Một môn võ đầy hào hứng và sôi nổi của Thái Lan mà hiện nay rất đuợc nhiều người ưa chuộng đã bắt nguồn từ cuộc thi đấu có tính cách truyền thống từ ngàn xưa của miền đất này là môn võ Krabi Krabong chuyên sử dụng kiếm và gậy.
Ngay từ ngàn xưa ở Xiêm(Thái Lan) người ta đã rất hâm mộ những màn quyết đấu đầy sắt máu thường tổ chức trong dịp lễ lạt hay những cuộc tranh tài để giành địa vị mà nhiều khi đưa đến tử vong. Những trận đấu thường diễn ra giữa hai đối thủ gặp nhau tại một khu đất rộng, phẳng phiu và mang một ý nghĩa có tính truyền thống : Người thắng cuộc bảo vệ được quyền lực của mình và giành lấy những lãnh địa cho riêng mình. Trong trận đấu, hai đối thủ thường là những người trong giới quý tộc, khi tranh đấu thường đứng thẳng biểu dương sức mạnh của Hoàng triều, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ danh dự và uy tín của mình. Người ta có thể hy sinh cả uy quyền và giàu sang của mình cũng chỉ vì một trận đấu, vì kẻ chiến thắng sẽ được chiếm giữ luôn cả lãnh địa của người chiến bại. Người chiến bại chẳng những mất hết đất đai, quyền hành mà còn trở thành nô lệ của người thắng cuộc. Trong tinh thần đó thì các trận đấu đã diễn ra một cách ác liệt, mang tính cách sắt máu, và có thể đi đến chỗ tử vong.
Ngày nay, tuy môn võ bắt nguồn từ truyền thống đó, nhưng không còn là những cuộc tử chiến như xưa nữa, mà chỉ là một phương thức tập luyện để rèn luyện cơ thể và tranh tài trong những dịp tổ chức các ngày lễ hay những cuộc tranh giải không mang tính chất sắt máu nữa. Đây là môn võ được Hoàng gia Thái thích thú và các sinh viên Đại học ưa chuộng.
Những động tác đặc biệt :
Theo truyền thống, đấu thủ mang trên trán một sợi dây bùa Mongkouđể trừ tà ma, trên tay là một thanh kiếm hoặc một gậy gỗ sẵn sàng quyết đấu. Khi trận đấu bắt đầu, các đấu thủ bước tới bước lui theo những thế uyển chuyển và dồn dập khiến cho mồ hôi đổ ra thấm ướt cả bộ võ phục. Võ phục có màu huyết dụ, tượng trưng cho sức mạnh hào hùng. Sau những thế bước uyển chuyển để giành ưu thế, các binh khí bắt đầu chạm nhau, và trong những cuộc đấu xưa kia thì nó có thể gây thương tích cho đối thủ và làm đối thủ ngã gục. Ngày nay thì những trận thi đấu giữa hai đối thủ của môn võ Krabi Krabong được tính điểm do những động tác đụng chạm vũ khí vào người nhưng không được gây thương tích cho đối thủ, tuy không đem đến sự thương vong nhưng cũng rất hào hứng.
Tiếng trống cổ võ :
Các trận đấu ngày nay thường tổ chức trên các sàn gỗ đánh bóng, chung quanh là khung cảnh thiên nhiên với những tàn cây xanh khiến cho đấu trường mang một vẻ vừa thanh thoát vừa huyền bí, chung quanh là khán giả ngồi xem.
