Những thánh địa bí ẩn trên bản đồ võ thuật thế giới

Có rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ xứng đáng được xem là “thánh địa” trên bản đồ võ thuật thế giới. Thế nhưng, không phải nơi nào cũng được toàn bộ làng võ bốn phương biết đến một cách tường tận.

Câu chuyện võ sĩ (Kỳ 6) – “Hoạn nạn chỉ là lối rẽ sang một con đường khác”

Câu chuyện võ sĩ (Kỳ 7) – “Mê võ chứ không mê bạo lực”

Cách biệt địa lý, văn hoá, ngôn ngữ và đôi khi là một số rắc rối chính trị khiến  cho những thánh địa sau đây trở nên vô cùng xa lạ với cộng đồng võ thuật. Đôi khi, những quốc gia này chỉ được biết đến thoáng qua như “một đất nước phát triển võ thuật”, và… hết. Rất khó để tìm kiếm những thông tin rõ ràng về những vùng đất “mù” này. Vì sao? Hãy cùng tìm hiểu thực trạng thú vị này thông qua các quốc gia sau:

1) TRUNG QUỐC

 Được mệnh danh như cái nôi của võ thuật Á Đông, “đất thánh” của Kungfu, thực trạng của võ thuật Trung Quốc lại rất ít được người ngoài biết đến tường tận. Có vẻ đất nước chiếm 1/6 dân số thế giới này cảm thấy họ quá đông để tồn tại một mình trong thế giới kỹ thuật số: người Trung Quốc sở hữu mạng xã hội, trang tìm kiếm và chia sẻ video riêng – tất cả bằng tiếng Hoa.

Trung Quốc – “quê nhà” của Kungfu

Tách biệt khỏi Internet có lẽ là một trong những lý do lớn nhất khiến người người hâm mộ từ bên ngoài khó lòng tìm đọc thông tin của võ thuật Trung Quốc. Dù bạn có muốn tìm hiểu văn hoá võ thuật, phong trào võ thuật hiện đại hay truyền thống Trung Quốc, nếu không muốn nổi khùng với các kết quả tìm kiếm Google, hãy tập đọc hiểu tiếng Hoa đi!

2) NGA

Xứ sở Bạch Dương hoàn toàn xứng đáng được xếp vào danh sách thánh địa võ thuật trên bản đồ thế giới. Họ sở hữu cả một dân tộc vốn yêu thích thể thao đối kháng, cùng sự gan dạ, lì lợm đã ăn sâu vào máu. Nga là nơi sinh ra “huyền thoại của các huyền thoại” MMA Fedor Emelianenko; đó cũng là nơi Sambo, Judo, Karate fullcontact tung hoành, nơi khởi nguồn những hình thức thi đấu “hổ báo” nhất từng có: Knight Fight (tái hiện đấu trường Trung cổ) hoặc thi đấu MMA tập thể 3 chọi 3, 5 chọi 5.

Người Nga “cuồng” võ theo một cách khác, đầy bạo lực và liều lĩnh

Không quá chú trọng vào truyền thông cũng như cách biệt ngôn ngữ đã khiến Nga trở thành “điểm mù” kế tiếp trên bản đồ võ thuật. Thậm chí, rất nhiều người đã ngạc nhiên thốt lên: “Cái gì, nước Nga mà cũng phát triển võ thuật à?”.

Nước Nga được đánh giá là một trong những cộng đồng võ thuật “chịu chơi” và “chơi lầy” nhất thế giới. Như thế có được xem là “phát triển võ thuật” hay chưa?

3) NHẬT BẢN

Vâng, một lần nữa ngôn ngữ trở thành rào cản truyền bá võ thuật. Xứ sở Phù Tang nhỏ bé cả về dân số lẫn diện tích lãnh thổ này lại chính là nơi sản sinh hoặc nuôi lớn những môn võ đã vươn rộng bàn tay bao phủ khắp thế giới: Karate, Jiujitsu, Judo, Aikido, Kenjutsu, Kendo, Katori Shinto–Ryu… Nhật Bản cũng là một trong những mảnh đất châu Á đầu tiên có lực lượng võ sĩ chuyên nghiệp trong Boxing, Kickboxing, MMA.

Giữ gìn truyền thống song song phát triển võ thuật hiện đại – đó là cách người Nhật giữ gìn vị trí của mình trên bản đồ võ thuật thế giới

Những gì bạn biết về võ thuật Nhật Bản chỉ mới là bề nổi của tảng băng trôi. Với tư tưởng chú trọng sự hoàn mỹ trong mọi chi tiết nhỏ nhất, võ thuật Nhật Bản còn chứa đựng nhiều tinh hoa kiến thức mà chỉ những ai trực tiếp sống và tập luyện tại xứ sở hoa anh đào mới có thể cảm nhận được.

Có một điều may mắn rằng, để bù đắp cho khoảng cách ngôn ngữ, người Nhật rất tích cực trong các công tác truyền thông. Võ thuật được xem như một phần văn hoá đặc trưng của Nhật Bản, thường xuyên xuất hiện cùng lá cờ Nhật Bản trong những hoạt động ngoại giao, truyền bá hình ảnh du lịch Nhật.

4) THÁI LAN

Nếu chỉ ở nhà lướt Internet đọc báo, bạn sẽ không bao giờ hiểu được võ thuật ở Thái Lan thú vị đến mức nào.

Võ thuật Thái Lan – đặc biệt là Muay Thái – phát triển mạnh đến mức… bình thường. Họ dựng sàn đấu mọi nơi, từ các nhà thi đấu hằng đêm đỏ đèn ồn ào với tiếng rao cá cược đấu Muay cho đến nhà hàng, hội chợ, tụ điểm văn hoá và thậm chí cả… tiệc cưới.

Người Thái xem võ thuật như một phần rất bình thường của cuộc sống hằng ngày.

Nhiều thế kỷ trước, người Xiêm bắt đầu xem Muay như một trong những tiêu chí để đánh giá người đàn ông trong xã hội chiến tranh, chọn ra vị hoàng tử dẫn dắt dân tộc. Ngày nay, họ tiếp tục giữ vững điều đó, biến Muay thành một phần máu thịt của dân tộc. Đối với người Thái, võ thuật thân thuộc và gần gũi đến mức họ xem nó bình thường như bát cơm hằng ngày. Nếu nói về “thượng võ”, người Thái xứng đáng được gọi là một trong những dân tộc thượng võ nhất thế giới.

Vốn đã có ngôn ngữ cách biệt và không quá nhiệt tình với công tác truyền thông, các thông tin về võ thuật Thái Lan xuất hiện rất ít trên Internet, hoặc chỉ được đăng tải bằng tiếng Thái. Rất khó để bạn có thể tìm thấy bản dịch tiếng Anh của những bài phân tích võ thuật, các tin tức Muay Thái. Thậm chí, tìm lại những trận đấu cũ của huyền thoại Muay Buakaw Banchamek cũng là điều không hề dễ dàng nếu bạn không biết tiếng Thái.

Y.N

*****

Có thể bạn quan tâm: Võ Thuật TV – Những khoảnh khắc đáng nhớ lại lễ bế mạc Liên hoan Võ thuật Quốc tế TP.HCM 2016 

[jwplayer player=”1″ mediaid=”109176″]