Môn võ độc nhất vô nhị: Võ mũ bảo hiểm, điếu cày…

Từ những chiêu thức tinh hoa của Hồng gia quyền, võ sư Chu Há đã phát triển môn võ này theo hướng độc đáo. Chổi tre, guốc mộc, cuốc, xẻng hay mũ bảo hiểm là những vật dụng hàng ngày thành những “đặc dị khí” (vũ khí đặc biệt) để ai cũng có thể sử dụng để bảo vệ mình khi cần thiết.

Trong góc phòng tại võ đường Hồng quyền Chu gia rộng hơn 60m2 tại con ngõ sâu hun hút trong phố Tân Mai (Hà Nội) xếp đầy những dụng cụ của nhà nông như cuốc, xẻng, bừa, đinh ba… Ở một góc khác lại xếp chồng những điếu cày, gốc mộc, có cả nhưng chiếc mũ bảo hiểm treo lỉnh kỉnh. Còn ở giữa võ đường, Hậu – một môn sinh của võ đường – đang cầm điếu cày với những bước đi loạng choạng, khi Hậu đưa điếu cày sát gần miệng, lúc lại ngất ngưởng ngửa mặt lên trời như đang nhả khói. Bất chợt, Hậu ra hàng loạt động tác với tốc độ chóng mặt khi liên tục cầm điều cày ra chiêu đập thẳng, chém ngang vào khoảng không trước mặt.

Từ võ học tinh hoa

Sau khi biểu diễn xong, Hậu bước tới gần thầy chắp tay bái tạ sư phụ tại góc phòng. Bên ấm trà đặc, võ sư Chu Há tỏ vẻ hài lòng với cậu học trò, ông nói với tôi: “Tay này mới tập bài “Nhất điếu phiêu linh” được 2 tháng. Mọi động tác trước đều trơn tru nhưng cứ vướng “thế loan” (luồn binh khí các bộ phận trên cơ thế – PV) này mãi”.

Chiêu thức "Nhất điếu phiêu linh" do võ sư Chu Há sáng tạo.
Chiêu thức “Nhất điếu phiêu linh” do võ sư Chu Há sáng tạo.

Sau khi cho tôi chiêm ngưỡng bài võ “điếu cày điêu linh” (một thế võ mới mà võ sư Chu Há sáng tạo – PV), võ sư Chu Há mới bước vào chuyện đời, nghiệp võ của ông. Theo vị võ sư này, các danh quyền và danh phái võ thuật trong dân gian Trung Hoa được lưu truyền đều có nguồn gốc từ Thiếu Lâm. Do vậy ở Trung Hoa từ xưa đến nay thường có định danh “Thiên hạ công phu xuất Thiếu Lâm”, nghĩa là “tất cả các bộ môn võ thuật ở Trung Hoa đều có nguồn gốc từ Thiếu Lâm”. Môn phái Hồng gia quyền của võ đường Hồng quyền Chu gia cũng được khởi nguồn từ cái nôi của võ thuật Trung Hoa.

Nói về lịch sử của Hồng gia quyền, võ sư Chu Há nhớ tới sư phụ của mình là cố võ sư Tô Tử Quang. Ông sinh năm 1910 tại Long Châu, Quảng Tây, Trung Quốc. Ngay từ nhỏ, ông đã được đích thân cha là cụ Tô Cao Lân, một võ sư thành danh ở tỉnh Quảng Đông, truyền dạy môn Thiếu Lâm – Hồng Gia với sự say mê khổ luyện, ông đã tiếp thu được tinh hoa và kỹ thuật huyền diệu của môn phái. Năm 18 tuổi, trong một cuộc thi võ hàng năm của tỉnh Quảng Tây, ông đã đạt giải nhì toàn tỉnh và được mệnh danh là “Thần đồng võ thuật”.

Năm 1954, ông Tô Tử Quang sang Việt Nam sinh sống và làm việc tại một nhà máy in báo ở Hà Nội, sau này là Nhà máy in Thống Nhất. Năm 1954, ông Tô Tử Quang đã biểu diễn võ thuật tại nhà thi đấu Đông Dương nay là Thuỷ Tạ với bài La Hán Quyền, ông đã đạt huy chương Bạc. Từ năm 1954, ông Tô Tử Quang luôn là người đại diện cho võ phái Thiếu Lâm Hồng gia quyền của người Hoa tại Hà Nội cho đến ngày ông mất vào tháng 11.1998.

