Đầu năm 1069, người Chiêm Thành lên kế hoạch bắt tay với quân Tống nhằm xâm chiếm nước ta. Trước tình hình nguy cấp đó, vua Lý Thánh Tông đích thân dẫn quân đi chinh phạt Chiêm Thành. Tuy cuộc chiến diễn ra vô cùng khó khăn nhưng động lực từ hậu phương đã giúp nhà vua vực dậy ý chí chiến đấu và mang chiến thắng vang dội về cho Đại Việt.
Thế lực “xã hội đen” bang hội két tiếng trong lịch sử Trung Quốc
Top 5 đạo kỵ binh mạnh nhất lịch sử thế giới
Lý Thánh Tông (Lý Nhật Tôn) là con trưởng của Lý Thái Tông, mẹ là Kim Thiên thái hậu Mai thị. Ông sinh ngày 25 tháng 2 năm Quý Hợi, niên hiệu Thuận Thiên thứ 14 (tức 30 tháng 3 năm 1023) tại cung Long Đức, triều Lý Thái Tổ.
Từ Thái tử tài ba đến ông vua nhân từ “yêu dân như con”
Sinh ra thừa hưởng những tố chất của cha từ bé, Thái tử Nhật Tôn sớm tinh thông kinh truyện, rành âm luật, giỏi võ nghệ. Ông tỏ ra là người thông minh xuất chúng. Tháng 8 năm Quý Dậu (1033), ông được vua cha phong tước hiệu Khai Hoàng Vương, cho ở cung Long Đức để học tập. Ông may mắn được Vua cha cho đi theo chinh chiến, chứng kiến những biến cố trọng đại của đất nước và làm quen với các quan lại trong triều để hiểu sâu hơn về việc chính sự. Không phụ lòng Vua cha tin tưởng và thương yêu, Lý Thánh Tông ngày đêm miệt mài chăm chỉ học hành và luyện võ, nghiên cứu binh thư và thư pháp trong triều. Sớm được tiếp xúc, gần gũi với cuộc sống dân chúng nên hiểu được nỗi khổ của dân và thông thạo nhiều việc.
Năm 1039, vua cha xung trận đã tin cậy giao phó cho Lý Thánh Tông việc coi sóc kinh thành, triều chính, xét xử các vụ án, kiện tụng. Anh minh, sáng suốt cùng với những cách xử lý sự việc thông minh, Lý Thánh Tông nhanh chóng được sự tín nhiệm của các quan lại trong triều. Nhân dân cũng hết mực kính phục sự nhân từ, công minh và tài giỏi của ông.
Đến năm 1054, vua cha lâm bệnh nặng rồi băng hà, Lý Thánh Tông chính thức lên ngôi vua theo di chúc.
Đại Việt Sử ký Toàn thư có miêu tả ông như sau: “Vua khéo kế thừa, thực lòng thương dân, trọng việc làm ruộng, thương kẻ bị hình, vỗ về thu phục người xa, đặt khoa bác sĩ, hậu lễ dưỡng liêm, sửa sang việc văn, phòng bị việc võ, trong nước yên tĩnh, đáng gọi là bậc vua tốt”.
Không những thế đến ngày giá rét, vua Thánh Tông có bảo các quan hầu cận rằng: “Trẫm ở trong cung ngự sưởi than thú, mặc áo hồ cừu mà còn rét thế này. Huống chi những tù phạm giam trong ngục, phải trói buộc, cơm không có mà ăn, áo không có mà mặc; vả lại có người xét hỏi chưa xong, gian ngay chưa rõ, nhỡ rét quá mà chết thì thật là thương lắm”.
Mối tình “không hẹn mà gặp” với cô gái hái dâu tựa gốc cây lan
Hy sinh những giây phút quý báu của tuổi trẻ cho việc triều chính, vì vậy nhà vua đến tuổi đã “tứ tuần” mà chưa có con trai nối dõi, ngài lấy làm lo lắng. Năm 1062, vua bèn xa giá đi các chùa để lễ Phật cầu tự.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Tục truyền, vua Lý Thánh Tông cúng khấn cầu tự chưa thấy hiệu nghiệm, mới đi chơi khắp chùa quán. Xa giá đi đến đâu, con trai con gái đổ xô đến xem không ngớt. Khi qua Thổ Lỗi (nay thuộc Gia Lâm, Hà Nội), vua tình cờ nghe thấy tiếng hát trong trẻo vang lên từ ruộng dâu bèn cho người tìm hiểu. Đó là giọng hát của cô gái Lê Thị Yến Loan, làm nghề hái dâu chăn tằm, người làng Thổ Lỗi”.
Cho dù trong cung điện có biết bao nhiêu giai nhân tuyệt sắc nhưng đây là lần đầu tiên một cô gái thôn quê có sắc đẹp dịu dàng, tươi tắn như bông hoa đọng sương vừa nở lúc sớm mai đã làm rung động trái tim của vị hoàng đế thông minh, đa tài này. Và ngay bữa ấy vua rước nàng về cung.
