Vĩnh Xuân Quyền, còn được gọi là Vịnh Xuân Quyền, là một môn võ thuật có nguồn gốc từ Trung Quốc, du nhập vào Việt Nam có thể từ đầu thế kỷ 20 và hiện nay đã có hàng trăm ngàn môn đệ tại Việt Nam và lan tỏa từ đây sang nhiều quốc gia khác.
Lược sử
Vĩnh Xuân Quyền vào Việt Nam chủ yếu do công của tôn sư Nguyễn Tế Công – người được đa số các võ sư Vĩnh Xuân hiện nay coi là sư tổ của Vĩnh Xuân Việt Nam. Từ năm 1939 đến 1954, Sư tổ chủ yếu dạy ở ngoài Bắc với các học trò (thế hệ thứ hai) sau này được nhiều người biết tên như các cố võ sư Việt Hương, Trần Văn Phùng, Ngô Sỹ Quí, Vũ Bá Quí, Trần Thúc Tiển, Ngô Phượng Tường, Hồ Hải Long v.v.
Sau năm 1954, sư tổ chuyển vào Nam, tiếp tục dạy các học trò như các cố võ sư Nguyễn Bá Khả, Lục Viễn Khai, Đỗ Bá Vinh, Ngô Phượng Tường, Trần Văn Từ, Huỳnh Ngọc Ẩn(đệ tử của Hồ Hải Long) v.v. cho đến khi mất 1959.
Trong thế hệ thứ ba của Vĩnh Xuân Việt Nam cũng đã có nhiều võ sư mở võ đường, được công chúng biết, đặc biệt ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, và ở một số nước khác như Canada, Pháp và Ukraina. Ngoài ra, còn nhiều võ sư không mở võ đường chính thức, dù vẫn âm thầm truyền dạy và phát triển các công phu của môn phái.
Ngoài những nhánh chính của tôn sư Nguyễn Tế Công, còn có một số ít chi nhánh khác của Vịnh Xuân vẫn được truyền dạy chủ yếu trong cộng đồng người Hoa ở Q5 (Sài Gòn,Chợ Lớn) và rải rác ở các tỉnh Nam Bộ (Vũng Tàu, Biên Hòa, Lái Thiêu, Cần Thơ…)Những chi nhánh này cũng do những người Hoa di cư truyền dạy (cùng thời và sau tôn sư Nguyễn Tế Công), mang tính chất tâm truyền(1-2 người) mục đích bảo tồn tinh hoa nên ít được biết đến.Những chi nhánh này mang nét đặc trưng của Vịnh Xuân truyền thống với 4 bài quyền, 2 bài binh khí.
Hiện nay, môn Vĩnh Xuân Quyền Việt Nam đã phát triển thành nhiều chi nhánh ở khắp các miền đất nước và mở rộng ra cả ngoài Việt Nam. Nhiều võ đường và câu lạc bộ Vĩnh Xuân Quyền đã được thành lập để trao đổi, học tập và phát triển môn phái.
Hệ thống quyền thuật
Hệ thống quyền thuật của Vĩnh Xuân tại các võ đường Việt Nam khác nhau cũng có những sự khác nhau, đôi khi khá lớn.
Ở ngoài Bắc, 8 bài quyền thường được nhắc tới lần lượt gồm Thủ đầu quyền, Khí công quyền, Ngũ hình quyền tổng hợp, Hổ quyền, Báo quyền, Long quyền, Xà quyền, Hạc quyền. Ngoài ra là bài 108 (còn gọi là “Nhất linh bát thức”, “Thung quyền”) đánh đơn, niêm, ly và đánh trên mộc nhân thung. Các bài binh khí như song đao (còn được gọi là dao quai), tề mi côn, liễu diệp kiếm.
Ở trong Nam còn có các bài như Hạc hình thủ bộ, Tiểu mai hoa, Đại mai hoa, Bát thủ pháp, Bát cước pháp, v.v. Các tên gọi cũng có đôi chút khác biệt như: Tiểu luyện đầu, Tiểu niệm đầu, Thái âm khí công, Mộc nhân thủ đối luyện, v.v.
Hiện tại, các võ sư Vĩnh Xuân chưa thống nhất về hệ thống quyền thuật đặc trưng. Tuy nhiên có thể khái quát về một số kỹ thuật tập luyện khá đặc sắc của Vĩnh Xuân Quyền là niêm thủ, đoản kiều phát lực, mộc nhân pháp, xước mã (đạp bộ), tấn… Các yếu quyết luyện tập thường được nhắc tới là Tam tinh, Thất đáo, Lục hợp, Bát môn v.v. Ngoài ra, có thể thấy những sự khác biệt này còn do các võ sư tự nghiên cứu, phát triển và bổ sung.
Minh Châu (sưu tầm)