Làng võ Hoa Kiều xưa và nay

Làng võ Sài Gòn không thiếu những giai thoại về những người ngụ cư bình dị, sống âm thầm một cuộc đời cực nhục hàng chục năm nhưng một ngày nào đó bỗng “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”. Phải đến khi ấy, người ta mới biết rằng những người này là những cao thủ võ lâm, do một biến cố nào đó trong cuộc đời nên phải bỏ xứ tha phương cầu thực.

Cao thủ trong vai người đan sọt

Những năm 1940, người dân trong khu vực Nhị tỳ Quảng Đông (sau đổi thành giao lộ Phó Cơ Điều – Trần Quý, phường 6, Quận 11) chỉ biết anh Đặng Tây là một người  Hoa bỏ xứ đến Sài Gòn kiếm sống bằng nghề đan giỏ. Không ai ngờ người đàn ông tính tình hiền lành, khiêm tốn, vui vẻ với mọi người, sống trong một căn nhà xập xệ lại là một cao thủ võ lâm.

04122228_TUY-TUU-DE-HO

Một hôm, anh tình cờ gặp tên “trùm” giang hồ khu vực Chợ Lớn là Tín Mã Nàm (Nàm Chảy), vốn là người có thân hình hộ pháp, từng nhiều năm học Thiếu Lâm Hồng Gia và Thái Lý Phật và có va chạm. Tín Mã Nàm khăng khăng bắt anh phải đấu võ với hắn thì hắn mới “bỏ qua” chuyện này. Nhiều lần từ chối không xong, sau cùng ông nhận lời tỉ thí mà theo ông, cũng nhân dịp này dạy cho tên giang hồ một bài học để bỏ thói ngang tàng, hống hách, ỷ mạnh hiếp yếu.

Trước khi trận đấu diễn ra, ai cũng nghĩ phen này anh thợ đan sọt “chết chắc”. Thế nhưng kết quả ngược lại, trận đấu quyền diễn ra khá chóng vánh, gã đại ca hung hãn 3 lần lao vào đều bị người đan sọt đẩy văng ra xa, lồm cồm ngồi dậy trong nỗi kinh ngạc lẫn thán phục. Từ lúc đại náo giang hồ đến nay, hắn chưa từng gặp một kỳ nhân võ công cái thế như ông đan sọt này. Biết mình đã đụng nhầm “núi Thái Sơn”, Tín Mã Nàm bèn sụp người xuống, chắp tay bái Đặng Tây làm sư phụ, hết lời năn nỉ ông truyền cho nghề võ.

Đời cực khổ chịu cảnh tha hương

Đến khi đó, người ta mới biết anh đan sọt chính là một cao thủ Thái Lý Phật là Đặng Văn Thành từ Quảng Châu (Trung Quốc) qua Việt Nam từ năm 1932. ông theo học võ từ lúc 5 tuổi, tinh thông quyền cước, binh khí, trong đó có các tuyệt kỹ như Thiết chỉ (thủ pháp đánh bằng ngón trỏ), Cầm nã thủ… Năm 17 tuổi, do hạ đo ván võ sư Nhật Kanashi (vô địch karate và judo) tại Hội Tinh Võ Quảng Châu và bị nhiều phiền hà từ sự việc này. Cuối năm 1932, Đặng Tây cùng người cô ruột lẳng lặng xuống thuyền vượt biển trốn chạy đến Vũng Tàu rồi Chợ Lớn, trở thành một trong hai sứ giả đầu tiên đưa môn phái Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật vào Việt Nam.

22-12-Lan-Su-Rong-1.jpg

Sau này, võ sư Đặng Tây quản lý trật tự tại một số rạp hát thuộc khu vực Q.5 như Đại Quang, Toàn Thắng, Hào Huê, Đống Đa, Lệ Thanh, Thủ Đô… Những năm trước giải phóng, tình hình an ninh trật tự  khu vực Chợ Lớn cực kỳ phức tạp, với tài nghệ võ công tuyệt luân và đức độ hơn người, võ sư Đặng Tây còn là “vị sứ giả hòa bình” khi nhiều lần “đơn thân độc mã” đứng ra thuyết phục, hòa giải thành công hiềm khích, thù hận giữa một số băng đảng giang hồ người Hoa “máu mặt” vùng Chợ Lớn, nhờ đó, tránh được nhiều cuộc hỗn chiến giữa các môn phái.