Hai đối thủ cầm kiếm hoặc cầm gậy trên tay, đứng vào hai góc đối diện nhau và cách nhau từ 3 đến 6 thước. Trước tiên, theo đúng nghi lễ, một đối thủ đặt võ khí xuống bên cạnh mình rồi cúi thấp đầu trong tư thế Wai-Khrus để tỏ lòng tôn kính đối với Tổ sư và để chào. Trong khi đó thì đấu thủ kia, mang thắt lưng xanh vàng, đưa tay lên cao di chuyển nhẹ nhàng vào thế bái Tổ Khun-Prom. Đây là vũ điệu tạ ơn của môn phái, trực thân công hãm chống lại kẻ thù tưởng tượng. Sau đó tiếng sáo được thổi lên nhè nhẹ, réo rắt theo từng điệu bộ của các đấu thủ, và trận đấu bắt đầu. Các đấu thủ di chuyển nhanh hơn vào các thế võ, mỗi người đều cố gắng biểu dương tuyệt kỹ của mình. Bốn bàn chân nhịp nhàng theo tiếng trống cổ võ đang giục giã liên hồi làm rung động cả đấu trường. Hai võ sĩ bổng nhiên trở thành hai vũ sư biểu diễn một màn vũ dân tộc độc đáo trong cuộc tranh đấu.
Những thanh kiếm hoặc những cây gậy trong tay hai đấu thủ được sử dụng nhuần nhuyễn mau lẹ và đan vào nhau trong tư thế mạng nhện Dern-Plaeng.
Có khi một đấu thủ giả vờ thất thế để cho đối thủ của mình vây chặt rồi bất ngờ xoay người trở lại và phản công.
Tiếng nhạc, tiếng trống vẫn luôn luôn vây quanh hai đấu thủ trong khi đôi chân của họ uyển chuyển trong các thế đi của môn võ. Một đối thủ có thể mở thế công, vung kiếm chém xả vào đối phương, nhưng cũng có thể lui vào thế thủ để đỡ ngọn cước hiểm độc của đối thủ vừa tung ra.
Bỗng nhiên một đấu thủ giành được ưu thế, đưa lưỡi kiếm thọc mạnh vào tay đối thủ, cố gắng dồn đối phương vào thế chịu trận trong khi tiếng trống cổ võ càng thúc giục mạnh hơn. Trong trường hợp này, đối thủ có thể thúc thủ chịu thua, nhưng cũng có thể phản ứng lại, đánh bạt được ngón đòn đó và nắm lấy cổ tay người áp chế mình, quật ngược thế cờ, vung kiếm chém lại. Người kia chỉ có cách quay mình về phía sau và nằm xuống sàn để tránh kiếm vừa chém xuống.
Tiếng trống dồn dập cổ võ cho người thắng cuộc. Người thua cuộc hô to “Pae” trong khi người thắng cuộc hô “Channa”.
Khả năng an toàn khi thi đấu :
Không giới hạn thời gian, trận đấu Krabi Krabong quả thật đã thử thách sức chịu đựng dẻo dai của các đấu thủ. Trận đấu chỉ kết thúc khi nào kẻ bại trận thật sự quy phục đối phương của mình.
Không như những thế kỷ trước đây, khi mà danh dự, uy thế và giá trị của hai lãnh địa còn đè nặng trên đôi vai các nhà quý tộc, ngày nay các đấu thủ của môn võ Krabi Krabong phải chứng tỏ khả năng vượt bực của họ bằng cách biểu dương sức chịu đựng và kỹ thuật chiến đấu tuyệt diệu của mình. Từ khi các đấu thủ được trang bị những dụng cụ phòng thân thì việc đổ máu bị thương tích không còn xảy ra nữa, có chăng chỉ là sự va chạm đau đớn hoặc rách quần áo mà thôi. Đôi khi các đấu thủ bị chịu sự đau đớn do các vết thương nơi cổ tay, cổ chân hoặc bị quặp ngón tay cái, có khi bị chảy máu mũi, nhưng không đi đến trầm trọng hoặc tử vong được.
Võ Krabi Krabong có từ bao giờ ?
Lịch sử của Krabi Krabong hết sức mơ hồ. Người ta có thể tin rằng khoảng 500 năm về trước, môn võ này đã được dùng để huấn luyện cho binh sĩ trong quân đội. Người ta cũng kể rằng những chiến sĩ rỗi rảnh trong thời binh đã sáng lập ra môn võ này để thử sức chịu đựng dẻo dai, thử tài xông trận, và tinh thần chiến đấu của ba quân.
