(VoThuat.vn) – “Ồ, tôi để cho bạn có cơ hội chỉ vì bạn là nữ.” Đó là những lời mà người hướng dẫn môn Brazil Jiu-jitsu, Geraldine Lam từng được nghe từ một người bạn tập trong suốt quá trình rèn luyện.
- CEO của Rizin cảnh báo Tenshin Nasukawa sẽ hạ KO Mayweather
- Võ sĩ kiêm thần y: Đá gãy chân đối thủ rồi chữa lành ngay lập tức
“Thỉnh thoảng khi bạn tập luyện với các chàng trai, và nếu họ mới làm quen với môn thể thao này, họ có thể sẽ cảm thấy họ không thể để thua bạn”, Geraldine Lam nói.
“Họ có thể thi đấu hết mình và cố gắng dùng hết sức lực để giành chiến thắng, nhưng điều này có thể dẫn đến nhiều chấn thương hơn. Nếu họ thua, họ lại nói:” Ah tôi không thể dùng hết sức với bạn bởi vì nó sẽ có vẻ như tôi đang bắt nạt bạn vậy.”
“Nhưng điều này chỉ khiến tôi muốn cải thiện kỹ thuật của mình hơn nữa.”
Vanessa Lee, người sáng lập và cũng là huấn luyện viên trưởng tại Van Lee Fitness – một phòng tập Muay Thái chỉ dành cho nữ – đã giúp chúng ta thấu hiểu khi được hỏi về những định kiến giới tính mà phụ nữ có thể phải đối mặt trong lĩnh vực võ thuật vốn luôn do nam giới thống trị.
“Tôi nghĩ rằng định kiến về giới tính vẫn còn khá phổ biến ngay cả trong thế giới hiện đại. Phụ nữ vẫn được xem là phái yếu và chúng tôi thường không được huấn luyện một cách nghiêm túc,” cô nói.
Mặc dù vẫn có rào cản về giới mà phụ nữ phải đối mặt trong võ thuật, nhưng động lực gì đã thúc đẩy họ bước chân vào bộ môn này.
Bạn sẽ hi sinh bao nhiêu?
Ngoài những lời nhận xét từ các bạn tập nam, Geraldine Lam cũng phải đương đầu với các chướng ngại khác – ví dụ như một chấn thương khiến cô không thể sử dụng đầy đủ hai tay trong một thời gian dài.
Chấn thương đã khiến cô bị mắc chứng “ngón tay bóp cò”, một tình trạng mà ngón cái và các ngón còn lại bị cong, không duỗi ra được do nắm đồ vật quá chặt dẫn đến sử dụng quá mức các gân ngón tay.
“Đó là một khoảng thời gian rất khó khăn đối với tôi bởi vì bạn không thể nắm lấy bất cứ thứ gì. Tại nơi làm việc, tôi thậm chí không thể gõ bàn phím đúng chữ. Nó đã kéo dài trong ít nhất một hoặc hai năm,” cô nói.
“Tôi đã rất ghen tị với những người khác bởi vì tôi không thể tập luyện… Trong một thoáng, tôi cảm thấy như mình đã đánh mất bản thân.”
Trong khi đó, cũng có những nữ võ sĩ đã chuyển đổi công việc để có thể tập luyện võ thuật thuận lợi hơn.
“Tôi từng làm việc cho công ty Toys ‘R’ Us nhưng tôi rời đi sau 10 năm bởi vì tôi muốn có thêm thời gian tập luyện,” một võ sĩ Muay Thái chuyên nghiệp được biết đến với cái tên Chocolate cho biết.
“Có thể gọi nó là một cuộc khủng hoảng trung niên nhưng ở tuổi 30, tôi đã quyết định rằng, có lẽ tôi nên chuyển sang một công việc liên quan đến fitness để tôi có thể tập luyện nghiêm túc hơn.”
Một võ sĩ khác lại nói về việc cô phải sắp xếp việc học tập của mình như thế nào.
“Vào năm 2014, khi tôi còn học đại học, tôi đã có trận đấu Muay Thái đầu tiên. Tôi phải luyện ba đến bốn lần một tuần vào ban ngày. (Sau đó), tôi phải quay trở lại trường học để tham gia những bài giảng phụ đạo trong một vài ngày,” Audrey Cheong, 27 tuổi nói.
“Tôi luôn cảm thấy buồn ngủ trong các bài giảng đó,” cô nhớ lại.
Nhưng Audrey Cheong đã quyết tâm tiếp tục cố gắng để đạt được mục tiêu là có thể thi đấu Muay Thái.
