Trong cuộc sống đôi khi khen hay chê một ai đó cũng là cả một nghệ thuật – là văn hóa góp ý. Đặc biệt là trong võ thuật, phải làm sao cho người được khen không tự mãn, hoặc người bị chê không cảm thấy bị “mất mặt” và nhận rõ được cái sai của mình để khắc phục mới là điều cốt yếu. Bài viết tổng hợp những kinh nghiệm của một huấn luyện viên võ thuật lâu năm sẽ cho chúng ta cái nhìn sâu hơn về vấn đề này.
3 môn võ cổ xưa nhất nền văn hóa Á Đông
Muay Thái và những giá trị văn hóa – con người Thái Lan
Có một người thầy già 7 đẳng ở chỗ tôi, mỗi lần tôi mặc võ phục xong là ông ấy lại gần, nhìn nhìn, rồi cúi xuống tận nơi kéo gấu quần nói, hôm nay gấu quần anh mặc cao hơn mắt cá chân 2cm rồi, lần sau để ý nhé; hoặc là hôm nay lưng áo anh hơi nhăn 1 tí, kéo lại cho phẳng nào. Rồi thầy cười rất tươi, chào và đi mất. Bốn năm lần như vậy, lần nào cũng chỉ tận những điểm nhỏ như cái nếp gấp của võ phục, tận tay sửa lại. Thử tưởng tượng xem nếu đang lúc tập ông ấy chỉ mặt và nói “anh này tập đây bao lâu rồi mà quần áo mặc còn không chuẩn, kém cả mấy đứa lít nhít 6, 7 tuổi”, thì tôi sẽ nghĩ thế nào?
Những lời khen hay những hành động biểu dương hợp lý sẽ mang đến sự khích lệ lớn cho người nhận.
Trong môn kiếm đạo, mỗi khi kết thúc buổi tập có một cái luật bất thành văn là dù người hướng dẫn đã hô giải tán rồi, thì các môn sinh vẫn sẽ dành vài phút xếp hàng trước mặt các thầy và các tiền bối, để xin được góp ý. Trong vài phút ngắn ngủi đó, thầy hay tiền bối sẽ đưa ra vài nhận xét cụ thể về những chỗ được và chưa được của người tập ngày hôm đó, kết thúc bao giờ cũng là một lời động viên, và hai người cúi chào nhau.
Sự góp ý thường giản dị và kín đáo hết mức có thể. Ở võ đường nơi tôi tập, nếu ai đó có thành tích nào nào, nhỏ như thi lên cấp thì sẽ được đọc tên sau buổi học, và được thầy có đẳng cao nhất trong buổi tập hôm đó trực tiếp tặng bằng và tuyên dương; lớn như đỗ 6 đẳng, 7 đẳng hay ăn được một giải cấp khu vực thì mọi người mở tiệc ăn nhậu nhẹt tưng bừng, cùng đến chung vui với người đạt thành tích, và mỗi người sẽ lần lượt đứng dậy trước cả câu lạc bộ để gửi lời chúc mừng của mình. Người ta không bao giờ kiệm lời khen. Những sự việc nho nhỏ như vậy, nhìn bề ngoài có vẻ chẳng có gì, nhưng với tôi, nó có cả một tầng ý nghĩa rất sâu về văn hóa góp ý, gói gọn trong mấy chữ này “Khen công khai, phê bình kín đáo”.Một lời góp ý chân thành bao giờ cũng xuất phát từ mong muốn giúp người khác tiến bộ, và không ít thì nhiều, tôi nhận ra rằng sự chân thành hay được thể hiện qua những đặc điểm sau:
Thứ nhất, một góp ý chân thành thường được đưa ra theo cách kín đáo, tránh là tổn thương đến tự ái của người nhận góp ý nhất; vì nhiều khi góp ý theo kiểu mắng mỏ sa sả hay chỉ trích cá nhân công khai không những không giúp người nhận góp ý tiến bộ, mà còn khiến họ có suy nghĩ tiêu cực, dẫn đến phản tác dụng.
