Về tiêu chuẩn chọn một nữ sĩ quan bảo vệ tiếp cận, thượng tá Nguyễn Văn Tiệc, Trưởng phòng bảo vệ các lãnh đạo Đảng và Nhà nước (Phòng 6) Bộ Tư lệnh Cảnh vệ cho biết, trong 3.000 thí sinh trung bình chọn được khoảng 20 người. Những ứng viên qua vòng sơ tuyển này này được gửi đi đào tạo để tiếp tục thanh lọc. “Trải qua 15 tháng huấn luyện, số lượng nữ sĩ quan bảo vệ tiếp cận đạt “chuẩn” chỉ còn đếm trên đầu ngón tay”, thượng tá Tiệc nói.
Ông Tiệc tự hào cho hay đại úy Nguyễn Thị Thanh Nga, Đội phó Đội Tham mưu Phòng 6, có thể hạ gục 3 nam thanh niên khỏe mạnh trong vòng 2-3 phút. Đại úy Nga thường được lãnh đạo Bộ Tư lệnh tín nhiệm giao trọng trách bảo vệ các nữ nguyên thủ quốc gia và phu nhân các nguyên thủ khi sang thăm Việt Nam.
Dù trong hay ngoài giờ làm nhiệm vụ, đại úy Nga cũng dễ tạo thiện cảm với gương mặt khả ái, thân hình “cong chuẩn” của một người đẹp, nước da trắng hồng. Nhưng để có thành công ngày hôm nay, nữ sĩ quan cận vệ xinh đẹp này đã nhiều lần chấn thương, thậm chí đổ cả máu trên sàn tập võ thuật. Những bài tập tình huống đối kháng, trước mặt Nga là một nhóm thanh niên thuộc dạng to cao lực lưỡng vây quanh. Chỉ trong vòng vài phút, các đối thủ buộc phải “đầu hàng” nữ võ thủ xinh đẹp. Chẳng thế mà giải võ thuật nào của ngành, Thanh Nga cũng được đơn vị “tiến cử” và bao giờ cũng ẵm giải to mang về.
Đại úy Nga chia sẻ, sức khỏe là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu với sĩ quan cảnh vệ. Đối với khách quốc tế khi sang thăm Việt Nam, lịch hoạt động dày đặc từ sáng đến tối muộn. Để theo đảm bảo an ninh an toàn cho “khách” thì có những ngày, sĩ quan cận vệ phải nhịn đói là chuyện bình thường. Có những nguyên thủ có thói quen dậy sớm từ 5 giờ sáng để tập thể dục, sĩ quan cận vệ phải dậy trước 30 phút để chuẩn bị phương án bảo vệ. “Khách” tập thể dục xong về phòng khoảng 5 phút thay quần áo trước khi ăn sáng, làm việc. Đây là thời gian sĩ quan cận vệ phải tranh thủ “nạp năng lượng” cho cả ngày để đảm bảo sức khỏe, chủ động bảo vệ “khách” trong mọi hoạt động.
Theo đại úy Nga, khách quốc tế có đặc thù riêng. Ngoài ngoại ngữ thì sĩ quan cận vệ phải có sự hiểu biết về tính cách, thói quen của khách cũng như văn hóa của nước họ để có ứng xử ngoại giao phù hợp. Lần “thử thách” nhất đối với chị là cuộc bảo vệ phu nhân của tổng thống Iran sang thăm chính thức Việt Nam. Cũng giống như những phụ nữ đạo Hồi khác, khi xuất hiện ở nơi công cộng, phu nhân mặc áo choàng màu đen kín từ đầu đến chân.
Đi theo phu nhân, khoảng hơn 10 người phụ nữ Hồi giáo cũng ăn vận giống hệt như vậy. Làm sao để nhận biết trong số họ, đâu là phu nhân tổng thống? Thế nhưng, dưới con mắt nghiệp vụ sắc bén của đại úy Nga, phu nhân tổng thống luôn trong tầm bảo vệ ở mọi hoạt động có phu nhân tham dự. Kết thúc chuyến công tác, phu nhân và các thành viên trong đoàn bày tỏ lời cảm ơn tới lực lượng cảnh vệ của Việt Nam nói riêng và cá nhân nữ sĩ quan cận vệ Thanh Nga.
Năm 2005, nhận lời mời của Thủ tướng Phan Văn Khải, nữ Thủ tướng CHND Bangladesh, bà Khaleda Zia thăm chính thức Việt Nam. Đại úy Nga khi đó tuy mới công tác được ít năm nhưng đã được lãnh đạo đơn vị tín nhiệm giao nhiệm vụ sĩ quan tiếp cận bảo vệ nữ thủ tướng. Do nữ thủ tướng có tuổi nên nữ đại úy trẻ hết sức chú ý đến việc đi lại của bà. Khi bà tới thăm bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam trên phố Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, nữ thủ tướng phải cần đến sự trợ giúp của Thanh Nga, đỡ bà từng bước đi chậm rãi khi lên xuống cầu thang.
