Trong lịch sử Việt Nam, hiếm có vị quan nào được như Lê Văn Linh. Dù là chuyện triều đình hay chuyện quân gia, ông đều có thể đảm đương được.
Vị tướng Việt khiến Tần Thủy Hoàng phải nể phục
Võ tướng đến từ “Địa Linh Nhân Kiệt” Thanh Hóa
Lê Văn Linh sinh năm Đinh Tỵ (1377-1448) tại làng Hải Lịch, huyện Lôi Dương (nay là xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Thời Hồ (1400 – 1407), Văn Linh đã nổi tiếng là người hay chữ của huyện Lôi Dương. Tuy nhiên, không thấy sử chép gì về việc thi cử hay tác phẩm văn thơ của ông. Có lẽ do ông là cư sĩ phật giáo, ngoài việc nước ra ông bỏ thời gian để tu hành nên dù giỏi văn chương nhưng ông để lại tác phẩm gì cho hậu thế. Còn có giả thuyết do thời thế, lúc Hồ Quí Ly lộng quyền rồi cướp ngôi nhà Trần, ông không bằng lòng chuyện này nên không ứng thi.
Tương truyền vào thời ông còn trẻ, đất làng Hải Lịch vẫn thường bị cọp hoành hành, dân làng rất lấy làm khổ sở. Sử cũ chép rằng: “Ông vốn là người có khí tiết cao. Lúc ấy, dân trong làng thường khổ vì nạn cọp. Ông liền nhân đó viết bức thư trách cọp. Từ đó, cọp bỏ đi hết. Vì lẽ ấy, người ta ví ông như Hàn Thuyên là người đã làm thơ đuổi cá sấu đi nơi khác” (Đại Nam Nhất thống chí, Tỉnh Thanh Hóa – Tập hậu – mục Nhân vật).
Khi Lê Lợi chuẩn bị khởi nghĩa, ông là một trong những người đầu tiên nhiệt liệt hưởng ứng. Và ông là người tham dự Hội thề Lũng Nhai. Năm 1428, khi Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế; Văn Linh được xếp vào hàng Khai quốc Công thần, tước Hương Thượng Hầu.
Người đương thời cho ông là bậc đa tài, vào triều là tướng văn, ra ngoài là tướng võ, không việc gì không đảm đương được. Khi ông mất, triều đình truy tặng hàm Khai Phủ và được ban tên thụy là Trung Hiến.
Quang Lữ