“Nếu bạn có dự định ủng hộ con em của mình luyện tập võ thuật thì bạn hãy quyết định ngay bây giờ – hoặc càng sớm càng tốt” – đó là lời khuyên của nhiều người có kinh nghiệm trong võ thuật.
> Tập Taekwondo bạn mất những gì?
> Cách xoạc chân cho người học võ
Thế nhưng, đằng sau lời nhận định này là một số vấn đề mà không phải vị phụ huynh nào cũng có thể hiểu thấu. Hãy cùng VoThuat.vn điểm qua những điều đó – những lí do giải thích về việc “Tại sao nên cho trẻ em học võ từ sớm?”
1. Kinh nghiệm
Cũng như bất cứ bộ môn thể thao nào khác, sự thành công trong võ thuật chuyên nghiệp (thi đấu, giảng dạy….) đều đòi hỏi kinh nghiệm. Có một bằng chứng không thể chối cãi rằng hầu hết các võ sĩ thành danh ở mọi bộ môn, đấu trường… đều có chung một đặc điểm đó là rèn luyện võ thuật từ rất sớm.
Theo nhiều huấn luyện viên võ thuật, trẻ em từ “già” nhất là 6 tuổi đã có thể bắt đầu ghi nhớ rõ các động tác võ thuật nếu được tập luyện đúng cách, và từ năm 10 tuổi đã có thể xuất hiện các “kinh nghiệm” cá nhân.
Võ thuật không giống như của thừa kế. Bạn có thể được truyền dạy nhiều tinh hoa đáng quý, nhưng võ thuật vẫn là một “tài sản” cá nhân tồn tại, tích lũy trong mỗi người, ngày càng nhiều theo năm tháng. Nếu bạn thực sự cảm thấy sẵn sàng tạo điều kiện cho con em đi theo con đường võ thuật (chuyên nghiệp), thì bạn nên bắt đầu con đường ấy ngay từ bây giờ.
2. Thể chất
Có nhiều ý kiến tranh cãi về việc rèn luyện thể chất cho trẻ em ở độ tuổi mà cơ thể vẫn chưa phát triển đầy đủ. Thực sự thì hầu hết các vấn đề tranh cãi đều nhắm vào việc rèn luyện SAI cách. Vẫn có những bài tập thích hợp dành riêng cho thể chất của trẻ em khi luyện tập võ thuật. Các bậc phụ huynh nên lưu ý vấn đề khi chọn lớp, chọn câu lạc bộ cho con em. Việc rèn luyện thể chất từ sớm (dĩ nhiên là đúng cách) không chỉ có ý nghĩa với sự nghiệp võ thuật, mà còn có ý nghĩa về sức khỏe, học tập, tính cách….
3. Tinh thần
Võ thuật – cùng môi trường rèn luyện khác biệt so với nhiều bộ môn thể thao khác có thể rèn luyện nên nhiều phẩm chất cao quý: tự trọng, bênh vực kẻ yếu, bình tĩnh, trung thành. Hẳn rằng ai cũng thuộc nằm lòng câu nói “Trẻ con như cây non dễ uốn”. Vậy sao không để võ thuật uốn nắn những cây non đó từ sớm?
Khác với lứa tuổi thanh niên chịu ảnh hưởng phức tạp từ gia đình, bạn bè, cuộc sống, xã hội,… trẻ nhỏ sở hữu một trong những hành vi cơ bản và mạnh mẽ nhất: bắt chước. Trẻ nhỏ bắt chước những người mà chúng yêu mến, thần tượng, kính nể: cha mẹ, thầy cô, những người lớn tuổi. Sẽ như thế nào nếu một đứa trẻ nhỏ được gửi vào một lớp võ chất lượng, một người thầy đức độ?
Sự gan lì, bản lĩnh của các võ sĩ cũng dễ dàng rèn luyện được từ độ tuổi này. Càng lớn lên, càng khó sửa đổi tính cách một người, và chúng ta gần như “hết thuốc” với một võ sĩ nhút nhát đã qua tuổi 20.
4. Kỉ niệm
Tạm thời gạt hết những trận đấu nảy lửa, những buổi tập ướt đẫm mồ hôi khỏi đầu! Võ thuật khắc nghiệt và gần gũi với các yếu tố bạo lực, nhưng một lớp võ đầy tiếng cười, một cuộc sống vui vẻ cùng những người chung đam mê võ thuật vẫn là điều không thể thiếu trong tâm hồn một con người yêu võ. Khi được rèn luyện võ thuật từ nhỏ, trẻ em sẽ có nhiều kỉ niệm hơn là những đứa trẻ chỉ đến trường rồi về nhà. Điều này góp phần hoàn thiện thêm về nhân cách, tính cách và kí ức.