Vào đầu thế kỷ XVIII, ở Nhật Bản đã xuất hiện một loại vũ khí nhỏ, gọn nhưng không kém phần hữu hiệu trong sử dụng tự vệ. Đó là manrikigusaki, một sợi xích dài với hai cục sắt nặng gắn chặt ở hai đầu. Người sáng tạo ra nó đã đặt ra tên vũ khí mới của mình như vậy, vì ông cho rằng sợi xích đó chứa đựng sức mạnh và tài năng của vạn người – man: có nghĩa là 10.000; kiri: sức mạnh và gusaki: sợi xích. Người đã sáng tạo và áp dụng, truyền bá môn mankirigusaki trên toàn nước Nhật đó tên là Dannoshin Toshimitsu Masaki. Masaki-ruy hay môn phái Masaki ra đời từ đó.
Gần hai thế kỷ đã trôi qua, ngày nay Manrikigusaki là một trong những môn mai một gần như thất truyền của nền võ thuật Nhật Bản. Theo tài liệu ghi chép của môn phái Masaki-ryu, người sáng tạo và có công truyền bá môn đánh xích tại Nhật Bản là Dannoshin Toshimitsu Masaki, một trong những kiếm sĩ nổi tiếng, tài ba nhất sinh thời.
Về bước khởi đầu của môn kỹ thuật đánh xích: Trong thời gian là đội trưởng đội bảo vệ tại cổng chính thành Edo (nay là Tokyo), Masaki nhận thấy trong khi làm nhiệm vụ ngăn chận sự xâm nhập bất hợp pháp của đám cướp bóc, vô lại… không thể tránh khỏi đổ máu chết chóc. Đó là điều ông không muốn xảy ra tại cổng chính quan trọng của thành Edo. Một thời gian dài, ông đã tìm tòi nghiên cứu một loại vũ khí khả dĩ thay thế được thanh gươm trong việc chế ngự đối phương tay không hoặc có vũ khí như côn, kiếm… Sau cùng, ông sáng tạo ra lối đánh dây xích với hai cục sắt nặng ở hai đầu. Từ đó, môn đánh xích ra đời và truyền bá đến nay đã hơn hai trăm năm.
Về sự phát triển của nghệ thuật sử dụng xích: Masaki bắt đầu truyền dạy kỹ thuật đánh xích cho môn đồ và binh lính thuộc quyền, sáng lập ra môn phái Masaki. Ông đặt tên cho vũ khí mình là manrikigusaki (manriki: vạn năng, guisaki: xích) vì ông cho rằng nó tiềm ẩn sức mạnh và tài năng của vạn người. Từ ý nghĩa này, xin được tạm dịch manrikigusaki là xích vạn năng để tiện theo dõi.
Chẳng bao lâu, môn đánh xích trở nên nổi tiếng khắp Nhật Bản. Đông đảo người từ khắp nước Nhật đến tìm hiểu và thụ giáo kỹ thuật đánh xích. Trước khi truyền dạy cho đệ tử, Masaki luôn luôn nhấn mạnh rằng xích chỉ sử dụng vào việc phải, tự vệ chính đáng. Nếu sử dụng bừa bãi, đó là tự hủy diệt chính mình, cả thể xác lẫn tâm hồn. Người ta kể rằng trước khi trao xích cho ai, Masaki trịnh trọng cúi đầu cầu nguyện để truyền thiện tâm vào sợi xích.
Sau đó, môn đánh xích được truyền dạy tại Tổng hành dinh Samurai Ogaki (thành phố Ogaki, hạt Gifu). Trong nhiều năm, môn đánh xích được dạy ở trường Trung học Ogaki như một môn chính khóa cũng như các môn nhu đạo, kiếm đạo và các môn võ khác được dạy ở các trường học Nhật Bản ngày nay. Nhưng do sự sử dụng bừa bãi của một số học sinh thời đó, khóa học bị gián đoạn. Ngày nay, ở thành Ogaki có trưng bày khoảng mười lăm sợi xích đủ loại cùng với lịch sử bộ môn. Đó là tất cả những gì còn sót lại của một môn nghệ thuật sử dụng vũ khí danh tiếng một thời, nay gần như thất truyền.
Các chi phái khác: Từ môn xích Masaki-ryu đã phát triển nhiều chi phái sử dụng xích khác nhau trên khắp nước Nhật. Ngày nay ở Nhật chỉ còn khoảng hai mươi chi phái như: Hoen-ryu, Toda-ryu, Shuchin-ryu, Kyoshin-Meichi-ryu, Shindo-ryu và Hikida-ryu… So với môn phái Masaki-ryu, các chi phái khác có sự khác biệt cơ bản về độ dài xùa dây xích, hình dáng cục sắt ở đầu xích và kỹ thuật sử dụng.
Manrikigusaki (xích vạn năng) đôi khi còn được gọi là kusari-bundo, ryo-bundo , sode-kusari, kusari, tama-kusari và kusari-jutle. Khi mang theo sợi xích, người võ sĩ đạo giữ gìn trân trọng như thanh gươm của họ. Khi không dùng đến, sợi xích được đựng trong một cái mâm nhỏ cạnh nơi người võ sĩ đạo thường ngồi, trong tầm tay sử dụng. Khi đi đường, họ thường mang xích trong bọc hành lý.
Không có một chút bất tiện nào khi phải sử dụng xích vạn năng trong một căn phòng hẹp, dọc một hẻm nhỏ hay trên một phương tiện chuyên chở công cộng. Hơn nữa, nếu người sử dụng xích biết thêm nhu đạo, nhu thuật, hiệp khí đạo, không thủ đạo hay kiếm đạo thì sự tự vệ của họ lại càng hữu hiệu hơn.
Cũng như các môn võ học chính thống khác, môn đánh xích không được áp dụng trong việc tấn công sát bại kẻ khác mà là để tự vệ. Khi sử dụng xích, thể xác và tâm hồn phải hợp làm một. Sợi xích như có sự sống của riêng nó, chứ không phải chỉ là một vật vô tri. Sợi xích phải được “nuôi dưỡng” cùng bạn. Bạn và nó phải cùng sinh trưởng và trở thành một. Nếu chỉ xem nó là một sợi xích lạnh lẽo vô hồn, bạn sẽ chẳng bao giờ đạt tới trình độ cao…
Clip tư liệu về môn võ Manrikigusari
https://www.youtube.com/watch?v=L7vsAWGNyhw
Minh Tân (sưu tầm)