Theo truyền thống, là một võ sĩ Sumo thì đầu óc phải luôn luôn trong sạch, không bao giờ nghĩ đến gái, bởi vì đây là một môn thể thao hết sức nghiêm túc, đòi hỏi VĐV phải tập trung cao độ để đạt đến thành công.
Nếu có dịp bước vào Shitakubeya – phòng đợi của một võ đường Sumo, bạn sẽ thấy những “đống thịt” khổng lồ tưởng chừng như bị đông cứng, nằm xoãi dài trên thảm.
Cuộc sống của võ sĩ Sumo hoàn toàn khác biệt với các VĐV ở tất cả các môn thể thao khác. Không có môn võ nào mà tất cả võ sinh – lính mới cũng như có đẳng cấp – cùng sống chung, tập luyện chung dưới mái võ đường. Vị chưởng môn – Oyakatta – có quyền tuyệt đối định đoạt số phận của từng môn sinh. Từ cái ăn, cái ngủ đến những sinh hoạt khác đều tùy thuộc vào đẳng cấp của anh ta.
Oyakatta là một võ sĩ đã từ giã vũ đài và đạt đến đẳng cấp cao nhất Yokozuna (đại sư), khi tập hợp đủ môn sinh thì có quyền mở võ đường riêng hoặc kế tục địa vị của người khác. Ông và vợ ông (Okami-san) là cha mẹ đỡ đầu của một gia đình gồm toàn những chàng trai trẻ được tuyển chọn từ mọi miền trên đất Nhật. Oyakatta làm nhiệm vụ giáo huấn tinh thần, thể chất và võ thuật cho võ sinh, trong khi đó, Okami-san – người đàn bà duy nhất được phép sống trong võ đường – dạy họ nấu ăn và cách lo liệu cho chính họ. Nhưng quan trọng hơn, bà chính là người chăm sóc họ những khi đau ốm và an ủi những lúc họ tâm sự nỗi niềm riêng.
Thiên chất để trở thành một võ sĩ Sumo có thể được phát triển từ thuở thiếu thời do những “chuyên viên tuyển lựa” của các võ đường đi lùng sục khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn. Sau đó thì chính cha mẹ đưa anh ta đến làm lễ thọ giáo với Oyakatta, tin tưởng rằng con họ đủ khả năng và tư cách đạo đức để trở thành một võ sĩ.
Nếu bạn là môn sinh mới bước chân vào võ đường, trước tiên bạn được đối xử như một vị khách danh dự, ăn cùng mâm với những võ sĩ có đẳng cấp cao hơn và những vị khách khác, chẳng phải làm việc gì và chưa phải tập tành gì. Sau một tuần được “coi giò coi cẳng”, vị chưởng môn thấy bạn quyết tâm gia nhập võ đường, lúc đó bạn mới thật sự không còn là khách quý nữa mà trở thành một anh lính mới tò te.
Anh bắt đầu bằng công việc tạp dịch trong võ đường như lau chùi phòng vệ sinh, rửa chén bát, quét dọn, chạy việc vặt cho các sư huynh. Muốn ăn được quả tốt, phải biết trồng cây. Đó là điều bạn nên biết và tự nguyện chấp nhận. Bạn ăn những bữa chỉ toàn súp với cải bắp và một ít xương sụn.Vì bắt buộc phải làm những công việc lặt vặt, bạn không bao giờ ngủ sớm được và mất ngủ là chuyện thường xuyên làm ảnh hưởng đến những buổi tập sáng hôm sau của bạn. Các bạn đồng môn không hề thông cảm và thương xót bạn chút nào, trái lại họ sẽ “dần” cho bạn những đòn chí tử lên thể xác lẫn tinh thần. Đây được xem như giai đoạn thử lửa để chứng tỏ ý chí sắc đá của bạn.
Qua được ngưỡng cửa này, bạn chính thức trở thành một võ sinh Sumo. Lúc này bạn tham gia những buổi luyện tập căng thẳng vào buổi sáng, tắm rửa, ăn uống đầy đủ để bù vào số lượng calori tiêu hao trong ngày và được ngủ ngon giấc.
Muốn trở thành một VĐV Sumo để tham gia thi đấu, bạn phải cao tối thiểu 1,74m và nặng 75kg. Võ sĩ nặng cân nhất thế giới hiện nay là Konishiki-tên thật là Salevaa Atisanoe-người Hawaii với “khối thịt” khổng lồ nặng 263 kg, là người nước ngoài đầu tiên dành chức vô địch 1992 từ tay người Nhật. Đây là một sự kiện hết sức quan trọng và đáng nhớ…đời trong thế giới Sumo.
