Samurai được nhiều người biết đến như những kiếm sĩ huyền thoại của Nhật Bản trong các bộ phim võ thuật. Samurai đóng một vai trò hết sức quan trọng trong lịch sử Nhật Bản 1.500 năm qua. Nhiều người coi lịch sử của Nhật bản cũng chính là lịch sử của chiến binh Samurai.
Samurai đảm trách nhiều vai trò ở Nhật bản. Tuy nhiên, họ được biết đến nhiều nhất trong vai trò của chiến binh. Nhưng thực sự thì những Samurai rất khác biệt với các chiến binh khác trên thế giới?
Có 4 yếu tố để làm nên một Samurai :
Samurai là một chiến binh được đào tạo và có kĩ năng chiến đấu tốt.
Samurai phục vụ daimyo (lãnh chúa) hay chủ tướng, với lòng trung thành tuyệt đối, thậm chí cho đến chết. Trong tiếng nhật samurai từ có nghĩa là, “những người phục vụ.”
Samurai là tầng lớp ưu tú, được coi là ở đẳng cấp cao hơn công dân thường và binh lính thông thường.
Cuộc sống của Samurai tuân theo tinh thần Bushido (võ sĩ đạo), một hệ thống luân lý đề cao sự danh dự.
Khổ luyện vì cuộc sống và chiến tranh
Qúa trình đào tạo một chiến binh Samurai phụ thuộc vào sự giàu có của gia đình anh ta. Trong gia đình có đẳng cấp thấp, người con trai học tập tại các ngôi trường trong làng, và họ được đào tạo để trở thành một Samurai từ cha, anh trai, hoặc chú bác. Đào tạo võ thuật được coi là rất quan trọng, và thường bắt đầu khi đứa trẻ lên năm. Con trai của gia đình giàu có hơn thì được gửi đến học viện đặc biệt, để thu nhận kiến thức văn học, nghệ thuật, và kĩ năng chiến đấu.
Chúng ta đã quá quen thuộc với hình ảnh Samurai là một bậc thầy sử dụng thanh kiếm katana với các kỹ năng chết người. Tuy nhiên, Samurai khi xuất hiện trong vài thế kỷ đầu tiên, còn được gọi là chiến binh cưỡi ngựa bắn cung. Bắn cung trong khi cưỡi ngựa là kĩ năng phức tạp, và làm chủ nó đòi hỏi nhiều năm luyện tập trên cả mục tiêu cố định cũng như mục tiêu di động. Trong một thời gian, chó được sử dụng như là mục tiêu chuyển động để luyện tập, cho đến khi các Shogun bãi bỏ phương pháp luyện tập tàn bạo này.
Các Samurai còn phải luyện tập kiếm thuật không ngừng nghỉ. Có một câu chuyện kể về một vị sư phụ đã tấn công các học trò với một thanh kiếm bằng gỗ vào những thời điểm ngẫu nhiên trong suốt cả ngày và đêm, cho đến khi các sinh viên học được cách không bao giờ đánh mất cảnh giác.
Ngoài kỹ năng chiến binh, Samurai cũng được đào tạo trong các lĩnh vực khác, chẳng hạn như văn học và lịch sử. Trong thời Tokugawa, thời kì hòa bình, vì vậy các kiến thức học tập đặc biệt hữu ích. Tuy nhiên, một số sư phụ đào tạo Samurai cảnh báo học trò của họ không nên tập trung quá nhiều vào văn chương và nghệ thuật, vì sợ tâm trí của họ sẽ trở nên yếu kém.
Áo giáp
Các Samurai nổi bật với áo giáp và mũ giáp đặc trưng. Trong thời kì đầu Samurai sử dụng áo giáp dạng phẳng, nhưng sau là giáp tấm. Giáp tấm (lamellar) là loại giáp được làm bằng cách kết các miếng kim loại thành các đĩa nhỏ rồi phủ sơn mài lên để chống thấm nước. Cuối cùng những tấm nhỏ này được kết lại bằng dây da thuộc, tấm này hơi chồng lên tấm kia. Ban đầu có hai loại giáp dạng này:
Yoroi: áo giáp trang bị cho các kị binh Samurai, rất nặng với mũ sắt và bảo vệ vai.