Vào năm 2017, cô đã đạt thêm một thành tựu lớn khi lần đầu tiên thi đấu boxing. Trong khoảng thời gian đó, Cheong không còn học đại học nữa nhưng cô lại phải cân bằng công việc làm một quản lý nhân sự với việc tập luyện để trở thành một võ sĩ có năng lực thi đấu.
“Thật kinh khủng… khủng khiếp. Rất mệt. Không hề có đời sống xã hội khi bạn đang tập luyện cho một trận đấu,” cô cười nhẹ kể lại.
“Chung quy lại, khi nói đến việc luyện tập hàng ngày, tôi phải chia nhỏ nó ra thành hàng giờ và phút để hoàn thành.”
“Phần khó nhất là khía cạnh tinh thần. Đã từng có rất nhiều sự tự ti và không bao giờ có mục tiêu cuối cùng mà bạn có thể đạt được.”
Tuy nhiên, mặc dù phải phá bỏ rào cản vô hình và lo toan công việc bận rộn thường ngày, nhưng tỷ lệ phụ nữ tham gia võ thuật dường như đang theo một quỹ đạo đi lên.
Gia tăng số lượng phụ nữ tập võ ở Singapore: Có phải là mốt nhất thời không?
“Có một sự gia tăng đáng kể số lượng phụ nữ tập luyện võ thuật, bất kể đó là trong Muay Thái, Boxing hay BJJ,” nữ võ sĩ Chocolate, hiện cũng là một phần của đội ngũ quản lý tại Onyx MMA, nơi cô đang tập luyện cho biết.
“Bước ngoặt đối với môn Muay Thái có thể là nằm ở chương trình Contender Asia. Nó đã làm cho ngành công nghiệp Muay Thái tại Singapore bùng nổ vào khoảng năm 2008 và 2009,” cô nói và đề cập đến chương trình thực tế tập trung vào môn Muay Thái xuất hiện vào năm 2008.
Tuy nhiên, cô buồn bã lưu ý rằng cũng có thể là do võ thuật đã dần chạy theo xu hướng.
“Nói một cách khác là võ thuật đã trở nên thương mại hóa hơn”, Chocolate chia sẻ.
“Bạn nhận được rất nhiều bài tập gym không tập trung vào rèn luyện võ thuật mà bắt đầu kết hợp với một số hình thức võ thuật như box-aerobics, boxercise…
“Một khi nhà cung cấp của chúng tôi, giống như những mắt xích không phục vụ được đỉnh của chuỗi thức ăn, không thể đưa ra các dịch vụ hậu cần cho các võ sĩ ra ngoài và thi đấu – thì chắc chắn rằng, thị trường sẽ theo kịp và đáp ứng được điều này.”
Vanessa Lee cũng có cảm nghĩ tương tự và nói thêm rằng cô muốn phục vụ cho thị trường Fitness – cụ thể là những phụ nữ không muốn thi đấu – trong khi vẫn còn đang huấn luyện môn Muay Thái.
Một động lực khác là đến từ cựu vô địch UFC hạng bantamweight của nữ, Ronda Rousey.
“Ronda Rousey không phải là người phụ nữ đầu tiên thi đấu chuyên nghiệp, nhưng xét tổng thể, cô ấy có thể làm cho nhiều phụ nữ suy nghĩ về việc theo đuổi võ thuật,” Chocolate nói.
Với một suy nghĩ lớn lao hơn, Vanessa Lee tin rằng võ thuật có thể trao quyền cho phụ nữ – người ta chỉ có thể cảm nhận được điều này khi thực hiện những cú đá cao không sợ hãi hay hạ một cú đấm gọn gàng lên mục tiêu.
“Tôi nhìn ra rằng phụ nữ trên toàn thế giới đang bắt đầu nhận ra sức mạnh của họ,” cô nói. “Võ thuật đã trở thành nền tảng để họ mạnh mẽ hơn, từ trong ra ngoài. Đối với một số người, nó có thể đáng sợ lúc đầu, nhưng nó cũng đang trao quyền cho họ.”
Nhưng liệu việc phụ nữ tham gia tập luyện võ thuật có thể được duy trì? Chocolate tin rằng điều này có thể, đơn giản bởi vì phụ nữ, theo quan điểm của cô, có một cách tiếp cận võ thuật kiên nhẫn và bài bản hơn so với đàn ông – những người có thể tìm kiếm con đường nhanh hơn để có được sự hài lòng khi tập võ.
Vanessa Lee cũng cho rằng phụ nữ ngày nay cởi mở hơn trong việc thử tập luyện võ thuật.
“Hầu hết chúng tôi sống ở Singapore – một đất nước bận rộn và bạn cần một lối thoát để giải tỏa căng thẳng,” cô nói. “Tôi mường tượng ra trong tương lại, sẽ có thêm nhiều phụ nữ theo đuổi võ thuật.”
Hàm Uyên