Tôi đã từng gặp rất nhiều người thầy, hay người bề trên góp ý kiểu chỉ trích, kích bác, mắng mỏ công khai, với cái lý luận là “Phải cứng rắn thế nó mới sợ mà chịu cố gắng” hay là “Mình làm thế cũng vì muốn tốt cho chúng nó thôi”. Tôi thật lòng không thấy những lý luận như vậy hợp lý, vì bị mắng mỏ, chê trách công khai như vậy dễ dẫn đến việc người ta cảm thấy yếu kém, tự ti và dần dẫn đến từ bỏ và buông xuôi. Cùng một ý như vậy, nếu chị bỏ chút thời gian sau buổi học, gặp riêng và nói “Hôm nay ý này của em chưa đúng lắm, em nên sửa như này” thì sẽ tốt cho người học hơn là một câu nói trước cả hội trường “Anh học cái này bao nhiêu năm rồi? Học hết lớp mấy rồi”, hay một cái cười nửa miệng khinh khỉnh.
Thứ hai, một góp ý chân thành thường cụ thể, chi tiết; vì càng cụ thể chi tiết thì càng dễ để người nhận góp ý sửa sai. Đã bao nhiêu lần tôi nghe những câu góp ý thế này “cách em làm việc còn có vấn đề”, “dáng tập của em xấu lắm”; góp ý như thế thì phải sửa như thế nào? Nếu muốn giúp đỡ nhau, hãy chỉ ra vấn đề ở đâu, chứ đừng chỉ nói chung chung, vì nói chung chung thì ai cũng nói được.
Thứ ba, một góp ý chân thành ngoài việc chỉ ra những chỗ chưa được, những vấn đề cần khắc phục, thì cũng đi kèm với cách để làm sao khắc phục nó. Chỉ ra cách khắc phục vấn đề không chỉ là cách giúp người nhận góp ý thiết thực nhất, mà nó còn cho thấy người góp ý thực sự quan tâm, đầu tư thời gian để suy nghĩ, để giúp đỡ, và các khắc phục càng chi tiết thì càng hay.
Thứ tư, một lời góp ý chân thành thì chỉ nói đến đúng cái vấn đề cần được góp ý thôi, không nói lan man ra những chuyện khác, không công kích cá nhân người nhận góp ý, không gộp những cái sai trước đây vào, lôi ra mắng chửi một thể. Chẳng hạn nếu có một cậu học sinh nói sai ngữ pháp một câu tiếng Anh chẳng hạn, thì chỉ nên nói là câu này em sai ở điểm này, cần sửa như thế này, thế thôi, chứ không nên bồi thêm cái câu “Đơn giản như thế mà bây giờ còn nhầm à?” hoặc là “Hôm trước thì sai lỗi này, hôm nay thì sai cả lỗi này, đúng là học đâu quên đấy”.
Khen và chê cũng phải tùy theo từng đối tượng khác nhau (ít tuổi hoặc nhiều tuổi) để đưa ra biện pháp phù hợp
Một lời góp ý “không chân thành” nhằm đề cao bản thân mình hay đả kích người nhận góp ý thì hoàn toàn người lại. Nó phải thật to tiếng, thật công khai, càng nhiều người nghe được thì càng nâng cái tôi của người góp ý lên và dìm người nhận góp ý xuống. Nó phải thật xa xả, thật gay gắt để cả thế giới biết là “tao đang ở vị thế mà tao có quyền chửi mày”. Nó chẳng cần cụ thể, vì nhiều khi người ta chỉ lôi ra chung chung để mà nói, để có cớ mà đả kích nhau, những lời nói chung chung luôn trúng đích, vì nói “Mày làm như thế này có vấn đề”, thì ai chẳng có vấn đề. Và tất nhiên vì không nhằm giúp người ta tiến bộ, nên những góp ý kiểu này cũng chẳng đưa ra giải pháp. Cuối cùng, đi kèm với những góp ý “không chân thành” sẽ là việc kết luận là nhân cách/phẩm giá/thái độ/gia đình của người nhận góp ý tồi tệ như thế nào để dẫn đến cái lỗi lầm này, và những lỗi lầm từ năm ngoái năm kia cũng được lôi ra cho nó mặn mà.
