Khi bạn hỏi một người Châu Âu về Kick boxing của Châu Á, chắc chắn bạn sẽ nhận được câu trả lời: “vâng, đó là Boxing Thái”. Nếu bạn hỏi người Thái Lan về Kick boxing, bạn có thể có được câu trả lời: “Tất nhiên, đó là Muay Thai, chúng tôi sáng tạo ra nó”. Nhưng khi bạn hỏi người Lào thì bạn sẽ nhận được lời giải thích rằng: “Muay là môn võ thuật truyền thống của Đông Nam Á, có nguồn gốc từ Campuchia, người Thái Lan gọi là Muay Thai, còn người Lào thì gọi là Muay Lao”.
Trong các sự kiện thể thao Đông Nam Á, từ “Muay” thường đóng vai trò như một chiếc “ô” cho tất cả các thể loại Kick boxing truyền thống của quốc gia như Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia và Việt Nam. Từ “Muay” xuất phát từ thuật ngữ “mavya” trong tiếng Phạn, có nghĩa là “boxing”. Võ thuật tay không đã luôn là một phần không đổi của khu vực Đông Nam Á từ thời cổ đại đến nay. Bằng chứng cho thấy một thể loại tương tự Kick boxing được thể hiện bởi người Khmer trong thời đại Angkor. Kể từ khi vương quốc Angkor tại thời điểm lúc bấy giờ chi phối và kiểm soát hầu hết các vùng của Đông Dương, có nhiều khả năng rằng Muay đã bắt đầu với những người Khmer từ rất sớm. Trong bối cảnh đó, danh hiệu thường được dùng cho Muay Lao như “người anh em của Kick boxing Thái” có vẻ sai, nhưng cũng có những sử gia cho rằng Muay Lao có nguồn từ miền Bắc Thái Lan.
Muay Lao vẫn còn là một môn thể thao ít phát triển tại Lào hơn so với Muay Thai tại Thái Lan. Những giải đấu chuyên nghiệp chỉ được tổ chức tại Viêng Chăn mỗi tháng 2 lần và cũng chỉ có vài võ sĩ chuyên nghiệp trong cả nước đăng ký tham dự.
Muay Lao nói riêng và cũng là Muay nói chung, được gọi là “nghệ thuật bát chi”, đề cập đến lối chiến đấu bằng tay, chân, cùi chỏ, đầu gối để tấn công đối thủ. Trong suôt thời kỳ thuộc địa ở Đông Dương, Muay được coi là tàn bạo và không văn minh cho đến khi người Pháp cố gắng giảm bớt các tổn thương khi thêm vào các bảo hộ như găng tay boxing giống phương Tây. Trong Muay Lao, tất cả các bộ phận của cơ thể (trừ vùng háng) điều có thể là mục tiêu tấn công hiệu quả. Các động tác phổ biến như đánh khuỷu tay vào đầu và mặt, đá cao đến cổ, đá thấp vào bắp chân hay gối, đấm móc vào sườn, thậm chí là nắm đầu đối phương kéo xuống để đánh gối. Hầu hết các cú đá được các võ sĩ sử dụng để phá trụ đối thủ, các đòn đánh bằng tay mới được xem là quan trọng.
Ở Lào, kick boxing phổ biến nhưng chủ yếu ở khu vực Viêng Chăn. Tại những ngôi làng cách xa thủ đô, những chàng trai muốn học Muay thì chỉ có thể tìm đến những huấn luyện viên là anh, em, chú, bác của họ. Những huấn luyện viên miệt vườn này biết chút ít về Muay Lao, và với họ dụng cụ để tập luyện tốt là một bao cát, có khi là thân cây chuối cũng được dùng như một bao cát. Các trận đấu Muay Lao thường được diễn ra vào các ngày lễ Phật Giáo. Tại các ngôi làng và thị trấn nhỏ gần khu vực Viêng Chăn thì Muay Lao đã ngày càng phát triển chuyên nghiệp hơn. Thường thì mỗi tuần 1 lần, các võ sĩ trẻ được nhận lời mời và được chi trả ít tiền để tham gia giải đấu lớn trong các đấu trường ở Viêng Chăn.
Clip minh họa
Nhiều người dân Lào tin rằng trong một vài năm võ sĩ của họ sẽ tốt như các võ sĩ của Thái Lan. Một số lượng lớn các võ sĩ Muay Lao được đào tạo để cạnh tranh với các võ sĩ Muay Thai đến từ Thái Lan và ngày càng có nhiều phòng tập chuyên nghiệp được thành lập ở Viêng Chăn. Ngoài ra, các em gái và phụ nữ cũng ngày càng quan tâm nhiều hơn tới Muay Lao. Như vậy có thể thấy rằng, với sự quan tâm của các nhà chức trách, các nhà đầu tư cũng như người dân Lào cho sự phát triển của Muay Lao thì trong tương lai không xa, một ngày nào đó giấc mơ “đóng lại” sự nổi tiếng của Muay Thai của các võ sĩ người Lào sẽ thành hiện thực.
Clip minh họa:
Trung Hiệp (Tổng hợp)