trong cuộc sống hàng ngày như chiếc ruột tượng, chiếc rổ, chiếc đinh thuyền…

Võ sư Thanh Vân đã tiết lộ với tôi rằng, ông đã truyền dạy bài đinh thuyền cho võ sư Vũ Quang Tín, còn những bài khác không thấy ông nhắc đến”. Phải chăng, suốt một đời khổ luyện, sáng chế các bí kíp võ công thượng thừa, ông vẫn chưa tìm được người xứng đáng để truyền dạy hết tất cả những tinh hoa võ học của mình?

Trong giới võ lâm vẫn còn lưu truyền một giai thoại về vua roi (côn) Hồ Ngạnh, ông vua côn trong làng võ Việt. Trong một đêm trăng thanh gió mát, trong lúc võ sư Hồ Ngạnh đang ngồi đàm đạo với bằng hữu, bỗng có người lạ đến thách đấu. Người học võ chỉ mong có đối thủ xứng tầm nên võ sư Hồ Ngạnh cầm ngay thanh đoản côn, chấp nhận lời thách đấu. Người kia không cầm theo vũ khí gì ngoài việc sử dụng một chiếc khăn lông. Hai bên một nhu, một cương quần thảo với nhau trên một khu đất trống từ lúc trăng mới nhú đến lúc trăng lên cao. Nhiều lúc, vua roi Hồ Ngạnh phải toát mồ hôi vì những chiêu thức hóc hiểm của vị khách “khăn lông”.

Ngược lại, vị khách “khăn lông” cũng không ít phen phải rợn tóc gáy vì cây đoản côn của đối thủ. Sau khi cả hai đều đã thấm mệt mà vẫn chưa phân thắng bại, họ cảm tài, mến đức của nhau nên đã bắt tay kết làm bằng hữu. Rất ít người biết vị khách “khăn lông” kia là ai nhưng võ sư Trần Công, ông vua ám khí trong làng võ Việt cũng rất tinh thông lối đánh này.

Đỉnh cao của võ là sự nhân văn

Bàn về những kỳ chiêu, dị khí của người xưa, võ sư Lý Băng Sơn nhận định: “Lược tử, trâm tử, đẩu cân quyền pháp… thoạt nghe chẳng có gì ghê gớm nhưng đều thuộc loại võ công thượng thừa không phải cao thủ nào cũng có thể luyện được. Việc sử dụng những vật dụng tầm thường như chiếc lược, chiếc khăn, cái rổ, cái rá… một cách thần tình trong võ thuật chính là sự thể hiện tính nhân văn và tinh thần thượng võ bất diệt.

Người xưa nói “thục năng sinh xảo” tức người luyện võ đến thuần thục mới sinh ra sự khéo léo quả không sai. Tiếc rằng, hầu hết những công phu tuyệt kỹ đó giờ đã chỉ còn trong quá vãng xa xôi, hiếm người biết đến.

Theo Người đưa tin