Võ sư Lưu Kiếm Xương (người đeo kính, bên phải)
Võ sư Lưu Kiếm Xương (người đeo kính, bên phải)

Các bài võ đặc trưng của môn phái là Thập tam gia tỏa (13 thế mở khóa) tuyệt kỹ mà nhân vật Võ Tòng trong truyện Thủy Hử từng áp dụng; Phụng hoàng tiêu (đánh bằng cây tiêu, sáo); Kim long phiến (đánh bằng quạt không mở); Hồ điệp phiến (mở quạt ra đánh); Bàng long phất tử (đánh bằng cây phất trần)… Sở trường của lão võ sư Đặng Tây là đoản kình, chưởng trảo pháp. Năm 1978, ông thành lập đội lân sư rồng Thắng Nghĩa Đường (Nghĩa bất hậu nhân tức làm việc nghĩa phải trước mọi người) gồm 70 thành viên tinh thông quyền cước và binh khí. Học trò ruột võ sư Đặng Tây, ngoài “Thắng Nghĩa Huỳnh gia mãnh hổ” (Huỳnh Chí Cường, Chí Quyền, Chí Thắng, Chí Lợi, Chí Dân, Chí An, Chí Hữu, Chí Phước, Chí Mãng, Chí Đường) còn có Dương Cẩm An, Dương Cẩm Nguyên, Huỳnh Gia Bá, Lương Khải Bình, Liêu Quốc Hoa, Vương Cẩm Văn, Ngô Chấn Oai, Đỗ Lập Hoa… võ công cái thế. Tổ sư Đặng Văn Thành khuất núi năm 2004, thọ nhất so với các đồng đạo cùng thời (90 tuổi).

Kỳ nhân đến từ Quảng Đông

Thời Pháp thuộc, xưởng thuộc da và chế biến thủy tinh khu Phú Thọ (Quận 11) bị chính quyền thuộc địa cô lập. Sau giờ làm việc, người Hoa bị cấm ra khỏi phạm vi này, ban đêm không được thắp đèn, tụ tập, đã vậy họ còn  luôn bị đám giang hồ bên ngoài hiếp đáp, bóc lột. Trong đám thợ, có một công nhân luôn tỏ thái độ lầm lì tên Huỳnh Thuận Quý. Sau nhiều ngày bị ức hiếp, không chịu nổi sự dồn nén, ông Quý với thân thủ phi phàm, đòn thế biến ảo, một mình đánh bạt đám du thủ du thực trên 20 tên. Chuyện này chấn động chính quyền Pháp và giới võ lâm vùng Chợ Lớn. Từ đó, dưới sự dẫn dắt của ông Quý, môn Thiếu Lâm Hồng Gia bắt đầu được truyền dạy cho cánh thợ thuộc da và thủy tinh cùng con cháu của họ.

Hai anh em võ sư Huỳnh Chí Dân (trái) và Huỳnh Chí Mãng
Hai anh em võ sư Huỳnh Chí Dân (trái) và Huỳnh Chí Mãng

