Trong văn hóa Á Đông, hình tượng “lưng hổ vai gấu” thường xuyên được dùng để ám chỉ hoặc miêu tả những người uy dũng, có tài võ nghệ hoặc ít nhất là sức khỏe hơn người. Liệu điều này có phải sự thật?
5 lý do Tony Jaa trở thành siêu sao được cả thế giới ngưỡng mộ
Những lý do nên cho trẻ em luyện võ thuật
Hình tượng “lưng hổ vai gấu” xuất hiện trong thi ca với tần suất dày đặc, nhất là với những tác phẩm liên quan đến đề tài võ thuật hoặc chiến tranh trung đại. Cũng như những hình ảnh “mắt phượng mày ngài” hay “mặt chuột tai dơi”, “lưng hổ vai gấu” được dùng phổ biến đến mức nhiều người có thể hiểu và sử dụng nó một cách chuẩn xác mà thậm chí không cần hiểu rõ ẩn ý.
Rất khó để xác định hình tượng “lưng hổ vai gấu” bắt đầu được sử dụng từ khi nào và với bao nhiêu người, cũng như không có bất cứ văn bản nào miêu tả chính xác đặc điểm “lưng hổ vai gấu”. Trong quan niệm nhân tướng học Á Đông, người ta chia rõ đặc điểm con người theo “hình” (Hình công, hình ưng, hình phượng…) và “tướng” (tướng hổ, tướng rồng, tướng voi, tướng khỉ…) để phân loại tính cách con người theo những nhóm biểu hiện thống nhất. Trong khi đó, khái niệm “lưng hổ vai gấu” dường như chỉ là một cách dùng mang tính chất ước lệ trong văn học.
Tuy nhiên, nếu so sánh về hình thể với động vật thực tế, ta có thể nhận thấy hai điều sau:
LƯNG HỔ
Lưng hổ có thể hiểu là lưng dài, đầy đặn, đều theo chiều dọc (không thắt eo). Xét theo quan điểm của thể hình hiện đại, đây là tướng người cân đối và có hệ thống cơ core (thân người) phát triển.
Nhóm cơ core bao gồm các cơ quanh thân người như hông, lưng trên, lưng dưới, cơ bụng, cơ liên sườn… Đây là nhóm cơ đặc biệt quan trọng trong chuyển động của cơ thể khi lao động hay tập luyện thể thao, võ thuật. Thậm chí, theo quan điểm cá nhân của một số chuyên gia, cơ core xứng đáng được xếp hạng quan trọng nhất trong việc tập luyện võ thuật. (Lý Tiểu Long từng đánh giá cơ bụng và liên sườn là quan trọng nhất trong võ thuật).
Đúng như ý nghĩa từ “core” – cốt lõi, nhóm cơ này tham gia vào hầu hết các chuyển động của cơ thể, giữ cơ thể trọng trạng thái cân bằng, ổn định và chuyển động chính xác hơn. Riêng trong võ thuật, cơ core có ý nghĩa cực kỳ quan trọng khi:
- Bảo vệ các cơ quan khác: Cơ core dày và chắc khỏe có thể bảo vệ xương bả vai, một phần tác động vào cột sống, xương sườn và các nội tạng như gan, dạ dày, lá lách… Tập chịu đòn cho cơ bụng và liên sườn là một trong những phần tập luyện quan trọng nhất của các võ sĩ hiện nay.
- Chuyển động đặc thù của võ thuật. Nhìn chung, cơ core là cầu nối giữa 2 phần cơ thể, giúp cho kỹ thuật được thực hiện chính xác, thăng bằng và uy lực hơn. Một số phần của cơ core như cơ lưng, cơ bụng… có vai trò quan trọng trong một số động tác đặc thù như xoay người (tung nắm đấm…) hoặc giật người về phía sau (snap back, lean back, kỹ thuật tránh đòn cơ bản trong nhiều bộ môn…)
- Giúp cơ thể có khả năng tuần hoàn và hô hấp tốt hơn.
Nhìn chung, tướng người “lưng hổ” rõ ràng vượt trội trong võ thuật.
VAI GẤU
Có nhiều cách hiểu về hình dáng “vai gấu”, nhưng nhìn chung có thể thấy đó là cách ước lệ mô tả người có cơ vai (trước, sau) và cơ thang (phần cơ sau lưng, nằm giữa cổ và vai) phát triển.
Đây là nhóm cơ “cạnh tranh” rõ ràng nhất với cơ bụng về ngôi vị “quan trọng nhất trong võ thuật”. Nghĩ đến nhóm cơ này, chắc hẳn điều đầu tiên bạn nghĩ đến là những cú đấm. Vâng, uy lực và tốc độ của những cú đấm luôn quan trọng trong rất nhiều môn võ.
Đợi đã, hãy nghĩ về một vấn đề đơn giản hơn. Bạn còn nhớ ấn tượng của lần đầu tiên bạn xỏ găng vào đấu tập chứ? Bạn có nhớ đôi vai bạn đã mỏi nhừ như thế nào không? Đó chính là mấu chốt khiến “vai gấu” trở thành hình tượng của người luyện võ. Cơ thể con người bình thường không quen giữ đôi tay giơ lên trong một thời gian dài, trừ khi bạn có “thâm niên” lao động ngành đặc thù nào đó buộc đôi tay bạn phải làm việc liên tục như vậy. Khi thi đấu, bạn luôn phải giữ đôi tay linh hoạt, chuẩn xác và nằm đúng vị trí phòng thủ. Và nếu như không có một hệ cơ vai tốt, chắc chắn bạn không thể giữ cho toàn bộ khối trọng lượng cánh tay, cơ và xương vai có thể giơ lên suốt trận đấu 3 hiệp x 3 phút (đó là chưa kể đến việc bạn phải dùng cánh tay đó để tung nắm đấm và mau mỏi hơn rất nhiều).
Ý NGHĨA
Như vậy, khi dùng lý thuyết võ thuật hiện đại để lý giải cho những quy cách ước lệ văn học xưa cũ, ta có thể thấy hình tượng “lưng hổ vai gấu” hoàn toàn hợp lý khi được dùng để miêu tả những nhân vật có võ nghệ hay sức mạnh xuất chúng. Từ xa xưa, con người đã ý thức rất rõ về những nhóm cơ và ý nghĩa trong vận động đấy chứ!
Còn bạn, bạn có tướng “lưng hổ vai gấu” hay không?
Có thể bạn quan tâm: “Tướng – Sĩ – Tượng” trong bàn cờ “Võ trận Bình Định”
https://www.youtube.com/watch?v=B8SMvOvU-Zg
Y.N