Ngày nay, môn võ Krabi Krabong sử dụng tất cả 6 loại binh khí : Kiếm công Krabi (miền Tây Thái), gươm thép Daab, xích búa (dài 2 thước), côn gỗ (dài 1m8), đôi song gỗ (dài 0m45) và khiên da (đủ cỡ).
Krabi Krabong là môn võ có tới 400 ngón đòn kỹ thuật sử dụng với các loại vũ khí khác nhau, tùy theo từng trận đấu. Một người muốn thâu thập được hết các ngón đòn căn bản cũng phải trải qua một thời gian học hỏi là 5 năm. Số võ sinh học được cách sử dụng một hay vài vũ khí cũng rất ít vì Krabi Krabong đòi hỏi thời gian khổ luyện khá công phu và lâu dài.
Lúc biểu diễn trước mắt hàng trăm, hàng ngàn khán giả, người chuyên môn thường mang theo ít nhất ba loại vũ khí. Phần lớn những vũ khí đó là những đồ cổ đắt giá, thường chỉ được đem ra lúc biểu diễn mà thôi. Loại vũ khí được chế tạo theo kiểu ấy thường rất phức tạp và hào nhoáng chỉ thích hợp với những buổi biểu diễn võ thuật mang tính cách lễ nghi. Còn loại vũ khí dùng để chiến đấu hoặc huấn luyện thì thường được làm bằng gỗ, bằng tre hay bằng mây.
Môn võ của giới trí thức
Ngày nay, các võ sư Krabi Krabong được mời vào huấn luyện cho Hoàng gia Thái lan và các trường Đại học hoặc Trung học. Các trường Đại học Thái thường vẫn tự hào về đội võ Krabi Krabong của mình. Ngay như Đại học Vật Lý, Giáo Dục ở Bangkok chỉ chuyên về khoa học kỹ thuật cũng rất ưa chuộng môn võ này.
Tại các viện Đại học, các sinh viên vẫn ganh đua nhau trong những lần biểu diễn. Nghi thức mở đầu trận đấu hào hùng trong các cuộc ganh đua hay biểu diễn đã diễn tả được sức sống mãnh liệt của con người. Các học sinh, sinh viên mặc những võ phục có màu sắc thay đổi tùy theo trường, rập khuôn theo tập quán và truyền thống sẵn có.
Hiện nay các trận đấu được quy định trong giới hạn từ 3(?) tới 5 phút cho mỗi hiệp đấu đối với nam đấu thủ. Còn với các nữ đấu thủ thì trận đấu chỉ được kéo dài tối đa 3 phút cho mỗi hiệp.
Bất cứ nơi nào trên thân thể cũng có thể bị tấn công. Chỉ trừ những trận đấu giao hữu, kẻ nào phạm luật cấm tức là “lăng nhục trận đấu”. Vì vậy, tự vệ bằng cách sử dụng ngón hậu cước hoặc thế võ quyền anh lúc đấu thủ bị rơi kiếm là chuyện ít khi xảy ra. Đấu thủ nào vi phạm các điều luật đã quy định cho trận đấu sẽ bị trừ 1 điểm. Do đó đấu thủ nào ít lỗi nhất, đạt được những cú đánh đẹp sẽ là người thắng cuộc, chứ không như ngày xưa, phải đợi đấu thủ gục ngã, qui hàng thì mới được gọi là thắng cuộc.
Qua môn võ Krabi Krabong, người Thái đã thể hiện được lòng say mê mãnh liệt đối với thiên nhiên. Chính những sôi nổi mang tính cách đặc thù của môn võ này luôn luôn nung nấu trong lòng người dân Thái. Đó cũng là niềm hãnh diện của dân tộc Thái vậy.
Vothuat.info: sưu tầm