Do-Maru trang bị cho lính bộ binh nên có trọng lượng nhẹ hơn.
Về sau, khi giao chiến chủ yếu là giáp lá cà thì giáp Do-Maru được Samurai sử dụng nhiều hơn. Các nhà sản xuất vũ khí đã cải tiến bộ giáp Do-Maru gồm có mũ giáp, bảo vệ vai và ống chân.
Mũ giáp hay Kabuto trong tiếng nhật, được làm bằng cách gắn các tấm kim loại với nhau. Kabuto được thiết kế rất cầu kì, các mối ghép được tán đinh theo hình rặng núi. Các Samurai đẳng cấp cao còn gắn cả biểu tượng gia tộc và các vật trang trí cầu kì khác lên mũ giáp của họ. Một số kabuto còn bao gồm mặt nạ kim loại mang gương mặt ma quỷ, với râu ria làm từ lông bờm ngựa. Trong thời bình, kabuto phát triển rất phức tạp, và ngày nay được coi là tác phẩm nghệ thuật ở Nhật Bản.
Vũ khí
Thứ vũ khí nổi tiếng nhất của Samurai là katana. Samurai luôn sử dụng katana cùng với một thanh kiếm ngắn hơn được gọi là wakizashi tạo thành bộ kiếm daisho.
Những thợ rèn tạo ra katana được coi là những thợ làm kiếm giỏi nhất trong lịch sử. Một trong những vấn đề lớn nhất trong việc làm ra một thanh kiếm chính là giữ cho kiếm phải thật sắc. Các thợ rèn Nhật Bản đã giải quyết được vấn đề này bằng cách đúc kiếm nhiều lớp bằng được cách pha trộn thép mềm với thép cứng để làm lưỡi kiếm, vẫn sắc bén mà lại ít bị mẻ. Thanh kiếm sắc đến nỗi có thể cắt đôi một người thành 2 nửa chỉ với một nhát kiếm.
Bên cạnh Kiếm và cung nỏ, Samurai còn sử dụng vũ khí tên là naginata, một thanh mác dài gồm lưỡi dao dài 0.6 đến 1.2 mét gắn trên trục gỗ dài 1.2 đến 1.5 mét. Chính vì vậy mà naginata là vũ khí phòng ngự vô cùng hiệu qủa của người Nhật.
Vào thế khỉ 16, khi các thương nhân châu Âu đến Nhật Bản lần đầu tiên, người Nhật đã trả một khoản tiền lớn để mua súng, nhanh chóng nắm vững các kỹ thuật rèn cần thiết để sản xuất hàng loạt các loại vũ khí. Từ đó súng đã gây ra ảnh hưởng lớn đến chiến tranh trên đất nước Nhật Bản, các lãnh chúa có thể củng cố quân đội bằng cách trang bị cho binh lính chưa được đào tạo những khẩu súng giá rẻ. Một số Samurai phải trang bị giáp dày hơn kín hơn như okegawa-do, để chống lại đạn pháo.
Bushido: biểu tượng danh giá của Samurai
Các Samurai không phải là các chiến binh đánh thuê mà là thuộc hạ của các lãnh chúa, tuân theo giá trị luân lý được gọi là tư tưởng võ sĩ đạo (Bushido).
Bushido gồm một số các quy tắc không chính thức mà các chiến binh Samurai phải tuân theo. Tinh thần Bushido đã thay đổi rất nhiều trong suốt chiều dài lịch sử của Nhật bản và chỉ được viết ra cho đến tận thể kỉ 17 trong khi các Samurai đã xuất hiện trước đó hàng thế kỉ.
