Mariana giật mình khi một người đàn ông bất ngờ chĩa khẩu AK-47 về phía mình. Anh lập tức buông dây xích và chú chó Bronco lao vào tấn công đối thủ với hàm răng cực kỳ sắc nhọn.
Trung thành và dũng cảm, những chú chó nghiệp vụ luôn là người bạn tốt của binh lính Mỹ trên chiến trường. Không chỉ vậy, “quân khuyển” còn được “biên chế” vào lực lượng với những nhiệm vụ cụ thể như canh gác, chiến đấu, phát hiện ma túy, dò tìm chất nổ, cứu thương, cứu hộ cứu nạn…
Chó nghiệp vụ chính thức gia nhập hàng ngũ quân đội Mỹ từ năm 1942 trong chương trình đào tạo “Chó nghiệp vụ cho Quốc phòng”. Khoảng 10.000 chú chó đã được huấn luyên để thực hiện nhiệm vụ trong Thế chiến II.
Trong chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, quân đội Mỹ đã sử dụng chó nghiệp vụ để rà phá bom tự tạo IED thành công.
Giống như chủ của mình, để trở thành “lính tinh nhuệ”, những giống chó “khủng” sẽ phải trải qua những đợt huấn luyện thực hành vô cùng khắc nghiệt và sát với thực tế. Chúng cũng phải vượt rào, chui vào các đường hầm, lao qua vòng lửa… và cũng phải nếm mùi “sợ hãi”.
Bảo vệ “đồng đội”
Khi binh nhất Carlton Rusk bị lính Taliban bắn tỉa ở Afghanistan lúc đang đi tuần, Eli, chú chó dò bom của Rusk, không rời khỏi chủ nửa bước. Eli ngồi lên người Rusk và tấn công bất cứ ai lại gần anh. Đáng buồn thay, Rusk sau đó đã hy sinh vì vết thương quá nặng.
Khi được điều tới làm nhiệm vụ tại chiến trường Afghanistan năm 2010, trung sĩ John Mariana mang theo chú chó 8 tuổi Bronco, giống Malinois của Bỉ, bên mình.
Tháng 6/2011, đêm đầu tiên đi làm nhiệm vụ cùng nhau, Mariana và Bronco phát hiện bốn vật liệu nổ, ba trong số đó là bom tự tạo IED.
Khi đang dõi theo Bronco tiếp cận hiện trường, Mariana giật mình bởi sự xuất hiện đột ngột của một người đàn ông đang chĩa nòng khẩu AK-47 về phía mình. Anh lập tức buông dây xích và Bronco lao vào kẻ thù với hàm răng sắc nhọn. Người đàn ông ngay lập tức chuyển hướng nòng súng và bắn Bronco. Viên đạn đi vào một bên miệng nó, làm vỡ xương mũi và nứt răng.
Trong khi chờ đợi được trực thăng cứu trợ, Mariana không biết làm gì khác ngoài việc ôm chặt chú chó can đảm đang bị thương nặng vào lòng. Khi trực thăng hạ cánh, không chờ có xe cứu thương, Mariana vác Bronco trên vai và chạy thẳng tới thẳng bệnh viện.
Các bác sĩ nói rằng, mũi chú chó tội nghiệp bị hỏng đến 80% và không thể trở lại làm nhiệm vụ của một chú chó quân đội như trước đây, mặc dù đã trải qua nhiều lần phẫu thuật.
Cuối cùng, Mariana đã phải chấp nhận rời xa chú chó đã cứu sống mình. Trong suốt 5 tháng, Mariana đấu tranh để giành lại Bronco. Trong khoảnh khắc đoàn tụ, Mariana ôm chặt chú chó của mình và khóc như đứa trẻ.
Ngoài việc bảo vệ chủ và dũng cảm trong chiến đấu, chó nghiệp vụ còn được quân đội sử dụng để trị liệu vết thương tâm lý cho các binh sĩ. Người ta nhận thấy, những binh sĩ tuy đã giải ngũ và có cuộc sống như người bình thường nhưng sau một thời gian, họ lại có những biểu hiện tâm lý bất thường. Theo thống kê, gần 13% những quân nhân Mỹ đã chiến đấu tại Iraq và khoảng 6% tại Afghanistan bị hội chứng rối loạn stress sau sang chấn hay hội chứng chấn thương tâm lý (PTSD).
Để giúp những người lính ổn định tâm lý, vượt qua cú sốc và nỗi đau, người ta sử dụng chó trị liệu, một người bạn đồng hành có thể yêu thương họ vô điều kiện, như là phương thức điều trị tốt nhất.
Sara Hook, trưởng khoa Trị liệu Nghề nghiệp dành cho quân nhân tại Bệnh viện Walter Reed ở Washington, cho biết ông tin rằng, những chú chó sẽ tạo ra sự khác biệt bằng tình yêu thương vô hạn của chúng. Với người lính, một chú chó còn là “một liều thuốc giảm đau, giảm lo lắng và trầm cảm”.
Nguồn: Mai Loan – Tiền Phong