Có thể dễ dàng thấy rằng những võ sư võ cổ truyền đam mê nghiệp võ thường khoẻ mạnh và sống lâu. Trong số đó, người được xem là đại diện cho việc luyện võ mà vẫn trường thọ là cố lão võ sư Trần Tiến – chưởng môn phái Nội gia Võ đạo Việt Nam.
Võ sư Trần Tiến – mãnh sư một thời tung hoành võ lâm
Lão võ sư Trần Tiến – cây đại thụ làng võ Việt Nam
Khi đã ngót trăm tuổi, sống độc thân, nhưng lão võ sư Trần Tiến còn khoẻ mạnh, khí lực dồi dào, hằng ngày vẫn luyện Thái dương công, dạy võ, viết sách. Ông cho biết, Nội gia Võ đạo Việt Nam là môn võ chuyên luyện “nội – ngoại ngạnh kình” cùng với những đòn thế hiểm hóc, cận chiến đã được tinh lọc qua thực tế chiến đấu.
Đặc điểm ưu việt của Nội gia Võ đạo là sự kết hợp đồng bộ “Thân, Tâm, Trí, Đức, Y, Đao” thông qua luyện Thân (võ thuật) song hành với Trí dục (võ trí), Đức dục (võ đức), Y khoa (võ Y – Y học cổ truyền và Y học hiện đại) nhằm nâng cao sức khoẻ, tăng sức đề kháng cơ thể, kéo dài tuổi thọ. Khi thân thể đạt được sự cường tráng, dẻo dai, từ đó phát huy được cái Tâm chính nghĩa, thấm nhuần cái Đạo của võ thuật.
Nói về thuật trường thọ, lão võ sư cho rằng, sở dĩ các võ sư thường sống thọ là ở sự kiên trì rèn luyện thể chất, một lòng theo đuổi chí hướng, điều độ trong sinh hoạt, sống vị tha và bao dung. Để có sức khoẻ tốt là cả một quá trình tích lũy lâu dài, phải hội đủ 3 yếu tố cơ bản là dinh dưỡng, rèn luyện thân thể và đời sống tinh thần.
Luôn vận động
Nước thường chảy thì không bị đọng thối. Luôn để cơ thể trong trạng thái vận động. Đối với người cao tuổi, cách vận động tốt nhất là đi bộ, mỗi ngày khoảng 3 cây số trong vòng 30 phút. Các hình thức vận động khác như thái cực quyền, bơi lội, đạp xe, leo cầu thang cũng rất thích hợp.
Ăn để sống
Theo lão võ sư, việc ăn uống vô tội vạ có khi còn tai hại hơn thiếu ăn. Ngày nay, chuyện bia rượu đã trở thành thứ “văn hóa giao tiếp” phổ biến rất tai hại. Việc ăn uống đúng phép dưỡng sinh tùy thuộc vào nhu cầu dinh dưỡng theo độ tuổi, hoạt động nghề nghiệp, tình trạng thể chất của mỗi cá nhân. Ví dụ, trẻ em nếu không béo phì, ăn được nhiều chất béo càng tốt, nhưng đến tuổi trưởng thành phải hạn chế. Việc ăn uống phải đủ chất nhưng không được thừa, vì thừa dinh dưỡng còn hại hơn cả thiếu.
Từ 40 trở lên phải giảm mặn, ngọt, béo, để ngừa bệnh tim mạch, tiểu đường. Sau tuổi 50 nên giảm thức ăn có nguồn gốc động vật. Các bệnh nan y như gan, thận, tim, ung thư thường xuất hiện vào tuổi này. Tùy tình trạng thể chất và hoạt động nghề nghiệp mà nhu cầu dinh dưỡng có thể khác nhau. Ví dụ, anh 50 tuổi, to béo chỉ ngồi phòng giấy thì không được ăn nhiều, còn người kia cũng độ tuổi ấy nhưng lao động chân tay vất vả, đương nhiên phải cần chế độ dinh dưỡng cao hơn.
Với người cao tuổi, lão võ sư khuyên nên ăn thanh đạm, dùng mật ong, quả vải, nhãn, dâu tây, chuối, táo, hạt sen. Những thứ này có tính năng bồi bổ thần kinh, ngừa chứng giảm trí nhớ, lú lẫn. Mỗi ngày nên ăn một ít thịt nạc, trứng, cá. Mỗi bữa không nên ăn quá no.
Phiền não là kẻ thù của sức khoẻ và tuổi thọ
Lịch sử cho thấy, vua chúa ngày xưa dù sống trên nhung lụa, ăn toàn cao lương mỹ vị, lại hiếm khi sống thọ. Nguyên nhân là vì rượu thịt ê hề, lại hay dâm dục quá độ. Trong khi tinh thần không bao giờ yên ổn, ngổn ngang trăm mối lo thù trong giặc ngoài. Người xưa đã bảo “nóng giận, tức tối hại tâm, can; lo rầu, buồn tủi hại phế, thận”. Ngày nay, khoa học đã chứng minh: sự căng thẳng quá độ (stress) là nguyên nhân của những chứng bệnh nan y.
Lòng tham là kẻ thù của tuổi thọ. Chớ ham danh lợi, vứt bỏ các điều phiền muộn làm cho thân thể và đầu óc luôn được thảnh thơi, vui vẻ và hạnh phúc. Cô đơn là kẻ thù lớn của sức khoẻ. Cô độc lâu dài não sẽ bị thoái hóa, làm người chóng già, thậm chí còn có thể gây bệnh ngớ ngẩn cho người già. Tăng cường giao lưu với bạn bè tốt sẽ gia tăng hứng thú cho cuộc đời.
Về khí công, lão võ sư Trần Tiến cho hay, đó là năng lượng tự nhiên có sẵn trong vũ trụ cũng như trong mỗi con người. Để có thể vận dụng được khí này trong dưỡng sinh và trị bệnh, ngoài việc tập luyện kỹ thuật đúng bài bản, người ta còn phải “biết” ăn ở đúng Đạo, nghĩa là đúng theo trật tự vũ trụ, hòa đồng với thiên nhiên. Những bậc danh sư võ lâm đều sống đơn giản, ăn uống đạm bạc, tinh thần thanh thoát, giúp người mà không mưu cầu lợi lộc.
Thư viện võ thuật