Đức tính đầu tiên của một Samurai là phải trung thành với lãnh chúa của mình. Ở Nhật bản thời phong kiến lãnh chúa nhận sự cúng nạp từ các chư hầu của mình, đổi lai họ nhận được bảo vệ kinh tế và quân sự từ các lãnh chúa. Nếu một lãnh chúa nhận được lòng trung thành tuyệt đối từ các chư hầu của mình, toàn bộ hệ thống phong kiến sẽ sụp đổ. Vì vậy, trung thành lại mang đến sự cực đoan. Các hiến binh chiến đấu tới chết để bảo vệ chủ nhân của mình, thậm chí là tự tử nếu họ cảm hổ thẹn với chủ nhân.
Samurai cũng có nhiệm vụ báo thù. Họ sẽ tìm người để báo thù nếu danh dự của chủ nhân bị tổn hại hoặc chủ nhân của họ bị sát hại. Câu chuyện “47 người võ sĩ” là tiêu biểu cho lòng trung thành, sự hy sinh, chí kiên định và danh dự mà tất cả võ sĩ luôn thể hiện vào thời bấy giờ. Câu chuyện kể về một nhóm võ sĩ thời kỳ đầu thế kỷ 18 đã mất chủ tướng sau khi vị chủ tướng đó bị ép buộc phải thực hiện seppuku (mổ bụng tự sát) vì bị buộc tội đã tấn công lãnh chúa khác. Để trả thù, họ đã giết viên quan tòa đó sau 2 năm kiên trì xây dựng kế hoạch và chờ đợi thời cơ. Các võ sĩ sau đó bị bắt và buộc phải thực hiện Seppuku bởi vì họ đã giết người và tấn công bí mật, điều bị coi là đê tiện.
Samurai và Thiền Tông
Các tôn giáo bản địa của Nhật Bản là Thần đạo, cho đến khi bị Phật giáo thay thế trong thế kỷ thứ 5 sau công nguyên. Các Samurai tin theo một phái Phật Giáo gọi là Thiền tông. Thiền là tập trung tư tưởng vào một sự việc hoặc một ý tưởng duy nhất. Những người theo Thiền tông cho là họ có thể tìm ra chân lý và sự hiểu biết thông qua tĩnh tâm và chế ngự bản thân. Các Samurai thì cho là Thiền sẽ giúp họ hành động dứt khoát, đặc biệt là trong chiến đấu, và phát triển thư thái nội tâm.
Seppuku (mổ bụng tự sát)
Danh dự là thứ quý giá nhất của một Samurai. Họ sẽ tử sát nếu thất bại hoặc vi phạm tinh thần Bushido. Tự sát đã trở thành một nghi thức được gọi là seppuku trong tiếng nhật hay thô tục hơn là hara-kiri. Seppuku là cách một Samurai khôi phục lại danh dự đối với chủ nhân và gia đình, và thực hiện nghĩa vụ trung thành khi Samurai đó thất bại.
Seppuku được thực hiện như một nghi thức. Samurai khi được ban cho hình phạt Seppuku (Harakiri) được tắm rửa thật sạch sẽ, mặc một áo dài màu trắng. Dụng cụ thực hiện nghi thức được đặt trên một cái đĩa của ông gồm một thanh kiếm ngắn wakizashi hoặc một con dao tanto được bọc giấy. Samurai sau đó lấy con dao và cắt mở dạ dày của mình, từ trái sang phải. Một người Samurai khác đứng sau sẽ thực hiện daki-kubi, đó là một nhát chém gần như đứt hẳn đầu của người Samurai (Vẫn còn 1 dải thịt mỏng gắn đầu với thân thể) sau khi người Samurai đã tự mổ bụng.
Về sau, seppuku càng trở nên nghi thức hơn, trong một số trường hợp bằng cách sử dụng quạt giấy thay vì dao. Thông thường, Kaishaku-nin (samurai thứ hai), sẽ thực hiện nhát chém hoàn hảo theo đúng nghi thức sẽ được thực hiện ngay sau khi thanh dao vừa ngập vào ổ bụng của người Samurai. Trong thời hiện đại, nghi thức seppuku lại nổi lên ở Nhật Bản, như 1 cách để để khôi phục lại danh dự khi đối mặt với thất bại và được sử dụng như một phương tiện thể hiện phản đối.
Tô Thiện (sưu tầm)