Một thanh kiếm có lẽ không phải là lựa chọn tốt nhất để đối đầu với xe tăng và súng trường. Nhưng đối với John Malcomlm Thorpe Fleming Churchill, biệt danh “Jack Điên”, không có thứ gì đáng tin cậy hơn một thanh kiếm và một cây cung cả.
Sinh ra trong một gia đình tại Oxforshire, ông tốt nghiệp Học viện Quân Sự Hoàng Gia vào năm 1926 tại Sandhurst. Trước khi trở nên nổi tiếng trong chiến tranh, Jack từng làm biên tập viên cho một tờ báo ở Nairobi, một người mẫu, và có cả một vai diễn trong bộ phim Tên trộm thành Bagdad nhờ tài bắn cung của mình. Chính tài năng đó cũng đưa ông tới Oslo, Na Uy để thi đấu cho đội tuyển Anh tại giải vô địch bắn cung quốc tế năm 1939. Lúc bấy giờ, châu Âu đang nhanh chóng bị cuốn vào cuộc Thế Chiến 2. Jack Điên thì đã giải ngũ sau 10 năm phục vụ, nhưng rồi vui vẻ quay lại vì “trong lúc tôi vắng mặt thì đất nước này loạn cả lên.”
Tháng 5 năm 1940, Jack Điên trở thành phó chỉ huy trong một đại đội bộ binh. Ông luôn chiến đấu với một cây cung và một thanh kiếm. Mặt dù những thứ vũ khí này đã quá lỗi thời, Churchill vẫn bào chữa cho chúng: “Theo tôi thì bất kì sĩ quan nào đi vào chiến trường mà không mang kiếm thì coi như là ăn mặc sai quy định vậy.”
Bộ vũ khí thời Trung Cổ của Jack cũng không phải chỉ để trang trí. Trong trận Dunkirk năm 1940, nơi mà 300 nghìn quân bị giữ chân trên bãi biển và phải sơ tán, Churchill đã hạ gục một lính Đức bằng một mũi tên. Và một lúc sau, người ta thấy ông lái một chiếc xe máy với cung tên treo ngang xe. Một chiếc mũ lưỡi trai của sĩ quân Đức được treo bên đèn pha.
Năm 1941, Jack Điên tình nguyện tham gia chiến dịch Archery – một cuộc tấn công vào trại đồn trú của quân Đức ở Na Uy; có lẽ không cần nói cũng biết ông đã sử dụng cây cung của mình tài ba như thế nào, đúng như tên của chiến dịch. Trong trận chiến, hai đại đội của ông nhận nhiệm vụ triệt tiêu hỏa lực địch trên đảo Maaloy. Trên con tàu đưa ông lên bờ biển, ông dùng kèn túi chơi bài “Hành khúc những người xứ Cameron” .Tới lúc cập bờ, ông xông vào với kiếm trên tay cùng người của mình và ông luôn là người đi đầu.
Thanh kiếm sau đó cũng làm tốt nhiệm vụ của mình. Năm 1943, Jack đang là sĩ quan chỉ huy ở Salerno, khi mà người của ông bị buộc phải chiến đấu hàng ngang – việc mà họ chưa được huấn luyện để làm. Churchill đứng phía trước lính của mình với thanh kiếm trong tay. Từ màn đêm ông nhảy vụt qua đám lính gác, giương cao kiếm, và đám lính Đức – hoảng sợ vì “con quỷ” mà họ vừa thấy – đã đầu hàng. Churchill bắt được 42 tù binh trong đêm đó chỉ với một cộng sự và thanh kiếm. Việc này cũng được ông nhắc đến trong triết lý khi đánh nhau với quân Đức, được ông miêu tả ngay sau khi bắt giữ 42 tên tù binh:
“Quan điểm của tôi là nếu chúng ta ra lệnh một lính Đức phải làm gì bằng một giọng to và rõ, thì anh ta sẽ tưởng lầm mình đang bị cấp trên chỉ huy và sẽ hô to “Jawohl” (Tuân lệnh), cùng lúc đó anh ta sẽ thực hiện khẩu lệnh này ngay lập tức.”
Tiếp đó, Churchill được gửi tới Yugoslavia nơi ông dẫn đầu một nhóm tấn công bất ngờ vào đảo Vis. Tháng 5 năm 1944, một chiến dịch lớn hơn với kế hoạch gồm ba cuộc tấn công vào ba mục tiêu trên các đỉnh đồi. Jack Điên dẫn đầu một đội lên một con đồi, nhưng chỉ có sáu người trong số họ tới được mục tiêu. Jack nhận thấy mình đang nằm trong tầm ngắm của địch với chỉ vài người còn lành lặn để bảo vệ mình, và ông đã làm việc mà bất kì người lính có ý thức nào cũng làm… đó là chơi kèn túi bài “Will Ye No Come Back Again”, lần này, ông đã bị quân Đức knock-out bằng lựu đạn và bị bắt.
Churchill bị giam ở trại tập trung Sachsenhausen sau khi bị hỏi cung. Người Đức tin rằng ông là họ hàng của Winston Churchill – Tổng thống Anh lúc bấy giờ, và dù sự thực không phải vậy, ông vẫn bị xếp vào dạng tù binh “đáng chú ý” vì cấp bậc của mình. Như dự đoán, Jack Điên không phải kiểu người cam chịu sống trong nhà tù. Ông đã thực hiện một cuộc vượt ngục vào tháng 9 bằng cách chui theo đường cống qua hàng rào thép gai. Ông cùng một đồng chí khác đã bị bắt lại sau đó và chuyển sang một trại giam ở Áo.
Tháng 4 năm 1945, hệ thống chiếu sáng của nhà tù tại Áo bị hỏng. Churchill đã tận dụng cơ hội này để “sủi tăm” luôn. Ông đi bộ suốt 8 ngày và sau 150 dặm, ông đã gặp được lực lượng thiết giáp của Hoa Kỳ. Thành công trong việc thuyết phục họ rằng ông là một đại tá Anh bất chấp vẻ ngoài của mình, ông được trả về an toàn.
Nhưng, an toàn và yên bình không phải thứ mà Jack Điên nhắm tới. Ông đã thất vọng khi biết rằng cuộc chiến đang nguội dần và ông đã bỏ lỡ cả một năm trời. Thay vì về nhà, ông lại đăng ký tới Burma nơi mà cuộc chiến với Nhật Bản vẫn còn “nóng bỏng”. Xui cho ông, khi lúc ông đặt chân tới đó, hai quả bom nguyên tử đã được thả xuống Hiroshima và Nagasaki. Tức là về cơ bản, chiến tranh đã kết thúc. “Nếu không phải vì mấy tay người Mỹ thì chúng ta đã có thể giữ cuộc chiến kéo dài thêm ít nhất 10 năm nữa rồi!”, Churchill nói.
Nhưng cuộc phiêu lưu của Churchill không dừng lại ở đây. Ông quyết định tham gia đào tạo để thành lính dù, sau khi tốt nghiệp, ông được gửi tới Palestine với tư cách là phó chỉ huy của Tiểu đoàn 1. Sau đó ông làm huấn luyện land-air warfare tại Úc, nơi ông bắt đầu hứng thú với lướt sóng. Ông về hưu năm 1959 và mất năm 1996 ở Surrey.
Theo Trí Thức Trẻ