Dù được giới võ thuật xưng tụng là sao Bắc đẩu của làng võ, nhưng tuyệt kỹ công phu của võ Thiếu Lâm lại mới bị chính đặc nhiệm của Bắc Kinh từ chối. Tại sao lại có sự “lạ đời” như vậy?
Bài kiểm tra giành mũ nồi đỏ của đặc nhiệm Nga
5 lực lượng đặc nhiệm Mỹ khiến khủng bố khiếp sợ
Một lữ đoàn đặc nhiệm Quân khu Bắc Kinh, Trung Quốc mới quyết định hủy bỏ đào tạo nhiều loại tuyệt kỹ võ công như đập gạch trên đầu, dùng cổ họng đẩy cong cây thép… vì bị chỉ trích thiếu tính thực tế và có thể biến binh lính thành những “con hổ giấy” trên chiến trường.
Quyết định trên đã được tờ Nhật báo Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (People’s Liberation Army-PLA Daily) công bố từ ngày 24.2.2014.
Theo quyết định này, lữ đoàn đặc nhiệm Quân khu Bắc Kinh thu hẹp phương pháp đào tạo công phu truyền thống giống với các chương trình huấn luyện của các võ tăng Thiếu Lâm bằng cách hủy bỏ hơn 10 khóa huấn luyện cổ điển, bao gồm cả các tuyệt kỹ như dùng búa tạ đập vỡ gạch trên đầu, đập gậy vào lưng và dùng yết hầu chống thanh thép để đẩy xe ôtô.
Nguyên nhân dẫn tới quyết định trên do các cách đào tạo công phu như vậy dù khi biểu diễn các kỹ năng ngoạn mục thường được khen ngợi nhưng lại bị chỉ trích là thiếu tính thực tế. Nó chỉ giống như những “màn trình diễn” của đặc nhiệm quân đội.
“Nhưng khả năng chiến đấu mà phương pháp này đem lại không có hiệu quả, những binh sĩ cần phải được thiết kế huấn luyện để đáp ứng một cuộc chiến thực sự”, ông Zhang Aijun , chỉ huy lữ đoàn nói với PLA Daily.
Lữ đoàn đặc nhiệm Quân khu Bắc Kinh cho rằng, nếu không cắt bỏ những “kỹ năng sai” trong quá trình đào tạo thì trên chiến trường các binh lính sẽ trở thành một “con hổ giấy”. Cho nên huấn luyện chiến đấu phải tập trung vào nhu cầu chiến tranh đòi hỏi. Hầu hết các ý kiến của các chuyên gia quân sự Trung Quốc khẳng định chiến trường hiện nay là nơi “những khẩu súng nói chuyện với nhau” nên các công phu đào tạo theo cách cổ truyền không phải tất cả đều cần thiết.
Đồng quan điểm, võ sư Liang Jianfeng, hiệu trưởng của một trường học võ thuật tại Bắc Kinh khi trả lời phỏng vấn của hãng tin Global Times cũng chỉ ra, việc huấn luyện công phu những kỹ năng trên sẽ mất rất nhiều thời gian, hao tốn năng lượng để thực hành, thậm chí còn gây ra nguy hiểm và đòi hỏi phải duy trì liên tục các bài tập để giữ được phong độ. Song trong chiến đấu thực tế, những kỹ năng này không thực sự thiết thực.
Không chỉ vậy, nếu so khí công của Trung Quốc với thiền Yoga của Ấn Độ thì khí công của Trung Quốc lại tập luyện khó nhọc, cứng hơn. Trong lần tập trận quân sự chung giữa Trung Quốc và Ấn Độ vào năm 2007, quân đội Ấn Độ đã cho thấy những bài tập Yoga mềm mại với binh sĩ mặc quần đùi lộn ngược, nhào nghiêng giống như một cây gậy mềm mại.
Quân đội Ấn Độ cho rằng, Yoga và hoạt động mềm mại như vậy sẽ giúp binh lính linh hoạt, tăng cường thể chất nhưng cũng giảm bớt áp lực cho người lính và có thể nhanh thích ứng với các môi trường khác nhau.
Một số nước cũng hướng tới tính thực tế khi đào luyện người lính thích ứng với môi trường. Với kinh nghiệm chiến đấu trong rừng, trong các đợt tập trận chung Hổ mang vàng với Mỹ, lính Mỹ sẽ được đào luyện các kỹ năng sinh tồn như ăn bọ cạp, côn trùng, uống máu rắn độc. Trong khi đó, tại những vùng lạnh thì quân đội Hàn Quốc lại hướng tới đào tạo vóc dáng khỏe mạnh và luyện cho binh sĩ cởi trần chống chọi với những cơn tuyết lạnh.
Tuy nhiên, quyết định trên của Quân khu Bắc Kinh cũng gây ra không ít tranh cãi. Anh Wang, một học viên chuyên ngành trinh sát quân đội Trung Quốc, tin rằng, chương trình đào tạo ra những người lính có kỹ đăng đáng kinh ngạc sẽ tạo ra ấn tượng cực mạnh cho quân đội và khẳng định mình có thể làm được những việc mà người khác không thể làm được.
“Những màn trình diễn đôi khi được sử dụng như một chiến dịch chiến tranh tâm lý trong và ngoài lực lượng quân sự của chúng tôi”, Wang nói.
Mặt khác, một số người cho rằng, ở các quốc gia khác quân đội cũng được đào tạo kế thừa từ văn hóa truyền thống. Chẳng hạn như quân đội New Zealand vẫn giữ lại một điệu nhảy truyền thống của người Maori khi bắt đầu giao chiến và trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa quân sự của nước này.
Năm 2013, chính hạm đội Hải quân Trung Quốc đã được chào đón bằng điệu nhảy này khi đến thăm New Zealand. Còn năm 2012, trong cuộc tập trận chung Mỹ-Nhật Bản, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã phô diễn cho Mỹ thấy những “Ninja” trong quân đội.
Mặc dù vậy, trước xu hướng hiện đại hóa và thực dụng trong tác chiến của quân đội các nước tiên tiến trên thế giới, trong lần kiểm tra Quân khu Bắc Kinh vào tháng 7.2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi tất cả các khóa huấn luyện quân sự cần tập trung vào việc nâng cao khả năng chiến đấu thực sự.
Trong khi đấy, quân đội Mỹ đang đẩy mạnh triển khai rộng rãi các phương tiện chiến tranh hiện đại và máy bay trực thăng thay thế cho việc chạy bộ quá xa và cũng loại bỏ các khóa đào tạo mạo hiểm với lưỡi lê.
Nguồn: Internet