Tham gia bảo vệ nhiều phu nhân nguyên thủ quốc gia sang Việt Nam, đại úy Nga kể, mỗi phu nhân có một thói quen, cá tính riêng. Có phu nhân rất giản dị, nhưng cũng có phu nhân lại rất điệu đà, thời trang. Trong một ngày, họ có thể thay tới 5-6 bộ y phục để phù hợp với các hoạt động khác nhau. Trang phục đi liền với giày dép. Có phu nhân chỉ ưa đi giày thấp, nhưng có phu nhân lại ưa đi giày cao gót tới 15-20 phân. Với loại giày cao như thế thì “tai nạn” rất dễ xảy ra. Trường hợp như vậy thì không những phải đi sát mà còn phải liên tục quan sát nhất cử nhất động của phu nhân để sẵn sàng đỡ nếu phu nhân không may gặp sự cố hay cần người đỡ khi lên xuống cầu thang, lên xuống ôtô…
Đại úy Nguyễn Thị Hiệp lại là người chuyên bảo vệ phu nhân của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong các chuyến công tác nước ngoài. Đại úy Hiệp khiến người đối diện xao lòng bởi vẻ đẹp thùy mị, nụ cười như mùa thu toả nắng, lời ăn tiếng nói nhẹ nhàng, tinh tế của người phụ nữ Việt Nam. Không ai có thể ngờ được, bàn tay thanh mảnh của nữ đại úy lại làm nên thành tích “trăm phát trăm trúng” của một xạ thủ súng ngắn hàng đầu Bộ Tư lệnh Cảnh vệ.
Sự chính xác, tinh anh của một xạ thủ đã giúp đại úy Hiệp luôn “phản ứng nhanh”, thông minh và tế nhị trong mọi tình huống làm nhiệm vụ. Chuyến đi bảo vệ phu nhân một lãnh đạo Nhà nước thăm chính thức Nhật Bản hồi đầu năm 2014 là một ví dụ. Trong chương trình, phu nhân sẽ đi thăm các ngôi chùa Nhật Bản. Mặc dù đã nắm kế hoạch từ trước nhưng khi đến nơi, đại úy Hiệp bất ngờ phát hiện lối đi trong chùa đều được rải sỏi.
Tình huống không có trong “kịch bản”, trong khi đó, phu nhân mặc áo dài truyền thống của Việt Nam, đi giày cao gót. Việc di chuyển, đi lại trên lối đi không bằng phẳng như vậy sẽ rất khó khăn. Thời tiết hôm đó lại có gió mạnh, nếu không chú ý thì tà áo dài có thể là vật cản khi đi lại. Trong khi phu nhân phải luôn giữ thần thái tươi tỉnh trước “chủ nhà” và ống kính của biết bao phóng viên nước bạn đi theo chụp ảnh, đưa tin về hoạt động của phu nhân. Khi phu nhân xuống xe, đại úy Hiệp luôn theo sát bên cạnh ở cự ly rất cần để có thể giúp phu nhân khi mỏi bước.
Đại úy Nguyễn Thị Hiệp tâm sự, một nguyên tắc bất di bất dịch đối với sĩ quan cảnh vệ nói chung và sĩ quan bảo vệ tiếp cận nói riêng là phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người cần bảo vệ, không để xảy ra bất cứ sai sót nào dù là nhỏ nhất. Do đó mặc dù đã được huấn luyện các tình huống nhưng thực tế mỗi cuộc bảo vệ lại hoàn toàn khác so với “giáo án”, đòi hỏi sĩ quan cận vệ phải chủ động nắm bắt tình hình và có cách ứng xử linh hoạt, phù hợp. Ví như trong các chuyến công tác nước ngoài với lịch hoạt động dày đặc và di chuyển liên tục, khi đến một địa điểm có thời gian nghỉ ngơi lâu hơn, ngoài việc chủ động nắm bắt địa hình, sơ đồ phòng ốc… nữ sĩ quan cận vệ còn phải nhanh ý đi tìm hiểu buồng, phòng vệ sinh nơi gần nhất.
Mỗi chuyến công tác như vậy hết sức căng thẳng nhưng đại úy Hiệp cho rằng đó cũng là may mắn trong cuộc đời của nữ sĩ quan cận vệ như chị. Được đi ra nước ngoài, mở mang tầm hiểu biết, học hỏi được nhiều điều và cũng là một cơ hội để rèn luyện ý chí, bản lĩnh. Xúc động nhất là sự cởi mở, gần gũi và quan tâm đến mọi người của phu nhân. Buổi tối mỗi ngày khi kết thúc các hoạt động, về khách sạn, phu nhân đều hỏi: “Con có mệt không? Có đói không?” . “Cách xưng hô thân mật của phu nhân khiến mọi căng thẳng, mệt mỏi như tan biến”, đại úy Hiệp tâm sự.
Theo Anninhthegioi