Võ sư Huỳnh Thuận Quý sinh năm 1908 tại huyện Nam Hải, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Năm 1932 ông cùng 3 sư đệ là Lưu Tín, Lương Nhuận và Huỳnh Vận Tài đến Việt Nam làm công nhân xưởng thuộc da và chế biến thủy tinh khu Phú Thọ. Sau sự kiện trên, ông Quý sáng lập Thích Nhàn Lạc, đây là nơi thư giãn, giải trí và dạy võ cho con em công nhân ngành thuộc da và thủy tinh khu Phú Thọ. Sau khi truyền bá vào Việt Nam, Thiếu Lâm Hồng Gia nhanh chóng được công chúng đón nhận, có thể xuất phát từ những chiêu thức kỳ ảo, biến hóa khôn lường như Ma vân thủ, Thập hình quyền (171 thế) bộ pháp tinh diệu của Địa đàng công hoặc ở phần tâm pháp Xã kỷ tùng nhân… Thiếu Lâm Hồng Gia dịch chuyển theo “ngũ hình”, khắc chế đối phương theo nguyên lý lấy nhu thắng cương, “nước mềm làm mòn đá cứng”. Môn võ công đặc dị này xuất xứ từ miền Nam Trung Hoa, sử dụng đòn đánh ngắn: Kiều thủ (từ cùi chỏ đến cổ tay) gồm ổn mã ngạnh kiều (ngựa vững cầu cứng) tức bộ tấn có vững thì đòn đánh ra mới chính xác; đoản kiều tẩu mã (bộ tấn hẹp đòn đánh ngắn); trường kiều đại mã (bộ tấn rộng đòn đánh dài).

Từ đây, võ sư Huỳnh Thuận Quý tập trung truyền bá môn phái Hồng quyền rộng khắp ra bên ngoài, ông còn lãnh đạo các đệ tử đến các tỉnh thành biểu diễn võ thuật nhằm truyền bá võ thuật, phát dương môn phái Hồng quyền, đồng thời đến các cơ quan đoàn thể biểu diễn nhằm gây quỹ từ thiện.

Năm 1959, võ sư Huỳnh Thuận Quý sang Hồng Kông sinh sống và đến năm 1968 thì mắc bệnh nặng trong cảnh nghèo đói, túng thiếu. Trước hoàn cảnh khó khăn, tuổi già bệnh tật của sư tổ nơi đất khách quê người, các đệ tử của ông ở Sài Gòn đã quyên tiền, đi biểu diễn lân và võ thuật gây quỹ nhằm đủ tiền điều trị bệnh. Năm 1972 ông mất tại Hồng Kông khi 64 tuổi. Một năm sau khi sư phụ qua đời, các sư huynh đệ góp công sức, tiền của, xây tổ đường thờ tự thầy (vào năm Quý Sửu 1973) tại số 27 âu Cơ, P.14, Q.11, tại đây hiện vẫn còn tấm bia khắc tên những người có công đóng góp xây nên tổ đường.

4 cao thủ đưa Thiếu Lâm Bạch Mi vào Chợ Lớn

Đầu những năm 1920, bốn võ sư  Khưu Nhơn Hòa, Huỳnh Thiệu Long, Lại Quý Đình và Tăng Huệ Bác (người Hoa) cũng có công đưa môn phái Thiếu Lâm Bạch Mi du nhập vào Việt Nam. Không được truyền bá rộng rãi do chính quyền thực dân Pháp cấm đoán, đại sư Tăng Huệ Bác (người Quảng Đông) vào Chợ Lớn tổ chức dạy kín cho một số người thân, bạn bè ở đường Phùng Hưng, Quận 5. Tại đây, Tăng đại sư đào tạo nhiều học trò giỏi, nổi bật là Diệp Quốc Lương (đoàn lân Liên Thắng đường, trụ sở trên đường Hà Tôn Quyền, Quận 11), Huỳnh Thiếu Hùng (đội lân Quần Anh đường, đường Võ Trường Toản Quận 5) và Trần Lâm – nổi tiếng với bài quyền Thập bát ma kiều – tuyệt kỹ công phu của Bạch Mi phái.

Theo lịch sử Thiếu  Lâm tự, vào năm 1736, khi binh lính Mãn Thanh tấn công và hỏa thiêu chùa Thiếu Lâm, Bạch Mi hòa thượng đã trốn thoát lên núi Nga Mi (tỉnh Tứ Xuyên) – một trong năm ngọn núi thiêng của đất nước Trung Hoa. Sau tám năm luyện võ trong hang động, thiền định theo lối đạo sĩ, Bạch Mi đạo nhân đã chế tác một môn võ công thượng thừa gọi là Thiếu Lâm Bạch Mi.

Tô Thiện (sưu tầm)