Lời khen là một vấn đề khác, dù khi tập luyện người ta không kiệm lời khen, thì cách người ta khen cũng khiến người nghe cảm thấy vui và có động lực, chứ không tự mãn. Thứ nhất, khi khen người ta sẽ khen khá cụ thể, tập trung vào một vấn đề chứ không khen chung chung. Như vậy người nghe sẽ biết mình tốt ở đâu, chứ không cảm thấy ta là thiên tài, gì cũng bá đạo. Thứ hai, sau khi khen xong, thì bao giờ người khen cũng thêm một câu góp ý là “hãy tiếp tục cố gắng nhé”, để cho người nghe cảm thấy mình luôn cần nỗ lực. Thứ ba, lời khen thường đi từ trên xuống, chứ ít khi từ dưới lên, vì người trên khen người dưới nên hoàn toàn chân thành, không cần có ý tâng bốc nịnh bợ.
Nguyên tắc “khen công khai, phê bình kín đáo” này không phải không có ngoại lệ. Lấy ví dụ như nếu có một thầy nào đó thực sự coi anh là người thân thì nguyên tắc này sẽ đảo ngược lại 180 độ. Có một thầy ở chỗ tôi cực kỳ nghiêm khắc, hầu như không khen bao giờ, lúc nào hướng dẫn cũng mắng rất to, tập sai thì ông ấy lấy que đập bôm bốp vào đầu không thương tiếc, nhưng tôi nhận ra là bao giờ lúc tập xong, ông ấy cũng là người sau cùng gấp xong quần áo và giáp trụ, và người ngay trước người sau cùng, thường là tôi. Mất mấy tháng tôi mới nhận ra cái điều đơn giản này: Sau khi tập xong, thì với vai trò là culi, tôi thường phải chạy qua chào các thầy, đóng cửa võ đường, dọn dẹp đồ dùng, mà lúc đấy đã là 8h45, mọi người chỉ có 15 phút để thu dọn đồ đạc đến 9h là phải xong để tắt đèn về. Thường thường tôi sẽ không kịp xếp dọn quần áo sau khi làm xong hết tất cả nghĩa vụ của culi, nên ông ấy sẽ cẩn thận lôi hết của nả ra gấp gọn gàng, đến lúc tôi xong thì mới đút vào túi xách lên vai đi về để tôi không cảm thấy quá gấp. Chỉ đến một hôm, tôi bị ốm nên chỉ đến kiến tập, không phải dọn dẹp gì, mới thấy vừa xong cái là ông ấy khoác xoẹt cái áo thể thao ra ngoài võ phục, xách đồ lên ra xe ô tô đi thẳng về nhà.
Người Việt Nam có câu “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, với nhiều người thì câu đó có nghĩa là nịnh hót ngon ngọt là tốt. Nhưng ý nghĩa của một câu nói là ở chỗ người ta chọn cách hiểu thế nào. Nếu hiểu câu trên theo cái nghĩa là cùng 1 ý đó, những hãy chọn cách nói nào để người ta dễ tiếp thu nhất, có động lực nhất, thì không hẳn là người Việt Nam ta không hề có văn hóa góp ý, không có “Khen công khai, phê bình kín đáo”, mà có lẽ là chúng ta có lẽ lúc nào đó, nơi nào đó, trong cả chặng đường dài của mình, đã đánh rơi mất mà thôi.
Sưu tầm
Video clip làm lay động trái tim hàng triệu người: Giá trị nhân văn trong thể thao và võ thuật:
[jwplayer player=”1″ mediaid=”65656″]