Từ ngày vào cung, vua Lý Thánh Tông dù rất bận việc triều chính nhưng hằng ngày vẫn luôn dành thời gian cùng Ỷ Lan trò chuyện, uống rượu, ngắm hoa… Mặc dù xuất thân từ nghèo khó nhưng sự hiểu biết của Ỷ Lan hơn hẳn nhiều phi tần trong cung. Điều này càng làm cho vua Lý Thánh Tông yêu say đắm và nể trọng nàng hơn. Để có thể làm vui lòng nhà vua mỗi khi trò chuyện, Ỷ Lan đã không quản ngày đêm đọc sách, trau dồi sự hiểu biết về chính sự, nghiền ngẫm thi thư, giúp vua chăm lo việc nước.
Sau một thời gian ngắn, Ỷ Lan đã làm cho tất cả các quan tả hữu và phi tần kính phục mình về ý chí miệt mài học hỏi. Ỷ Lan không những đọc thông thạo sách sử, làm thơ phú mà còn đưa ra được những cách giải quyết các công việc triều chính rất thông minh, hợp lý cùng nhà vua.
Chút “sĩ diện đáng yêu” là động lực giúp Lý Thánh Tông chinh phạt Chiêm Thành
Đầu năm Kỉ Dậu 1069, quân Chiêm Thành quấy rối ở biên giới phía Nam Đại Việt, âm thầm bắt tay, thần phục nhà Tống với mưu đồ tạo thành thế gọng kìm, trên đánh xuống, dưới đánh lên. Trước tình hình nguy cấp đó, để giữ yên bờ cõi, nhà Lý buộc phải nhanh chóng đưa ra đối sách và đi đến quyết định sẽ lần lượt đối phó, bẻ gẫy từng bên một, từ đó, đập tan toàn bộ âm mưu xâm lược của nhà Tống. Vua Lý Thánh Tông thân chinh dẫn quân đánh giặc giao lại việc nước cho thái sư Lý Đạo Thành và Nguyên phi Ỷ Lan. Cũng trong thời gian đó, Nguyên phi Ỷ Lan đã giúp vua trừng trị những tên quan lại tham ô của cải dân chúng.
Sử cũ chép lại rằng “trên đường rút qua châu Cư Liên, vua gặp người đốn củi bèn cho gọi ông ta lại và hỏi về tình hình cuộc sống người dân vùng đó. Người này đáp cuộc sống của dân no đủ, ai cũng vui mừng phấn khởi, chăm chỉ làm ăn”. Vua hỏi ra mới biết thì ra trước đó Nguyên phi Ỷ Lan hết lòng giúp đỡ dân chúng trong lúc hạn hán mất mùa, trừ gian diệt ác, trừng trị bọn cường hào ức hiếp dân lành, mang lại cuộc sống yên ấm an vui cho người dân khắp nước Đại Việt.
Đại Việt Sử ký Toàn Thư, kỷ nhà Lý, quyển III) chép lại: “Trận này vua đánh chiêm thành mãi không được, đem quân về đến châu Cư Liên, nghe tin Nguyên phi giúp việc nội trị, lòng dân cảm hoá hoà hợp. Trong cõi vững vàng, tôn sùng Phật giáo, dân gọi là bà Quan Âm, vua nói: “Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là nam nhi lại chẳng được việc gì hay sao?” Bèn quay lại đánh nữa, thắng được”.
Còn nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần viết: “…Lý Thánh Tông chợt thấy mình thua kém, thua kém ai còn được, thua vợ mình thì còn ra thể thống gì nữa. Thánh Tông vì sĩ diện mà đánh đến cùng. Chiêm Thành thua, gọng kềm phía Nam tan nát… Chút sĩ diện ấy đáng yêu biết ngần nào”.
Vua bèn hạ lệnh cho quân lính tiếp tục hành quân lên đường, quyết hạ Chiêm Thành. Sau trận này, quân Đại Việt bắt được vua Chiêm Thành là Chế Củ cùng hơn 5 vạn tù binh. Vua Chiêm buộc phải dâng ba châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính (hiện nay là tỉnh Quảng Nam) để chuộc tội mới được tha cho về nước. Chiêm Thành thua trận, gọng kềm liên minh với nhà Tống cũng mất. Sau này quân dân Đại Việt cũng phá tan được đoàn quân viễn chinh của nhà Tống ở trận chiến trên dòng sông Như Nguyệt.
Bấy giờ, khi đất nước muôn nơi thái bình, vua Lê Thánh Tông cùng Ỷ Lan ngao du thiên hạ để tìm hiểu cuộc sống dân ra sao. Những năm tháng mà vua Lý Thánh Tông sủng ái Ỷ Lan cũng là khoảng thời gian đẹp và ý nghĩa nhất trong cuộc đời của mình. Ỷ Lan luôn biết cách ứng xử với nhà nhà vua mỗi khi ngài buồn bực, đưa ra nhiều ý kiến đúng đắn để vua xử lý kịp thời những khó khăn trong cuộc sống của dân. Quả thực, “đằng sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của một người phụ nữ”.
theo Daikynguyen