Về những mốc thời gian nổi bật của Hồng quyền gia tại miền Bắc, võ sư Chu Há điểm lại năm 1965, cố võ sư Tô Tử Quang cùng học trò đại diện cho hội Hoa Kiều biểu diễn võ thuật cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng và bác sĩ Trần Duy Hưng xem. Năm 1982, ông đã tham gia thành lập và phát triển hội võ thuật Hà Nội. Ông đã được bầu làm ban cố vấn võ thuật của Liên Đoàn võ thuật Việt Nam, và các môn phái khác đều công nhận ông Tô Tử Quang là chưởng môn đầu tiên của Thiếu Lâm Hồng gia quyền tại Hà Nội. Đến ngày, ngày 22.7.1998, ông đã được ông Hoàng Vĩnh Giang, lúc đó là GĐ Sở TDTT Hà Nội, thay mặt UBND thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu “Lão võ sư cao cấp” – Chưởng môn phái Hồng Gia Quyền Việt Nam.

Tới võ học bình dân

Từ nền tảng của võ học tinh hoa là những chiêu thức thâm sâu của Thiếu Lâm đến đời của võ sư Chu Há đã phát triển riêng biệt. Võ sư Chu Há cho rằng cuốc, xẻng, điếu cày, chổi, đinh ba là vật dụng quen thuộc của nhà nông nhưng khi đi vào võ học đều có tên và đòn thế riêng của nó, như bài võ xẻng thì gọi là “Tầm nã xẻng”, chổi là “Đàn chổi công”, cuốc là “Quỷ cuốc thần sầu” và điếu cày là “Nhất điếu phiêu linh”. Để giải nghĩa những chiêu thức võ thuật nghe lạ tai trên, võ sư Chu Há nói rằng, khởi nguồn của võ thuật là những động tác hàng ngày nhưng được phát triển lên thành chiêu thức. Như “quỷ cuốc thần sầu” là những động tác của người nông dân cuốc đất, đập đất. Hay bài võ “Nhất điếu thần sầu” là trạng thái say thuốc lào của một lão nông khi cày hái vất vả, hút điếu thuốc lào giải lao trên bờ ruộng…

z2

Hầu hết vật dụng quen thuộc mà ông gọi là “đặc dị khí”, mọi võ sinh trong môn phái Hồng quyền Chu gia mới nhìn đều muốn học ngay nhưng để học được phải là những đệ tử có khoảng thời gian tập luyện lâu, nắm chắc “cơ bản công” gồm Thủ pháp, Nhãn pháp, Thân pháp và Bộ pháp tốt mới đi vào binh khí. “Khi nắm chắc cơ bản công thì mới có thể phát triển lên được. Làm vậy để người học võ không thể mất gốc, phải giữ được hồn cốt Hồng quyền gia”, võ sư Chu Há nói.

Sau khi đã nắm chắc “cơ bản công” rồi thì tùy vào kỹ thuật của từng môn sinh mà sư trưởng Chu Há lại chọn những thế mạnh của từng đệ từ mà truyền dạy những bài võ “đặc dị khí”. Ví dụ như đệ tử nào mà có thân pháp và bộ pháp tốt (tay chân nhanh nhẹn, dẻo, biến hóa linh hoạt) thì sẽ hướng vào học võ điếu cày và võ chổi với bài “Nhất điếu phiêu linh”, “Đàn chổi công”. Còn những đệ tử có thiên hướng mạnh mẽ thì đi vào võ cuốc và võ xẻng…

Còn khi ứng dụng võ thuật vào thực tế, Nguyễn Hồng Minh, 25 tuổi với biệt danh Minh “tây”, đã học võ với thầy Chu Há được 3 năm cho biết, mỗi lần có việc đi làm, đi chơi về muộn yên tâm hơn. “Có lần vào giữa đêm đi một mình về nhà bị chòng ghẹo, em chỉ cần 3 động tác “võ mũ bảo hiểm” đã quật ngã 2 tên”, nữ võ sinh của Hồng quyền Chu gia hào hứng kể.

Theo Chí Thông – Báo Lao Động