Lịch sử quyền thuật Trung Quốc, những giai đoạn quan trọng (Kì 1)

Khởi nguyên có môn vật

Vết tích khảo cổ xưa nhất về quyền thuật Trung Hoa là một cây lược bằng gỗ; trên cây lược nầy có khắc hình hai người, mình trần, đang ôm vật dưới sự giám định của một trọng tài. Cây lược nầy được tìm thấy vào năm 1975 trong ngồi mộ thời triều đại nhà Tần (221-207 trước Tây Lịch).

Thời nhà Hán (206 trước Tây Lịch-220 sau Tây Lịch), môn vật lấy tên là Tương Phốc (Xiangpu) (Tương Phốc có nghĩa là xô đẩy lẫn nhau). Hai chữ Xiangpu đọc theo tiếng Nhật là Sumo, như vậy môn Sumo hiện nay có thể cho ta một khái niệm về môn vật của Trung Hoa thời nhà Hán. Vả lại những lực sĩ môn Tương Phốc thời nhà Đường (618-907) mang y phục của những lực sĩ môn Sumo hiện nay.

000cf1bdd2450fda967a2d
Những lực sĩ môn Tương Phốc thời nhà Đường (618-907) mang y phục của những lực sĩ môn Sumo hiện nay.

Dưới thời nhà Tống (960-1279), những võ sĩ mới bắt đầu mang áo để tiện níu kéo. Như vậy những kỹ thuật đấu vật thời đó từ từ biến đổi và giống những kỹ thuật đấu vật hiện nay.

Quyền thuật dưới triều đại nhà Minh

Mãi cho tới triều đại nhà Minh (1368-1644) quyền thuật mới thịnh hành và phát triển nhờ có phong trào mại võ : trường võ dạy lấy tiền được mở ra cho công chúng. Trước đó quyền thuật chỉ dành riêng cho những người sống về nghề võ : võ sư, quân lính, hiệp sĩ, tiêu sư, cướp đạo… Như những anh hùng (Lổ Trí Thâm, Võ Tòng, Lý Quỳ…) trong Thủy Hử Truyện, sách viết vào thế kỷ thứ 14.

Lỗ Trí Thâm mô phỏng như trong Thủy Hử Truyện
Lỗ Trí Thâm mô phỏng như trong Thủy Hử Truyện

Văn nhân, nhà sư trước đó ham chuộng múa võ khí, lúc nầy lần lần học quyền thuật. Vào khoảng 1550, một trong ba đại văn hào thời đó, Đường Thuận Chi (1507-1560) soạn quyển Võ Biên, một phần ghi lại những môn quyền thuật phổ biến lúc đó. Khoảng mười năm sau, vào 1562, Thích Kế Quang (1528-1588) một trong những đại danh tướng của lịch sử Trung Hoa, xuất bản quyển Kỹ Hiệu Tân Thư, trong đó cả một chương được dành để ghi lại môn quyền thuật của ông. Thích Kế Quang có công đánh đuổi bọn cướp biển Nhật Bản (được gọi là Nụy Khấu) hoành hành dọc bờ biển Trung Hoa. Để huấn luyện quân sĩ, ông lựa chọn những đòn thế đơn giản, nhưng rất hữu hiệu. Quân của ông có tiếng là trăm trận trăm thắng !

qijiguang
Bức tượng Thích Kế Quang

Cùng một thời, danh tướng Du Đại Du (1503-1579) ghi lại trong quyển “Kiếm kinh”, xuất bản năm 1565, nguyên tắc chiến đấu côn pháp ; hầu hết môn phái hiện đại đều lấy lại nguyên tắc đó để áp dụng vào quyền thuật. Khoảng 1600, quyền thuật chùa Thiếu Lâm bắt đầu danh tiếng. Trước đó chùa chỉ nổi tiếng về côn pháp.

Còn tiếp…

Theo Nguyễn Quý (Trích từ “Dictionnaire des arts martiaux chinois”, Paris, 1996)