Những võ sinh có đẳng cấp thấp cùng sống chung trong một nơi được gọi là Sumobeya, như một “nhà giam” kiên cố trong võ đường. Tuy nhiên họ cũng có đầy đủ phương tiện giải trí hiện đại như tivi, sách báo, trò chơi điện tử. Những sư huynh sống riêng từng phòng và đều có “lính mới” để sai vặt. Riêng Oyakatta cùng gia đình sống trong một khu vực riêng biệt, “vô phận sự cấm vào”, ngoại trừ bạn bè, những người thân và những vị khách quý. Nếu võ đường là một tòa cao ốc ba tầng thì cấp nhỏ nhất ở tầng trệt còn sư phụ ở tầng cao nhất, đúng theo tôn ti trật tự của người Đông Phương.
Ở Tokyo có tất cả 30 võ đường được Hội Sumo chính thức công nhận. Nhiều võ đường trong số này tập trung quanh khu vực Asakusabashi và Ryogoku. Vào mùa hè, mọi người có thể nhìn thấy họ ì ạch lê bước dạo chơi trên những đường phố hẹp trong bộ yukata và đôi guốc gỗ.
Những trận thi đấu và biểu diễn được tổ chức khắp nước Nhật. Đây là một môn võ cổ truyền của Thần đạo Nhật Bản xuất hiện cách đây khoảng 1.800 năm, hàng năm thu hút khoảng 60 triệu khán giả xem những trận thi đấu trực tiếp và trên truyền hình. Ở Nhật, nó có số lượng người hâm mộ đông hơn bất cứ môn thể thao nào khác, ngoại trừ môn bóng bầu dục. Võ sĩ Sumo ở bất cứ thời nào cũng được xã hội kính trọng và hình ảnh của họ có mặt mọi nơi trong đời sống hàng ngày của người dân. Không riêng gì nam giới-từ già đến trẻ và đủ thành phần trong xã hội- nữ giới cũng là những cổ động viên nhiệt tình. Họ đến sân vận động thật sớm, kiên nhẫn đứng đợi hàng giờ liền ở chỗ đậu xe, tay thủ sẵn máy quay phim với hy vọng thu được hình ảnh thần tượng của mình bước khệnh khạng xuống xe để vào đấu trường.
Một nghi thức cổ truyền không bao giờ thay đổi là trước khi trận đấu bắt đầu, trọng tài rắc muối lên sàn đấu để nhắc nhở lòng thanh khiết của VĐV, không bao giờ có hành động ám hại đối thủ.
Theo truyền thống, là một võ sĩ Sumo thì đầu óc luôn luôn trong sạch, không bao giờ nghĩ đến gái, bởi vì đây là một môn thể thao hết sức nghiêm túc, đòi hỏi võ sĩ phải tập trung cao độ để đạt đến thành công. Nhưng truyền thống này đã bị phá vỡ từ lâu, nhiều võ sĩ đã cưới vợ và sinh con trong thời gian còn tham gia thi đấu.
Tiện đây, cũng xin nhắc lại chuyện một “quả bom” nổ lớn, không những trong làng Sumo mà còn vang dội khắp nước Nhật và cả thế giới, vào tháng 10 năm 1992 khi người mẫu kiêm diễn viên Rie Miyazawa họp báo chính thức công bố nhận lời cầu hôn với nhà vô địch Takahanada trước 350 phóng viên trong vòng 20 phút. Nàng sung sướng tuyên bố: “Khi thấy Takahanada trên sân đấu, tim tôi vô cùng xao xuyến”. Vài kênh truyền hình không bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng này đã đi xa lời tuyên bố của Rie bằng cách tạo đồ họa vi tính con cái của hai người.
Ngay cả thủ tướng Nhật lúc đó cũng bình luận sự kiện này: “Không thể không tin được? Tôi muốn nói, tôi thật sự sửng sốt.”
Takahanada là võ sĩ Sumo thần tượng của dân Nhật còn Rie là một người mẫu đã từng làm mẫu cho một tập sách ảnh khỏa thân gây nhiều tranh luận trong năm 1991.(Về phương diện này, Rie là “đàn chị” của Madonna trước nhiều tháng). Những người hâm mộ lo sợ Rie sẽ làm hại cuộc đời của Takahanada, nhưng có người lại cho rằng: “Một võ sĩ Sumo khỏe mạnh cần có một người vợ tốt để săn sóc anh ta…”. Và đến giờ thì ngoài những giây phút dỗi hờn lẻ tẻ, đôi vợ chồng hết sức cách biệt về trọng lượng này rất ý hợp tâm đầu. Và đây cũng không phải là trường hợp duy nhất trong lịch sử Sumo của Nhật. Trong quá khứ, nhiều diễn viên cũng đã hy sinh nghề nghiệp của họ để trở thành những người nội trợ đảm đang và là dâu hiền trong làng Sumo.
Vothuat.info (tổng hợp)